Những người đến từ Nam Phi nên được kiểm soát kỹ hơn, không để chủng mới này lây nhiễm trong cộng đồng.
Nhiều bệnh nhân mắc chủng mới
Sáng 2/2, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, các nhà khoa học đã lấy mẫu xét nghiệm và giải trình từ gene virus SARS-CoV-2 trên 16 mầm bệnh phẩm của các bệnh nhân Covid-19. Kết quả cho thấy 11/16 mầm có tín hiệu tốt và liên quan đến 2 ổ dịch Hải Dương (Công ty Puyon), Quảng Ninh. 11 mẫu này đều có trình tự gene tương tự virus B.1.1.7 lần đầu xuất hiện tại Anh (tháng 12/2020).
Theo các nhà khoa học, biến thể B.1.1.7 được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây. Đây là biến chủng đang gây nên sự bùng phát mạnh của đại dịch Covid-19 ở nước Anh và các nước châu Âu. Tính đến ngày 17/1. biến chủng B.1.1.7 đã xuất hiện trên 60 nước.
Chiều 1/2 Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM thông tin, kết quả giải mã bộ gene SARS-CoV-2 ở BN 1660 cho kết quả: Mang 17 đột biến tiêu biểu của biến chủng B.1.1.7. Trước đó nữ công nhân ở Công ty Puyon (Chí Linh, Hải Dương) đã được phát hiện mắc Covid-19 khi vừa tới Nhật Bản. Kết quả giải trình gene phía Nhật Bản cho thấy, trường hợp này nhiễm biến thể mới từ virus SARS-CoV-2 của Anh.
Cách đây vài ngày, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã phát hiện chủng virus biến thể mới của Nam Phi trên các bệnh nhân là người nhập cảnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ quan ngại về tình hình tại Hà Nội. Ông nói: “Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội thống nhất quan điểm: Phải giữ bình yên cho Thủ đô để người dân được đón Tết an toàn”.
Theo lãnh đạo ngành y tế, đợt dịch lần này sẽ khó khăn, phức tạp hơn và khác hẳn so với lần bùng phát trước tại Đà Nẵng. Bởi, chủng biến thể mới của virus có tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Hà Nội cần chống dịch quyết liệt hơn. “Những nguy cơ này đòi hỏi chúng ta phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, nếu không thì tốc độ lây nhiễm của virus sẽ nhanh hơn chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Do đó, lãnh đạo này nhấn mạnh, cần khoanh vùng càng nhanh càng tốt, càng rộng càng tốt. Nơi nào có bệnh nhân thì khoanh rộng hơn và lấy mẫu toàn bộ người dân ở đó. Khi tất cả các mẫu ở khu vực đó có kết quả âm tính, mới tính đến giãn cách, khoanh hẹp hơn. Bên cạnh đó, cần coi các F1 là trường hợp nhiễm bệnh. Từ đó, truy ra F2 và coi F2 gần như F1.
“Chúng tôi đồng ý cách ly F2 ở nhà, nhưng phải thực hiện cách ly F2 tại nhà nghiêm ngặt và có giám sát. Đó là sự thay đổi trong cách thức ứng phó dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắc lại.
Biến thể vượt “tầm kiểm soát”
Chia sẻ về các chủng mới của SARS-CoV-2, TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California (Mỹ), cho biết: “Dựa trên các số liệu khoa học cho tới hiện nay, sự xuất hiện của biến thể mới làm dấy lên lo ngại về “tốc độ” lây nhiễm”.
Theo chuyên gia này, đối với biến thể B.1.17, đáng lo sợ nhất là khi những người từng nhiễm virus một cách tự nhiên hoặc được tiêm vắc-xin bắt đầu bị nhiễm lại. Dù rằng, trong cơ thể của họ vẫn có kháng thể để nhận biết virus.
TS Vũ nhận định, khi đại dịch kéo dài, virus vẫn tồn tại ở nhiều nơi và trong cơ thể của nhiều người. Chúng vẫn còn “cơ hội” để tiếp tục tiến hóa tạo ra các chủng khác nguy hiểm hơn.
“Cho đến nay, dù đã có hơn 4.000 chủng đột biến được nhận diện bởi các nhà khoa học. Nhưng may mắn là các chủng này vẫn nằm trong “vòng kiểm soát”, kể cả chủng đột biến mới ở Anh. Dù rằng, đột biến N501Y trên protein S của chủng này làm cho chúng có thể tăng tốc độ lây lan lên 50 - 70% so với chủng cũ”, chuyên gia giải thích.
Tuy nhiên, chủng đột biến mới ở Nam Phi là SARS-CoV-2 501Y.V2 được cho là đã “vượt ra khỏi tầm kiểm soát” hiện nay của con người. TS Vũ dẫn chứng, báo cáo khoa học mới đây của nhóm nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy, chủng này có nhiều sự thay đổi trên protein S. Đây là protein quan trọng đóng vai trò trong việc lây nhiễm của virus.
“Việt Nam nên coi đây là mối quan tâm hàng đầu trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Việc nhập cảnh của những người đến từ Nam Phi nên được kiểm soát kỹ hơn, không để chủng mới này lây nhiễm trong cộng đồng. Các nhà sản xuất vắc-xin của Việt Nam cũng nên bắt đầu chuẩn bị cho các kế hoạch thiết kế lại vắc-xin để đối phó với làn sóng mới của đại dịch”, TS Vũ nhấn mạnh.