Theo các quan chức Nhà Trắng, những biện pháp này nhằm mục đích gây thiệt hại tài chính nghiêm trọng cho Nga và gia tăng áp lực lên nền kinh tế nước này.
Washington dự đoán những hạn chế mới sẽ khiến ngân sách Nga thiệt hại hàng tỷ USD mỗi tháng, dẫn đến đồng rúp mất giá và buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải tăng lãi suất cơ bản.
Gói biện pháp hạn chế bao gồm ngăn chặn những công ty chủ chốt trong tổ hợp năng lượng và nhiên liệu của Nga (FEC) và đưa ra nhiều quy định mới, theo đó bất kỳ cá nhân nào kinh doanh với các công ty năng lượng của Nga đều có thể bị trừng phạt.
Điều này có nghĩa là ngay cả các bên trung gian và nhà thầu làm việc với ngành nhiên liệu và năng lượng của Nga cũng có thể phải đối mặt với những "đòn đánh" từ phía Mỹ.
Nhà Trắng cho biết các biện pháp này được thiết kế để giảm thiểu tác động đến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Biden đã nhấn mạnh rằng không có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nhờ sản lượng dầu ngày càng tăng cao của Mỹ, khi các quan chức cho biết có tình trạng dư thừa trong nước.
Chính vì vậy, gói biện pháp trừng phạt như Washington tin tưởng, sẽ không gây ảnh hưởng đến giá năng lượng trên phạm vi toàn thế giới.
Mục tiêu chính của những hạn chế này là buộc Nga phải xây dựng lại chuỗi cung ứng, từ đó tạo thêm khó khăn cho nền kinh tế nước này. Nhà Trắng cho biết các nỗ lực ngăn chặn việc lách lệnh trừng phạt sẽ được tăng cường, Hoa Kỳ dự định hợp tác chặt chẽ với đồng minh để giám sát việc tuân thủ áp đặt mà họ đưa ra.
Số phận tương lai của chính sách trừng phạt đối với Nga sẽ phụ thuộc vào quyết định của chính quyền Mỹ tiếp theo. Dự kiến sau lễ nhậm chức của ông Donald Trump, vấn đề này sẽ trở thành một trong những chủ đề trọng tâm trong chương trình nghị sự.
Mặc dù ông Trump đã nhiều lần chỉ trích chính sách trừng phạt của Tổng thống Biden, cho rằng nó không đủ hiệu quả và tuyên bố ý định xem xét lại cách tiếp cận tương tác với Nga, nhưng một cá nhân không thể thay đổi toàn bộ nền chính trị Mỹ.