Nguyên nhân là chúng ta tổ chức các cơ quan hành chính thành nhiều khối khác nhau như hệ thống các cơ quan đảng, đoàn thể; hệ thống cơ quan thuộc khối chính quyền hoặc các ngành, lĩnh vực tổ chức theo ngành dọc... Dưới gốc độ bài biết này, chỉ xin đề cập đến những bất hợp lý trong việc thi nâng ngạch công chức trong hệ thống các cơ quan nhà nước hiện nay.
Hiện nay, việc thi nâng ngạch công chức ở các khối cơ quan đảng, đoàn thể và khối các cơ quan hành chính nhà nước được tổ chức riêng rẽ. Ngoài ra, việc nâng ngạch, thăng hạng viên chức trong hệ thống các trường chính trị, giáo dục công lập cũng hoàn toàn khác, đó là không tổ chức thi mà chỉ xét thăng hạng khi cán bộ, viên chức giảng dạy đủ số tiết, đủ thời gian đứng lớp theo quy định.
Hay như trường hợp các đơn vị theo ngành dọc như toà án, viện kiểm sát, công an, thi hành án dân sự, bảo hiểm xã hội, kho bạc nhà nước... cũng được tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức riêng.
Điều đáng nói ở đây là mặc dù được tổ chức xét thăng hạng hoặc thi nâng ngạch công chức theo những điều kiện, tiêu chuẩn hoàn toàn khác nhau nhưng khi cán bộ, công chức chuyển công tác từ khối này sang khối kia thì vẫn được công nhận là... tương đương. Ví dụ, một công chức là chuyên viên chính đang ở cơ quan thuộc khối đảng chuyển qua công tác tại cơ quan thuộc khối hành chính nhà nước thì vẫn được xếp ngạch tương đương là chuyên viên chính.
Điều này chưa hợp lý và không công bằng, bởi vì việc thi nâng ngạch ở khối này hoàn toàn khác so với khối kia. Lý do rất đơn giản là thi ở khối này, ngành, lĩnh vực này có thể dễ dàng hơn so với khối kia, bởi vì tùy thuộc vào chỉ tiêu được phân bổ nhiều hay ít, tùy theo từng khối.
Đặc biệt, việc thi nâng ngạch nhất định sẽ khó hơn rất nhiều so với xét thăng hạng vì thi thường có tỷ lệ cạnh tranh rất cao, còn xét thì chỉ đến hẹn... lại lên mà thôi.
Nhiều trường hợp cán bộ tuy năng lực kém nhưng vì may mắn được cử đi thi hoặc ngành, lĩnh vực được phân bổ nhiều chỉ tiêu nên thi đạt, được nâng ngạch. Chính điều này làm nảy sinh tình trạng “lách luật” khi một số cán bộ, công chức xin chuyển công tác đến các khối hoặc ngành dễ thi nâng ngạch, sau khi đã được nâng ngạch thì lại xin về đơn vị cũ công tác.
Để khắc phục tình trạng bất cập nêu trên, cơ quan chức năng có thẩm quyền nên nhập chung việc thi nâng ngạch các khối, ngành, lĩnh vực vào chung làm một. Theo đó, chỉ tổ chức một kỳ thi nâng ngạch công chức chung cho tất cả các cơ quan nhà nước trong hệ thống chính trị, không phân biệt cơ quan thuộc khối đảng, đoàn thể hay cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tổ chức theo ngành dọc, trừ một số trường hợp đặc biệt, có tính chất được thù.
Điều này không những hạn chế tiêu cực trong việc chạy chọt, “xin” chỉ tiêu mà còn tạo ra sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các khối, ngành, nghề, lĩnh vực. Bởi vì, dù ở ngành, lĩnh vực hay khối nào thì đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị ở nước ta cũng đều chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức.
Ngoài ra, việc nhập một kỳ thi chung sẽ tiết kiệm được kinh phí, thời gian công sức của các cơ quan nhà nước, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và tạo điều kiện, dễ dàng, linh hoạt trong việc điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ, công chức giữa các khối, ngành, lĩnh vực khác nhau.