Điều này được nêu trong một thông báo trên trang web chính thức của Liên minh. Tuyên bố tương ứng được đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh các nước vùng Baltic - thành viên NATO với sự tham gia của Tổng thư ký Mark Rutte, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubbom và Thủ tướng Estonia Kristen Michal.
Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo khu vực đã thảo luận về mối đe dọa ngày càng tăng đối với cơ sở hạ tầng quan trọng dưới nước.
Ông Rutte nói rằng vụ phá hoại gần đây đã làm hư hỏng cáp điện và cáp thông tin liên lạc, nhưng tin tưởng rằng khi tất cả các thành viên của Liên minh cùng hợp tác, họ sẽ làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo an toàn và bảo vệ không chỉ cơ sở hạ tầng quan trọng mà còn cả "tất cả những thứ mà chúng ta có thể thực hiện được".
Được biết tàu chiến và máy bay sẽ tham gia nhóm công tác có tên "Đội bảo vệ Baltic". Tổng thư ký NATO cũng tuyên bố triển khai một nhóm phương tiện không người lái hàng hải nhằm phục vụ tuần tra.
Ông Rutte lưu ý rằng NATO sẽ làm việc với các thành viên Liên minh để tích hợp khả năng giám sát quốc gia, nhằm cải thiện việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới nước và ứng phó khi cần thiết.
Gần đây Hải quân Litva cũng đang tăng cường giám sát tuyến cáp ngầm NordBalt trong bối cảnh có báo cáo về sự hư hỏng của nó.
Trước đó vào ngày 26 tháng 12 năm 2024, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Phần Lan đã đột kích tàu và bắt giữ tàu chở dầu Eagle S bị nghi làm hỏng cáp ngầm.
Con tàu chở dầu thuộc Hạm đội bóng tối của Nga đã bị biên phòng Phần Lan chặn lại sau khi cáp ngầm Estlink 2 ở Vịnh Phần Lan bị hư hỏng hôm 25 tháng 12.
Chiếc Eagle S khi đó đang đưa dầu thô từ Nga đến Ai Cập, nó bị nghi ngờ đã cố tình cắt đứt cáp liên lạc khi nó đi ngang qua vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Sau đó các nhân viên thực thi pháp luật phát hiện ra rằng một trong những chiếc neo trên tàu đã biến mất, có vẻ như nó được dùng để làm đứt dây cáp.
Theo cơ quan Marinetraffic, chuyên giám sát chuyển động của các tàu sử dụng tín hiệu phát đáp, tàu chở dầu Eagle S đang hướng tới Ai Cập và dường như đã giảm tốc độ khi đi qua vùng nước phía trên tuyến cáp ngầm.
Vào tháng 11, tàu chở hàng khô Yi Peng 3 của Trung Quốc cũng gặp sự cố tương tự khi đi qua tuyến cáp dữ liệu giữa Phần Lan, Đức, Thụy Điển và Lithuania vào khoảng thời gian chúng bị cắt đứt.
Sau đó tờ Wall Street Journal trích dẫn các nguồn tin giấu tên có liên quan đến cuộc điều tra đưa tin rằng chính tình báo Nga đã ra lệnh cho thuyền trưởng dùng mỏ neo làm hỏng dây cáp.