Ông nói: “Việc tăng giá sẽ không thể đoán trước được. Sẽ là 300 USD mỗi thùng nếu không muốn nói là hơn”.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách gây áp lực lên Moscow về cuộc xâm lược Ukraine. Washington và các đông minh châu Âu đang xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Nhà trắng cho biết nhiều nhà lập pháp Mỹ đang kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden cắt đứt Nga khỏi nguồn tiền mà nước này thu được từ xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên. Ông Biden đã thảo luận vấn đề này trong một hội nghị trực tuyến với người đồng cấp ở Pháp, Đức và Anh hôm qua.
Tuy nhiên, ông Biden vẫn chưa đưa ra quyết định “vào thời điểm này” – một phát ngôn viên cho biết.
Các nước phương Tây đã giáng vào Moscow một loạt đòn trừng phạt sau cuộc tấn công Ukraine, với việc Washington áp đặt các lệnh trừng phạt đối với việc xuất khẩu công nghệ cho các nhà máy lọc dầu của Nga và Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức.
Đức là quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu thô của Nga, cũng đóng băng việc cấp giấy chứng nhận cho đường ống dẫn khí này.
Tuy nhiên, hôm qua Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo việc chống lại lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu và khí đốt của Nga. Ông nói rằng việc nhập khẩu năng lượng của Nga là “thiết yếu” đối với cuộc sống hàng ngày của người dân châu Âu.
Nga cung cấp 40% khí đốt cho châu Âu. Đây cũng là nhà sản xuất dầu thô và các sản phẩm dầu hàng đầu thế giới với khoảng 7 triệu thùng mỗi ngày, hoặc 7% nguồn cung toàn cầu.
Phó Thủ tướng Nga Novak cho biết nếu châu Âu cấm khai thác dầu khí của Nga, các quốc gia trên lục địa này sẽ mất hơn một năm để thay thế lượng dầu mà họ nhận được từ Nga và sẽ phải trả giá cao hơn đáng kể.
“Các chính trị gia châu Âu cần phải trung thực cảnh báo công dân và người tiêu dùng của họ những gì sẽ xảy ra. Nếu các ông muốn từ chối nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, hãy cứ tiến hành. Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc này. Chúng tôi biết có thể chuyển hướng lượng dầu của mình tới đâu” – ông Novak nói.
Phó Thủ tướng Novak cho biết Nga đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ của mình nhưng hoàn toàn có quyền trả đũa Liên minh châu Âu sau khi Đức đóng băng việc phê chuẩn Nord Stream 2.
“Đến nay, chúng tôi chưa đưa ra một quyết định như vậy. Nhưng các chính trị gia châu Âu với những tuyên bố và cáo buộc của họ chống Nga đã thúc đẩy chúng tôi hướng tới điều đó” – ông nói.
Tình trạng hỗn loạn đã đẩy giá dầu lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Đầu giờ sáng hôm qua, giá dầu thô chuẩn của Mỹ tăng lên 130 USD/thùng trong đêm, sau đó điều chỉnh xuống khoảng 119 USD, tăng 3% trong phiên giao dịch buổi chiều. Trong khi đó giá quốc tế tăng vọt lên 139 USD trước khi giảm trở lại khoảng 123 USD/thùng.
Chỉ một tháng trước, trước khi Nga xâm lược Ukraine, Bộ Năng lượng Mỹ dự đoán giá dầu trung bình khoảng 80 USD/thùng trong năm nay.