Nắng nóng kéo dài tại khu vực Tây Nguyên: Người dân chật vật vì thiếu nước

GD&TĐ - Nắng nóng kéo dài, không chỉ cây trồng mà nhiều hộ dân cũng khốn đốn vì thiếu nước sử dụng.

Nhiều hồ, đập ở Gia Lai cạn trơ đáy. Ảnh: Trúc Hân
Nhiều hồ, đập ở Gia Lai cạn trơ đáy. Ảnh: Trúc Hân

Để có nước dùng, người dân nạo vét giếng, xin nước từ nhà hàng xóm nhưng vẫn phải chắt chiu từng giọt.

Xin nước về sử dụng

Nhiều ngày qua, nắng nóng kéo dài khiến hàng chục hộ dân, cơ quan ở phường Trần Hưng Đạo (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) thiếu nước sử dụng. Không có nước, người dân phải đi xin về dùng.

Chị Trần Thị Ngân, nhân viên Bưu điện Hòa Bình (phường Trần Hưng Đạo) cho hay, từ giữa tháng 4, giếng nước của bưu điện cạn dần. Số nước còn sót lại cũng bị nhiễm phèn nên không thể sử dụng. Để có nước, chị Ngân và đồng nghiệp thay phiên nhau mang can nhựa 20 - 30 lít qua nhà người dân xin.

Ông Đường Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo cho biết, trên địa bàn có khoảng 40 giếng nước bị cạn. Để đảm bảo nước phục vụ người dân đơn vị đặt 3 bồn nước sạch, mỗi bồn 1.000 lít. Bên cạnh đó, phân công người đi kiểm tra, mỗi khi hết nước sẽ bơm để đảm bảo cho người dân sử dụng.

“Thời gian tới, đơn vị chuẩn bị thêm nhiều bồn chứa để bố trí ở những khu vực thiếu nước. Từ đó, đảm bảo không để bà con khát nước sạch”, ông Cường nói.

Tương tự, mấy tháng qua thay vì sử dụng nước giếng, ông Huỳnh Xuân Ba (69 tuổi, trú xã Hòa Bình, TP Kon Tum) đi xin nước ở những hộ dân lân cận dùng. Bởi giếng của gia đình bị nhiễm phèn, không thể ăn uống, do đó, ông dùng nguồn nước này tắm, giặt.

Không chỉ gia đình ông Ba mà nhiều hộ dân khác cũng thiếu nước sinh hoạt vì giếng đã cạn trơ đáy. Việc thiếu nước gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Theo ông Mai Thu Nhi A, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình (TP Kon Tum) thì tình hình thiếu nước trên địa bàn diễn ra rất phức tạp. Hiện, xã có khoảng 86 giếng đào thiếu nước sinh hoạt, 16 giếng cạn nước hoàn toàn. Trước tình hình trên, nhiều gia đình chủ động nạo vét giếng hoặc xin nước để sử dụng.

Toàn TP Kon Tum có 127 giếng nước bị khô hạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của 126 hộ dân tại xã Hòa Bình, phường Trần Hưng Đạo.

Qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND TP Kon Tum, Nguyễn Thanh Mân chỉ đạo các địa phương vận động bà con thay đổi phương thức canh tác phù hợp với biến đổi khí hậu, thí điểm thực hiện phủ cỏ xanh trên mặt đất tạo độ ẩm cho cây cà phê… Bên cạnh đó, các xã vùng ven tuyên truyền, vận động người dân nạo vét giếng nước, chia sẻ nguồn nước sinh hoạt giữa các hộ trong cụm dân cư.

Đồng thời sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí nhằm đảm bảo nước sinh hoạt tối thiểu. Đối với những hộ có giếng nước khô hạn tại xã Hòa Bình và phường Trần Hưng Đạo, thành phố phối hợp với Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh kéo đường ống dẫn nước, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, tình trạng ít mưa, hạn hán, thiếu nước trong các tháng mùa khô năm 2024 sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tổng diện tích cây trồng dự kiến có nguy cơ bị khô hạn, thiếu nước là trên 1.770 ha.

Nước giếng nhiễm phèn, ông Huỳnh Xuân Ba đi xin nước của hàng xóm sử dụng. Ảnh: Trúc Hân

Nước giếng nhiễm phèn, ông Huỳnh Xuân Ba đi xin nước của hàng xóm sử dụng. Ảnh: Trúc Hân

Không để người dân thiếu nước

Giống như Kon Tum, Gia Lai những ngày qua phải trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, dự báo, thời gian tới, nhiệt độ ở một số nơi trên địa bàn tỉnh sẽ lên tới trên 41 độ C. Thời tiết khắc nghiệt khiến mực nước tại nhiều hồ chứa, thủy lợi trên địa bàn sụt giảm nghiêm trọng, có nơi đã cạn nước.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai, từ tháng 2 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 đợt nắng nóng. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 275 ha cây trồng bị hạn, ước tính thiệt hại trên 7 tỷ đồng.

Tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống hạn, thiếu nước, ông Nguyễn Chúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai cho biết, trước tình hình khô hạn khắc nghiệt, Chi cục Thủy lợi tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tính toán nhu cầu sử dụng nước tưới từ nay đến hết mùa cạn năm 2024 nhằm xây dựng phương án điều tiết nước phù hợp.

Đối với các huyện Kông Chro, Đăk Pơ, Ia Pa và thị xã An Khê cần tính toán nhu cầu sử dụng nước tưới từ nay cho đến hết mùa cạn năm 2024 để cung cấp cho Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak, Công ty Cổ phần Đăk Srông, Công ty TNHH Thủy điện Tây Nguyên nhằm xây dựng phương án điều tiết nước ở hạ du.

Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn người dân linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng tiết kiệm chống thất thoát, lãng phí nguồn nước.

Đồng thời, địa phương xác định những khu vực thiếu nước để chủ động triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt, không để người dân thiếu nước. Trong trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước cung cấp cho người dân.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên dự báo từ nay đến giữa tháng 5 sẽ xuất hiện thêm từ 3 - 5 đợt nắng nóng gay gắt cục bộ và kéo dài. Đồng thời, từ nay đến cuối tháng 5 dễ xảy ra các hiện tượng mưa giông, thường kèm theo mưa đá, lốc, sét, gió giật mạnh gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và tính mạng người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.