Nên giữ nguyên phương án xác định điểm sàn như hiện nay

Nên giữ nguyên phương án xác định điểm sàn như hiện nay

(GD&TĐ) - Đại học Vinh là trường đại học trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không những cho khu vực Bắc Trung bộ mà còn thu hút người học ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trường cũng là 1 trong 4 cụm thi quốc gia tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo giải pháp “3 chung”. Liên quan đến vấn đề tuyển sinh và điểm sàn ĐH, CĐ năm 2013, báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS, NGƯT Đinh Xuân Khoa.

2 năm trở lại đây, có nhiều ý kiến cho rằng “3 chung” đã không còn phù hợp. Là cụm trưởng cụm thi lớn, đồng thời là Hiệu trưởng một trường đại học đã đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tốt nhu cầu lao động của khu vực, ông đánh giá thế nào về việc này? 

Nên giữ nguyên phương án xác định điểm sàn như hiện nay ảnh 1
PGS.TS, NGƯT Đinh Xuân Khoa

PGS. TS, NGƯT Đinh Xuân Khoa: Những năm qua kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy được giữ ổn định theo giải pháp “3 chung”, đã thể hiện tính tích cực, đem lại hiệu quả cao cả về yếu tố chất lượng lẫn giá trị kinh tế. Để cho kỳ thi ngày càng nghiêm túc, thuận lợi cho các nhà trường và thí sinh, Bộ GD&ĐT đã có một số điều chỉnh, bổ sung theo hướng tăng cường kỷ luật phòng thi, tăng quyền tự chủ cho các trường và tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh. Những cải tiến này đã được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Có thể nói, kỳ thi “3 chung” với 4 cụm thi quốc gia: Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ đã tiết kiệm cho nhà nước và thí sinh hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính riêng cụm thi Vinh, hàng năm đã tiết kiệm chi phí ăn ở, đi lại của thí sinh khoảng 100 tỷ đồng. Như vậy, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo giải pháp “3 chung” đã đạt được các mục tiêu về đảm bảo tính nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả, an toàn, đúng quy chế và được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Trong môi trường giáo dục đầy cạnh tranh như hiện nay thì các trường phải tạo lập được uy tín với xã hội, và muốn vậy thì phải có sự đầu tư về hạ tầng cơ sở, đội ngũ cán bộ, chứ với nhận thức của xã hội ngày càng cao, người học không chấp nhận “cơm chấm cơm” trên giảng đường đâu.

Còn về vấn đề điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã thực hiện một cách bài bản, đảm bảo mặt bằng trình độ tối thiểu để thí sinh có thể theo học các trường ĐH, CĐ. Điểm sàn được tính toán trên cơ sở các tiêu chí: chỉ tiêu tuyển sinh; kết quả thi của thí sinh; chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, cơ cấu vùng miền và loại hình trường. Điểm sàn cũng đã được Hội đồng xác định điểm sàn (Lưu ý rằng Hội đồng có đại diện các loại hình trường, các vùng miền, các cơ quan chức năng) xem xét, phân tích và xác định hợp lý, thống nhất cao, công bố sớm, tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xét tuyển, đảm bảo chất lượng tuyển chọn đầu vào, cơ cấu vùng miền, chính sách ưu tiên, công bằng xã hội và cũng góp phần phân tầng các cơ sở giáo dục đại học.

Thế còn ý kiến cho rằng việc xác định điểm sàn như hiện nay là chưa hợp lý nên các trường rất khó tuyển sinh, nhất là các trường ngoài công lập. Lại có kiến nghị nên xây dựng điểm sàn riêng cho 2 loại hình trường công lập và ngoài công lâp?

Các ý kiến trên là chưa thỏa đáng. Nguyên nhân chính của việc khó tuyển sinh là do thương hiệu và chất lượng đào tạo của các trường chưa tạo được niềm tin của phụ huynh và thí sinh. 

Theo tôi, việc xác định điểm sàn của Bộ căn cứ vào kết quả dự thi của thí sinh như hiện nay là hợp lý. Không nên quy định điểm sàn riêng cho các loại hình trường công lập và ngoài công lập. Bộ cũng giao quyền tự chủ cho các trường trong việc tuyển sinh, nếu trường nào có đủ điều kiện thì đề xuất phương án với Bộ, nhưng có trường nào đề xuất giải pháp tuyển sinh cho riêng mình đâu. 

Vậy ý kiến cho rằng nên quy định mức điểm sàn khác nhau cho các khu vực, vùng miền. Là một trường có thể nói là hết sức phong phú về địa bàn sinh viên theo học, ông ý kiến gì về việc này?

Thí sinh dự thi tuyển sinh đại học
Thí sinh dự thi tuyển sinh đại học

Theo tôi, nên quy định điểm sàn chung cho tất cả các khu vực chứ không nên xây dựng điểm sàn riêng cho từng khu vực, vùng miền. Vì như đã nói trên điểm sàn là điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng đào tạo của các bậc học. Nếu ưu tiên cho các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ... thì nên nới rộng mức điểm ưu tiên cho các đối tượng giữa các khu vực.

Tóm lại, phương án xác định điểm sàn như hiện nay theo ông như thế nào là hợp lý?

Phương án xác định điểm sàn như hiện nay là phù hợp, đã dựa trên các tiêu chí số lượng thí sinh dự thi, tổng chỉ tiêu tuyển sinh và kết quả thi của thí sinh. Tuy nhiên, nếu có một phương án đổi mới cách xác định điểm sàn, sát với thực tế tuyển sinh hơn nữa, đảm bảo sự công bằng và phù hợp giữa các loại hình trường và khu vực thì cũng rất tốt. 

Còn ý kiến cho rằng nên xác định điểm sàn trên cơ sở phổ điểm chung của từng môn thi, theo tôi về bản chất cũng không có gì thay đổi. Nếu áp dụng thì phải chú ý đến tính không đồng đều giữa kết quả thi của các môn trong cùng khối thi.

Thêm nữa, Bộ GD&ĐT quy định thời hạn kết thúc xét tuyển vào thời điểm ngày 31/10 hàng năm là phù hợp với thực tiễn, thuận lợi cho các trường và thí sinh.

Xin cảm ơn ông!


Nên giữ nguyên phương án xác định điểm sàn như hiện nay ảnh 3

(GS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh): “Nên mềm dẻo hơn trong điểm sàn”

Quan điểm của tôi là xác định điểm sàn như thế nào cho hợp lý. Nếu ta vẫn tổ chức thi toàn quốc, thì sau khi có kết quả chấm, nhận thấy thí sinh ở mức điểm nào thì nên để các trường ĐH tự quyết định. 

Ngay ở bậc phổ thông cũng thế. Thi vào lớp 10, HS có bằng THCS, các trường có mức điểm khác nhau để tuyển HS, hoàn toàn không có điểm sàn. Trường nào uy tín cao, có thương hiệu thì lấy HS đạt 55 điểm, nhưng có trường ở ngoại thành chỉ lấy 35 điểm thôi.

Tôi đề nghị: Tổ chức thật chặt chẽ, kỳ thi PTTH, đánh giá đúng trình độ của HS từ đó cấp bằng cho các em. Nếu tổ chức thi tuyển sinh trên toàn quốc như hiện nay thì nên cần có điều chỉnh điểm sàn. 

TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng“Điểm sàn phụ thuộc vào chất lượng giáo dục bậc phổ thông”.

Nên giữ nguyên phương án xác định điểm sàn như hiện nay ảnh 4

Bộ GD&ĐT đưa ra điểm sàn với mục đích rất tốt là muốn đảm bảo chất lượng của giáo dục ĐH. Điều quan trọng để có một điểm sàn tốt lại phụ thuộc vào chính chất lượng GD ở bậc phổ thông. 

Về khoa học GD, trong đảm bảo chất lượng, đi theo hướng không căn cứ nhiều vào “đầu vào” mà căn cứ vào quá trình tiến hành và kết quả đầu ra. 

Hiện ta đang phát triển theo quy luật kinh tế thị trường. Về quy luật cung – cầu, cả xã hội đang rất cần việc học. Việt Nam đang phát triển giáo dục ĐH theo hình ống, vào bao nhiêu ra bấy nhiêu, như vậy có đúng với quy luật của đào tạo, quy luật của thị trường? 

Cách lựa chọn sinh viên cho các trường ĐH chính là chất lượng phổ thông. Làm sao cho kỳ thi phổ thông có chất lượng, nghiêm túc, khoa học, đánh giá chất lượng toàn diện, đánh giá năng lực thật của người học. Từ đó các trường ĐH căn cứ vào đó để lấy SV cho mình. 

Bạch Ngọc Dư, (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ