Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hôm qua (6/3), ông Putin cáo buộc những người cực đoan Ukraine đã tạo ra một “cuộc khiêu khích” tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhskaya “với sự tham gia của một nhóm phá hoại”.
Vụ xả súng và phóng hỏa tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhskaya của Ukraine vào ngày 4/3 đã làm dấy lên lo ngại trên toàn thế giới và cáo buộc rằng Nga đang mạo hiểm với một thảm họa hạt nhân. Tuy nhiên, Kiev và Moscow cáo buộc nhau kích động tình hình.
“Việc cố gắng đổ lỗi cho quân đội Nga về sự cố này là một phần của chiến dịch tuyên truyền đáng giễu cợt” – ông Putin cho biết, theo tuyên bố từ điện Kremlin.
Ông Putin đã đáp lại lời đề nghị của Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi về việc tổ chức một cuộc họp 3 bên (IAEA, Ukraine và Nga) tại khu vực Chernobyl. Ông lưu ý rằng “về nguyên tắc, ý tưởng này có thể hữu ích” nhưng đề xuất tốt hơn là nên tổ chức cuộc họp “thông qua hội nghị truyền hình hoặc ở một nước thứ 3”.
Theo Điện Elysee, trong cuộc điện đàm kéo dài 2 giờ, ông Putin đã chấp nhận IAEA nên thực hiện các bước ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho các nhà máy hạt nhân của Ukraine.
Ông Putin cho biết “an toàn vật lý và hạt nhân” của nhà máy Zaporrozhskaya đang được quân đội Nga duy trì cùng với sự hợp tác của an ninh và nhân viên Ukraine. Theo Tổng thống Nga, các lực lượng Nga vẫn kiểm soát Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl – nơi xảy ra thảm họa hạt nhân lớn nhất lịch sử.
Tổng thống Putin cho biết Moscow sẵn sàng đối thoại với Kiev nếu Ukraine “đáp ứng vô điều kiện các yêu cầu đã công bố rõ của Nga”. Về phần mình, ông Macron nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp thương lượng “hoàn toàn có thể chấp nhận được đối với người Ukraine” và chia sẻ mối quan ngại của ông về một “cuộc tấn công sắp xảy ra” vào thành phố Odessa.
Sau cuộc điện đàm giữa 2 tổng thống, phát ngôn viên Điện Elysee nói với truyền thông Pháp rằng ông Putin đã thể hiện quyết tâm đạt được các mục tiêu của mình “bằng đàm phán hoặc bằng chiến tranh”.
Tổng thống Nga đã công bố cái mà ông gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” vào ngày 24/2, nói rằng cần phải “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine để bảo vệ an ninh các nước cộng hòa Donbass và an ninh quốc gia của chính Nga. Phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Moscow trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nga.