Trường vùng cao vào mùa thiếu nước

GD&TĐ - Nhiều trường học vùng cao lại bước vào mùa khô hạn. Từng giọt nước sinh hoạt hàng ngày đều được giáo viên, học sinh chắt chiu, tiết kiệm.

Trường PTDTBT TH Tả Gia Khâu tận dụng nước thải sinh hoạt để lắng tưới rau, trồng cây. Ảnh: NTCC
Trường PTDTBT TH Tả Gia Khâu tận dụng nước thải sinh hoạt để lắng tưới rau, trồng cây. Ảnh: NTCC

Dù còn khó khăn về cơ sở vật chất, các trường vẫn nỗ lực khắc phục để duy trì hoạt động trường lớp.

Chắt chiu từng giọt nước

Xã vùng cao Bát Đại Sơn (huyện Quản Bạ, Hà Giang) là vùng đất khô hạn khi nguồn nước khan hiến gần như quanh năm. Đặc biệt từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, tình trạng thiếu nước vào mùa cao điểm.

Trường PTDTBT Tiểu học Bát Đại Sơn có 400 học sinh (điểm chính), 20 giáo viên và 235 học sinh bán trú. Trường được đầu tư hơn 10 téc chứa nước mưa, cộng thêm duy trì bơm nước dưới hủm… nhưng vẫn không đủ sử dụng.

Thiếu nước đã ảnh hưởng tới hoạt động dạy học, duy trì công tác bán trú. Vào mùa khô, nhà trường chỉ đảm bảo đủ lượng nước để học sinh đánh răng, rửa mặt, chân tay, gội đầu hàng ngày, còn tắm giặt bố trí 1-2 buổi/tuần. Nước thải sinh hoạt (tắm giặt, rửa rau, rửa bát…) dẫn vào bể chứa ngầm để tận dụng trồng rau, cây cảnh.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hoài cho biết: Nước từ hồ treo gần trường là nước mưa, đọng quanh năm; nước từ hủm nhiều rêu, đất, bụi nên bẩn đục. Song trường vẫn phải bơm đều đặn về bể và khắc phục bằng cách để lắng đọng. Giáo viên, học sinh sử dụng nguồn nước này tắm giặt nên quần áo nhanh ố vàng. Thiết bị dẫn nước cũng nhanh hỏng bởi nước đá vôi, không qua xử lý. Riêng nước uống hàng ngày, trường đặt mua theo bình nhưng giá cao hơn do phí vận chuyển.

“Mỗi tháng lượng nước sinh hoạt trường cần có khoảng 30-40 khối, nhưng hiện tại chỉ đáp ứng được 50%. Nước thiếu về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng”, thầy Hoài khẳng định.

Học sinh Trường PTDTB Tiểu học Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai) được huy động lấy nước lúc cao điểm thiếu nước. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường PTDTB Tiểu học Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai) được huy động lấy nước lúc cao điểm thiếu nước. Ảnh: NTCC

Cùng nằm trên địa bàn xã Bát Đại Sơn, Trường PTDTBT THCS Bát Đại Sơn rơi vào tình trạng khó khăn tương tự. Thầy Nguyễn Trường Sơn, Hiệu trưởng chia sẻ: Trường sử dụng nước từ các nguồn khác nhau: Giếng khoan, nước mưa, nước bơm dưới hủm… nhưng lượng nước vẫn không đảm bảo cho 300 học sinh (trong đó 178 học sinh bán trú), 21 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Việc tắm giặt của học sinh phải hạn chế 1-2 buổi/tuần.

Nước để tưới hơn 100m2 rau xanh phải tận dụng lại nước thải sinh hoạt, nước mưa. Nhà trường đang tích cực kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí để tăng thêm giếng khoan nhằm đảm bảo lượng nước sinh hoạt.

Tại huyện Mường Khương (Lào Cai) với đặc thù địa chất núi đá nên tình trạng thiếu nước diễn ra cũng trầm trọng, đặc biệt tại xã Tả Gia Khâu. Theo thầy Long Văn Ngạn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là nước mưa hứng từ mái chảy vào téc. Lúc cao điểm (từ sau Tết âm lịch đến tháng 3), nước dự trữ cạn kiệt, trường phải huy động cả giáo viên, học sinh đi lấy nước nhờ nhà dân (cách trường gần 1 km) đổ vào téc chứa.

“Trường có 1 bể chưa 100 khối vừa xây xong, các loại téc đựng được hơn 100 khối nước. Tuy nhiên tính bình quân, dù dùng tiết kiệm, mỗi học sinh để sinh hoạt, tắm giặt cần khoảng 5 khối/ngày. Và trường có 204/266 học sinh bán trú. Việc khắc phục tình trạng thiếu nước còn nan giải...”, thầy Ngạn trao đổi.

Cũng theo thầy Ngạn, thiếu nước đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động bán trú của học sinh. Trường thường kêu gọi học sinh tắm, giặt tại nhà khi về cuối tuần. Nước tại trường chỉ đủ để sử dụng cho những hoạt động vệ sinh cá nhân cơ bản nhất.

Trong cảnh thiếu nước sinh hoạt ở trường lớp, thầy Nguyễn Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai) chia sẻ: Trường có 145/204 học sinh bán trú. Nước sinh hoạt mùa khô chỉ đủ cho những hoạt động thiết yếu nhất như nấu ăn, rửa bát, vệ sinh mặt mũi chân tay, đánh răng vào sáng, tối.

Việc tắm giặt được nhà trường yêu cầu bố mẹ nhắc trò thực hiện khi về nhà giữa tuần và cuối tuần. Nếu giữa tuần có mưa, học sinh có thể tranh thủ tắm giặt tại trường không phải về. Giáo viên cũng bố trí thay phiên nhau về nhà giữa tuần để tắm giặt. Đáng nói, đa số giáo viên ở trung tâm huyện, cách trường 30km. Học sinh ở thôn gần nhất cũng cách trường 5-7km, một số ít cách 10-15km nên việc đi lại trong tuần để tắm cũng bất tiện.

“Nguồn nước sinh hoạt đều lấy nhờ từ nhà dân nhưng mùa khô hanh nước cũng ít. Để đảm bảo nước cho hoạt động cơ bản, giáo viên, học sinh đều phải tiết kiệm tối đa. Việc trồng cây xanh tạo cảnh quan trường lớp cũng chọn loại cây thích nghi cao với đất khô cằn…”, thầy Việt khẳng định.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Bát Đại Sơn (Quản Bạ, Hà Giang) được dạy kỹ năng sử dụng nước tiết kiệm từ khi vào trường. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Bát Đại Sơn (Quản Bạ, Hà Giang) được dạy kỹ năng sử dụng nước tiết kiệm từ khi vào trường. Ảnh: NTCC

Chủ động thích ứng

Thầy Nguyễn Văn Hoài, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Bát Đại Sơn chia sẻ: Việc trông chờ vào nguồn từ thiện, nhà hảo tâm rất khó vì trường ở vùng xa, ít người biết tới. Nếu có thì cơ bản hỗ trợ trực tiếp cho học sinh về quần áo, sách vở, chăn màn, đồ ăn... Kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất lớn, các đoàn khó huy động.

Hiện trường tăng cường xin hỗ trợ bể inox để tích trữ nước mưa. Cùng đó, kết hợp với bơm nước hàng ngày từ hủm và khe núi và hồ treo lên sử dụng. Lượng nước dùng trong ngày luôn phải cân đối, tiết kiệm để làm sao đảm bảo với lượng nước bơm về. Mặt khác, trường chú trọng củng cố hệ thống đường dẫn và máy bơm nước từ các hủm, hồ treo để tăng cường lượng nước sinh hoạt hàng ngày.

Đặc biệt, để tiết kiệm nước đi vào ý thức, hành động học sinh dù ở lứa tuổi nhỏ, trường tăng cường dạy học sinh kỹ năng tiết kiệm nước sinh hoạt nhưng đảm bảo vệ sinh. Giáo viên trực bán trú hướng dẫn trò tiết kiệm nước từ quá trình sinh hoạt đến tắm giặt..; Cùng đó, lồng ghép trong một số tiết sinh hoạt, môn học để dạy nguồn tài nguyên nước, cách sử dụng nước tiết kiệm…

Trường PTDTBT THCS Tả Gia Khâu tăng cường liên hệ với nhân dân để bổ sung nguồn nước sinh hoạt. Mặt khác, báo cáo, tham mưu cùng lãnh đạo trong việc đầu tư cơ sở vật chất (bể ngầm, téc nước) để chứa nước. Huy động tối đa các nguồn lực, xã hội hóa để đầu tư nguồn dẫn nước về trường…

Trước thực trạng trên, Phòng GD&ĐT Mường Khương (Lào Cai) đã tham mưu cho huyện trong việc đầu tư bể và bồn chứa nước cho các nhà trường. Mặt khác, qua các nguồn đầu tư, xã hội hóa sẽ chú trọng vào các hạng mục cơ sở vật chất cần thiết nói trên để tăng cường số lượng và chất lượng nước sinh hoạt...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng GD&ĐT Mường Khương (Lào Cai), trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, phòng vẫn kêu gọi, khuyến khích các trường, giáo viên chủ động tích trữ nguồn nước mưa. Các giải pháp đưa nước từ nguồn về trường cũng cần được nghiên cứu, học hỏi để có thể áp dụng khi điều kiện phù hợp…

Tại trường học vùng cao, vào mùa khô hạn, 100% thầy cô dùng nước mưa để sinh hoạt, nấu ăn hàng ngày. Tiết kiệm nước trở thành phản xạ, ý thức đối với từng giáo viên, học sinh… Do đó, mong mỏi, khát khao lớn nhất thầy trò vùng đất “khát” là được hỗ trợ xây thêm bể ngầm chứa nước, tặng téc đựng nước inox...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.