Khắp nơi thiếu nước sinh hoạt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thiếu nước sinh hoạt và thiếu điện, cái nào cũng quan trọng nhưng không có nước để dùng thì nguy hại hơn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hiện tại, khắp nơi trên cả nước đều ở mức nhiệt trên 35 độ C, các tỉnh miền Nam phổ biến từ 36 - 40 độ, thậm chí như Đà Lạt - thành phố mát mẻ quanh năm mà cũng vượt ngưỡng 30 độ thì việc thiếu nước sinh hoạt là đương nhiên.

Nhưng lẽ ra, câu chuyện “thiếu nước sinh hoạt trong mùa Hè” sẽ không phổ biến như năm nay nếu như các nhà quản lý và các doanh nghiệp làm thủy điện có tầm nhìn xa hơn và bớt chút lợi ích của mình mà nghĩ đến cuộc sống của cộng đồng hơn.

Cách đây vài hôm, một nhà máy nước ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) phát đi thông báo sẽ ngừng cung cấp nước đến toàn thể khách hàng với lý do là Trạm cấp nước Đạ M’ri (thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai) đã không còn nguồn nước để khai thác.

Trên 3.000 gia đình với chục ngàn nhân khẩu ở thị trấn vùng cao nguyên này chưa bao giờ rơi vào tình cảnh bi đát đến thế. Bên cạnh nắng hạn còn có một lý do nữa là ở thượng nguồn suối Đạ M’rê - nguồn cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước, đã bị ngăn chặn để tích nước!

Nhà máy nước với công suất nhỏ đã vậy, những nhà máy nước cung cấp nước sinh hoạt cho cả triệu dân như Đà Nẵng cũng đã phát cảnh báo về tình trạng nước mặn đã vượt ngưỡng khiến Nhà máy nước Cầu Đỏ đặt trong tình trạng báo động.

UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia và Thu Bồn phải xả nước ở các hồ chứa nhằm ngăn chặn tình trạng nước mặn đe dọa Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Còn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng thiếu nước ngọt do xâm nhập mặn từ nhiều tháng qua đã khiến cho nhiều vùng dân cư, nhất là ở những cù lao đứng trước nguy cơ không có nước sinh hoạt.

Mỗi ngày, hàng chục xe bồn vượt cả trăm km về các tỉnh miền Đông Nam Bộ để vận chuyển nước ngọt lên miền Tây cung cấp cho người dân, đủ thấy mức độ nghiêm trọng của mùa khô hạn năm nay.

Các nhà dự báo khí tượng đã cảnh báo hiện tượng El Nino sẽ xuất hiện ở nước ta trong năm nay nên tình trạng khô kiệt nguồn nước ngọt ở các sông, suối là điều sẽ xảy ra. Xét về mặt khách quan là vậy, nhưng còn một nguyên nhân nữa mà ai cũng biết nhưng để chế ngự nó thì lại thiếu các giải pháp mang tính căn cơ.

Trước hết là nói về các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn các dòng sông. Càng nắng nóng thì nhu cầu về điện càng tăng, kéo theo nó là công suất phát điện của các nhà máy thủy điện cũng tăng theo. Do đó, việc tích nước trong các lòng hồ để đảm bảo nguồn phát điện ắt sẽ xảy ra.

Thiếu nước sinh hoạt và thiếu điện, cái nào cũng quan trọng nhưng không có nước để dùng thì nguy hại hơn. Các doanh nghiệp thừa biết điều này, song phải đợi “lệnh” của tỉnh hoặc Chính phủ thì họ mới chịu xả nước để dân hạ du khỏi chết khát.

Một lý do nữa là những cánh rừng đầu nguồn giờ không còn bao nhiêu. Nhìn thấy núi nào cũng xanh nghìn nghịt vậy nhưng đa phần là cây keo. Các chủ rừng sẽ khai thác và trọc hóa các ngọn đồi nếu như keo đến tuổi. Chỉ có biện pháp là phục hồi những cánh rừng tự nhiên thì may ra nguồn nước cung cấp cho các dòng sông sẽ không cạn kiệt mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.