Vật lộn với thiếu nước

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng khan hiếm nước.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng khan hiếm nước, yếu tố có tác động lớn nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Tại Tuần lễ Sinh thái ở Singapore ngày 13/6, ông Arunabha Ghosh, CEO của Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước (CEEW) cho biết, châu Á là một trung tâm công nghiệp đang có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất, nên đòi hỏi một nguồn nước dồi dào.

Không chỉ những ngành công nghiệp truyền thống như sản xuất thép, mà ngay cả ngành mới hơn tại đây như sản xuất chip bán dẫn và quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch cũng đều sẽ cần rất nhiều nước.

Các chuyên gia ước tính, nhu cầu nước ngọt toàn cầu dự kiến sẽ vượt xa nguồn cung từ 40 - 50% vào năm 2030. Trong đó Ấn Độ, quốc gia có dân số đông nhất thế giới, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng khan hiếm nước.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mặc dù chiếm 18% dân số thế giới, nhưng nước này chỉ có đủ nguồn nước cho 4% dân số. Điều này khiến Ấn Độ trở thành quốc gia thiếu nước nhất hành tinh hiện nay.

Nhu cầu nước của Ấn Độ vốn phụ thuộc rất nhiều vào mùa gió mùa. Tuy nhiên, hiện tượng biến đổi khí hậu đã khiến lũ lụt và hạn hán tấn công quốc gia Nam Á này thường xuyên hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước.

Trong khi đó, quốc gia tỷ dân khác là Trung Quốc cũng đang đối mặt với nạn khan hiếm nước khi Viện Nghiên cứu Lowy cho biết, khoảng 80 - 90% nước ngầm của Trung Quốc không phù hợp để tiêu thụ. Khoảng 50% nước sông ở Trung Quốc cũng không thích hợp để uống và một nửa trong số đó cũng không an toàn cho nông nghiệp.

Mặc dù Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, nhưng hệ thống điện của nước này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào than đá và một phần quan trọng từ thủy điện.

Do đó nếu không có nước, thì nguy cơ thiếu điện sẽ hiện hữu. Một quốc gia Đông Nam Á là Philippines cũng bị cảnh báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi sự mất cân bằng nguồn nước và khó có khả năng phục hồi.

Ngoài châu Á, các quốc gia phương Tây cũng bị cảnh báo bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nước, khi các nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm do tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Khu vực này đã ghi nhận nhiệt độ tăng cao vào mùa Xuân, sau khi trải qua một đợt nắng nóng bất thường vào mùa Đông, gây thiệt hại cho các con sông và dốc trượt tuyết.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, tình trạng khan hiếm nguồn nước còn ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp bán dẫn vốn đang đóng vai trò quan trọng của các quốc gia châu Á.

Theo các chuyên gia, cần một lượng nước khổng lồ để cung cấp năng lượng cho các nhà máy để sản xuất chip bán dẫn trong thiết bị kỹ thuật số. Tuy nhiên, quá trình này có thể bị cản trở nếu không được cung ứng đầy đủ nước.

Nắng nóng kéo dài đang càng làm tình trạng khan hiếm nước ở các nước châu Á thêm trầm trọng. Hình ảnh những dòng sông cạn tới đáy trong mùa Hè xuất hiện ngày càng nhiều, trải dài từ Trung Quốc, Ấn Độ đến các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

Tình trạng này là biểu hiện rõ nét nhất của biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt trên toàn cầu, kéo theo các hậu quả lâu dài và hậu quả ngay lập tức là tình trạng thiếu điện ở nhiều nước châu Á hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ