“Giấc mơ” vắc-xin sụp đổ vì biến thể mới?

GD&TĐ - Biến thể 501.V2 xuất hiện tại Nam Phi có thể lây lan nhanh hơn và tiềm ẩn nguy cơ kháng được hiệu quả của vắc-xin. Yếu tố này cũng có thể làm cho số người có nguy cơ mắc Covid-19 nặng tăng.

Chưa có bằng chứng cho thấy, biến thể tại Nam Phi khiến bệnh trầm trọng hơn.
Chưa có bằng chứng cho thấy, biến thể tại Nam Phi khiến bệnh trầm trọng hơn.

Dừng chuyến bay từ khu vực có biến thể mới

Ngày 5/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành chỉ thị tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh trên diện rộng tại nhiều nước trên thế giới. Mỗi ngày, có thêm khoảng 600 nghìn ca mắc mới và khoảng 6 nghìn người tử vong. Đặc biệt, chủng virus mới xuất hiện và có khả năng lây lan mạnh hơn tại 38 quốc gia. Trước bối cảnh này, nhiều nước đã phải áp dụng các biện pháp mạnh, tái phong tỏa để phòng, chống dịch.

Theo Thủ tướng, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan ở Việt Nam vẫn rất cao. Trong đó, đáng lo ngại nhất là người nhập cảnh từ các nước có dịch bệnh đang bùng phát, đối tượng nhập cảnh trái phép không được kiểm soát qua đường mòn, lối mở… Trong khi đó, cộng đồng vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh, bảo đảm cách ly tập trung đủ 14 ngày. Tạm dừng tổ chức các chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có lây nhiễm chủng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và đang có dịch diễn biến phức tạp. Trước hết, đó là Anh và Nam Phi. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải xác định cụ thể các nước để áp dụng biện pháp này.

Trường hợp phát hiện ca mắc bệnh, các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan phải nhanh chóng truy vết, áp dụng biện pháp cần thiết, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Biến thể mới thay thế chủng ban đầu

Theo TS Phạm Hùng Vân - giảng viên môn Vi sinh, Khoa Y, Trường ĐH Y Dược TPHCM, Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TPHCM, cho biết: “Trong quá trình nhân bản để tăng sinh và lây lan, bộ gen của virus sẽ có những biến đổi. Đặc biệt là những virus có bộ gen RNA như virus HIV, virus cúm. Vì enzyme giúp các virus nhân bản bộ gen RNA của chúng thường hay bị những sai sót khi hoạt động. SARS-COV-2 cũng là virus có bộ gen là RNA. Vì vậy, bộ gen của nó cũng có những thay đổi do những sai lầm khi nhân bản”.

Chuyên gia này dẫn chứng, trong một tháng nhân bản, một SARS-COV-2 chỉ có thể xảy ra nhiều nhất là 2 thay đổi trong tổng số 29.903 nucleotide của nó. Tốc độ này chậm hơn virus cúm 2 lần và HIV 4 lần. Một số biến thể có hại cho virus và dần biến mất. Trong khi đó, biến thể giúp virus xâm nhập và lây lan nhanh hơn sẽ tồn tại và dần thay thế các chủng ban đầu.

Ngoài biến thể VUI 202012/01 xuất hiện tại Anh, các nhà khoa học vô cùng lo ngại về 501.V2. Đây là một biến thể khác của SARS-CoV-2 xuất hiện tại Nam Phi từ đầu tháng 11/2020. 

“Biến thể này khác với VUI 202012/01 là không có các đột biến mất mã di truyền, vẫn còn các đột biến D614G và đột biến N501Y. Nhưng lại có thêm các đột biến khác, đặc biệt là đột biến E484K trên RBD, làm tăng khả năng bám protein gai của virus vào ACE2 tế bào biểu mô hô hấp. Và, đột biến K417N có nguy cơ làm giảm hiệu quả của kháng thể đặc hiệu chống protein gai của virus. Tức là, có nguy cơ làm giảm hiệu quả của vắc-xin”, TS Vân cảnh báo. 

Bởi những yếu tố này, các nhà khoa học nhận định, biến thể 501.V2 xuất hiện tại Nam Phi đáng lo ngại hơn VUI 202012/01 của Anh. Bởi, biến thể 501.V2 có thể lây lan nhanh hơn và tiềm ẩn nguy cơ kháng hiệu quả của vắc-xin. Trong khi đó, hầu như các loại vắc-xin Covid-19 hiện nay nhắm mục tiêu gây miễn dịch. Nhờ đó, giúp cơ thể tạo được kháng thể chống các protein gai của SARS-COV-2. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, chưa có bằng chứng nào cho thấy, các biến thể mới khiến bệnh trầm trọng hơn. 

Biến thể “trốn thoát” hiệu quả vắc-xin?

Song, TS Vân cảnh báo, yếu tố lây lan nhanh hơn cũng có thể làm cho số người có nguy cơ mắc Covid-19 nặng tăng. Họ là nhóm người cao tuổi, hoặc bị béo phì, mắc các bệnh nền như tiểu đường, suy thận, tim mạch... Trong trường hợp đó, sẽ có sự gia tăng số bệnh nhân Covid-19 nặng nhập viện. Từ đó, gây quá tải hệ thống y tế và tăng số ca tử vong.

“Với nguy cơ biến thể trốn thoát được hiệu quả của vắc-xin, đây sẽ là nguy cơ rất tệ hại. Niềm hy vọng của loài người trong chống đại dịch nhờ vắc-xin lại bị sụp đổ. Và như vậy, bức tranh ảm đạm về kinh tế sẽ không thể sớm vẽ lại bình thường như trước đây”, TS Vân nhận định. 
Trước sự xuất hiện của biến thể mới này, các hãng dược phẩm như Pfizer và Moderna tuyên bố sẽ sản xuất thế hệ vắc-xin mới trong thời gian rất gần. Tuy nhiên, tới nay, theo TS Phạm Hùng Vân, một điều chưa thay đổi là: Virus chỉ gây bệnh nặng cho một số nhóm có nguy cơ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ