Theo trang Bloomberg, biện pháp mới sẽ ảnh hưởng đến các tàu được thuê sau ngày 10 tháng 1 năm 2025. Tuy nhiên những tàu chở dầu đã được thuê trước ngày này sẽ có thể dỡ hàng tại các cảng Ấn Độ cho đến ngày 12 tháng 3.
Quyết định trên xuất phát từ áp lực trừng phạt gia tăng từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Những hạn chế mới đã ảnh hưởng đến khoảng 42% lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga, thực tế trên buộc Moskva phải tìm kiếm thị trường thay thế và điều chỉnh chiến lược bán hàng của mình.
Các thương nhân Ấn Độ - những người trước đây tích cực mua dầu của Nga, hiện đang tìm kiếm nhà cung cấp mới. Theo nguồn tin, một phần đáng kể nhu cầu sẽ được chuyển hướng sang Ả Rập Saudi và các nước OPEC khác.
Hành động của New Delhi có thể dẫn đến những thay đổi trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, bao gồm cả việc củng cố vị thế của các nhà xuất khẩu Trung Đông.
Trước đó, Trung Quốc đã đưa ra loạt biện pháp tương tự khi hạn chế tiếp nhận các tàu chở dầu của Nga thuộc diện bị trừng phạt. Diễn biến trên làm phức tạp thêm tình hình đối với Nga, quốc gia dưới áp lực của các lệnh trừng phạt, buộc phải bán dầu ở mức dưới “trần giá” đã được thiết lập là 60 USD/thùng.
Giới quan sát cho rằng những gì diễn ra có thể gây tác động tiêu cực đến doanh thu xuất khẩu năng lượng của đất nước và làm tăng áp lực lên nền kinh tế Nga.
Theo một số nhà phân tích, các công ty Nga sẽ phải suy nghĩ lại cách tiếp cận giá của mình để duy trì khối lượng xuất khẩu. Đặc biệt, giảm giá sẽ là biện pháp cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh bị tăng cường trừng phạt và người mua chuyển hướng sang các thị trường khác.
Ấn Độ và Trung Quốc trước đây nằm trong số những khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, đặc biệt sau khi bùng nổ xung đột ở Ukraine và việc phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt quy mô lớn. Tuy nhiên điều kiện mới và việc thắt chặt kiểm soát đối với tàu chở dầu bị trừng phạt đã tạo thêm rào cản đối với hàng xuất khẩu của Nga.
Những thay đổi này cũng có thể ảnh hưởng đến giá dầu toàn cầu. Nếu Nga buộc phải bán năng lượng với mức chiết khấu cao hơn nữa sẽ gây áp lực lên giá dầu trên thị trường toàn cầu. Đồng thời, Saudi Arabia và các nước OPEC+ nhiều khả năng sẽ tận dụng tình hình hiện tại để tăng nguồn cung sang thị trường châu Á.