Cảm thụ văn học:

'Nắng mới' của Lưu Trọng Lư: Nén tâm hương của người con yêu mẹ

GD&TĐ - Lưu Trọng Lư là cây bút tài hoa của nền văn học hiện đại Việt Nam. Nhà thơ chất chứa một tâm hồn lãng mạn, trữ tình...

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Lưu Trọng Lư đã truyền lại chữ “Nhân” cho con cháu, bạn đọc, để lại nhiều cái hay, cái đẹp trong cuộc sống, trong lòng người dân Hạ Trạch cũng như nhân dân cả nước. Sự say thơ của ông “đã khẳng định tấm lòng nhân của ông như bao nhà tư tưởng dân tộc” (Đỗ Minh Tuấn). “Nắng mới”, một nén tâm hương của người con yêu mẹ, thương mẹ, nhớ mẹ cũng đã được khởi nguồn từ chữ nhân sâu sắc ấy.

Lưu Trọng Lư là cây bút tài hoa của nền văn học hiện đại Việt Nam. Nhà thơ chất chứa một tâm hồn lãng mạn, trữ tình. Trong giai đoạn cách mạng, thơ của ông tái hiện khung cảnh hiện thực phản chiếu từ chiều sâu nội tâm con người. Ông biết cách nắm bắt, diễn tả những khung bậc cảm xúc thông qua giai điệu, hình ảnh. Trong thơ của ông thường xuất hiện hình bóng người phụ nữ, người mẹ tần tảo, giản dị, hay người vợ cô đơn nhớ thương chờ đợi người chồng nơi xa xôi, cách trở…

Xuất phát từ hiện thực đời sống, Lưu Trọng Lư thai nghén, sáng tạo nên chất liệu riêng của mình, từ âm điệu tinh tế, nhịp nhàng, dịu dàng, trầm bổng, hòa vào ngôn từ độc đáo, sinh động, phong phú. Không gian trong trang viết của nhà thơ đều là không gian nghệ thuật thân quen như dòng sông, khu vườn, con đường,… Và hơn hết, mọi bức tranh tràn đầy màu sắc ấy đều chịu sự tác động của tâm trạng người thi sĩ.

Chính vì sở hữu một tâm hồn đa sầu đa cảm, tình yêu đất nước, quê hương, con người đã trỗi dậy trong những vần thơ của người nghệ sĩ tài hoa. Điều này đúng như cánh chim đầu đàn của thơ ca Cách mạng Việt Nam – nhà thơ Tố Hữu từng quan niệm: “Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người”.

Quả thực như vậy, thơ là những rung động, những cảm xúc riêng tư, thầm kín nhất trong lòng mỗi người nghệ sĩ trước cuộc đời và con người. Bởi vậy, trong thơ không bao giờ có thể thiếu tình yêu, những khát khao, yêu thương của một người để rồi chạm đến trái tim của triệu con người.

Từ những trải nghiệm sâu sắc của người cầm bút, trăn trở trên hành trình tìm kiếm và giãi bày ẩn ức sáng tạo, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã có nhiều yêu thương, suy ngẫm, đặc biệt về gia đình, về mẹ, về những giá trị nhân bản của con người để ca ngợi tình yêu thương, vẻ đẹp trong cuộc sống. Một bài thơ với nhan đề vô cùng giản dị, thân thuộc được gợi lên từ một hình ảnh thiên nhiên “Nắng mới” (Ngữ văn 8, tập 1, Cánh Diều) đã thể hiện bao nhiêu nỗi niềm đó của nhà thơ.

Thơ hay đâu cứ phải cần đến những lý do thật trang trọng và vĩ đại để ra đời. Cũng như thế “Nắng mới” (in trong tập thơ “Tiếng thu”, năm 1939) là bài thơ đã đi vào lòng bao thế hệ độc giả bằng sự giản dị, hoài niệm của nó, một trường hợp điển hình cho thơ lãng mạn nói chung, và phong trào Thơ mới nói riêng. “Nắng mới” kết tinh túy nhất những gì là phong cách và cũng là tâm hồn của Lưu Trọng Lư - một trong những người mở màn cho Thơ mới.

“Nắng mới” là một thi phẩm mới mẻ, xuất sắc từ sự giản dị, đời thường, khi những ánh nắng đầu mùa xuất hiện. Để rồi từ khoảnh khắc nắng mới đã mở ra trước mắt chúng ta bao trường suy nghĩ.

Viết về mẹ, chúng ta đã biết đến rất nhiều thi phẩm ý nghĩa. Đó là “À ơi tay mẹ” với tình yêu vô bờ dành cho đứa con bé thơ của Bình Nguyên, “Mẹ” đầy thương yêu, xót xa của Đỗ Trung Lai khi ngày xa mẹ càng gần, “Ngày xưa có mẹ” của Thanh Nguyên hay “Con cò” của Chế Lan Viên đầy suy ngẫm, triết lí… Đến với “Nắng mới” của chúng ta bắt gặp bản tự thuật tâm trạng của người con trong hoàn cảnh đau buồn khi mẹ đã không còn. Lời đề từ đầy xót xa “Tặng hương hồn thầy me” đưa bài thơ theo một lối khác, đầy hoài niệm và giàu hình ảnh.

Bài thơ mở đầu bằng nỗi nhớ về mẹ của nhân vật trữ tình:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác, gà trưa gáy não nùng,

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,

Chập chờn sống lại những ngày không

Thời gian mở ra trong bài thơ không được tính bằng ngày, bằng tháng cụ thể. Đó là thời gian ước lệ là khi nắng mới xuất hiện. Nắng mới là nắng đầu mùa Hạ, nắng tháng Tư, thứ ánh nắng Mặt trời dịu nhẹ, tỏa sáng sau một mùa mưa lạnh ẩm ướt kéo dài. Tính chất tinh khôi, trong trắng, mong manh của nắng mới tạo nên mỹ cảm và xúc cảm cho bài thơ của Lưu Trọng Lư.

Thứ nắng mới với những vệt nắng dài, tỏa ra sau những cơn mưa dầm dề nơi dải đất miền Trung đã khơi gợi cảm hứng sâu thẳm trong hồn thơ ông. Những hạt nắng đầu tiên bung nở dưới mây, xuyên qua những kẽ lá còn ướt đẫm chưa khô, hắt bên song cửa sổ khiến không gian càng trở nên vắng lặng, hiu quạnh.

nen-tam-huong-cua-nguoi-con-yeu-me-2.jpg
Một bộ sách đồ sộ (Lưu Trọng Lư - Tác phẩm - truyện ngắn - tiểu thuyết) và một tập thơ dày dặn (Bài ca tự tình - những bài thơ chưa công bố) được in và giới thiệu nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Ảnh minh họa: INT

Bài thơ có câu thơ thứ hai đặc trưng cho khung cảnh làng quê với một âm thanh quen thuộc: Tiếng gà trưa gáy não nùng. Từ âm thanh ấy mở ra không gian của làng quê – một không gian quen thuộc với mỗi con người, mỗi gia đình Việt Nam.

Thời gian lúc này là vào buổi trưa. Chắc hẳn đó là lúc tất cả đang trong những giây phút bình yên, tĩnh lặng. Tiếng gà bất chợt đến. Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh để đặc tả không gian. Đó không phải là tiếng gà gáy sáng thức gọi bình minh, tiếng gà dõng dạc, uy nghi giục cây cối, vạn vật thức dậy như trong thơ Trần Đăng Khoa:

Ò… ó... o

Tiếng gà

Giục quả na

Mở mắt

Tròn xoe

Giục hàng tre

Đâm măng

Nhọn hoắt…

(Ò… ó... o, Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời, NXB Văn hóa dân tộc, 1999)

Đó cũng không phải là tiếng gà nhảy ổ - tiếng gà mang đến bao nhiêu niềm vui, niềm hạnh phúc bình dị trong thơ Xuân Quỳnh, làm bao nhiêu kỉ niệm ùa về trong tâm hồn người chiến sĩ:

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ

Âm thanh tiếng gà trưa trong thơ Lưu Trọng Lư lại vừa hiếm, vừa buồn, vì nó ngắt quãng nghe thật não lòng. Nhà thơ sử dụng một chữ tượng thanh “xao xác” mở đầu câu thơ thứ hai, ngăn với vế sau bằng dấu phẩy nhằm nhấn mạnh, tạo ra ấn tượng đặc biệt trong tiếp nhận đồng thời nhấn mạnh cảm xúc trong hiện tại khi trở về không gian quen thuộc nhưng thầy me đã không còn.

Chính vì thế, câu thơ tiếp theo trực tiếp diễn tả nỗi buồn, nỗi xót xa không thể diễn tả bằng mọi ngôn từ: “lòng rượi buồn”. Rượi buồn còn có cả sự đau đớn, xót xa bởi có nỗi đau nào lớn hơn khi không còn mẹ.

Hai câu thơ tiếp theo đưa chúng ta quay ngược về ký ức, trong mạch hồi tưởng với những kỷ niệm của nhân vật trữ tình với người mẹ yêu dấu:

Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời

Lúc người còn sống, tôi lên mười,

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

Bài thơ chuyển hướng không còn miêu tả ánh nắng mới, cũng không phải hoài nhớ thời gian, mà như thế, là một hồi ức về người mẹ (me) đã mất. Có mất mát nào hơn mất đi người mẹ hiền, và có người đàn bà nào trong đời mỗi chúng ta lại có thể đẹp hơn hình bóng của mẹ? Tứ thơ đơn giản, lời lẽ giản dị, nhân vật trữ tình không giãi bày nội tâm nhiều, song nó vẫn là một bài thơ ám ảnh về hình tượng người mẹ.

Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh cũng tinh tế nhận ra: “Đặc sắc của Lư chính là ở chỗ này. Từ những kỷ niệm tươi sáng về người mẹ đã khuất, cho đến bao nhiêu buồn thương, bao nhiêu chán nản, bao nhiêu đau khổ vì tình yêu... Lư đều kể cho ta nghe một cách rất cảm động”. Ta lại nhớ đến những vần thơ đầy ám ảnh của nhà thơ Nguyễn Duy khi nhìn lên ban thờ, qua mùi hương thanh khiết của hoa huệ:

Bần thần hương huệ thơm đêm

khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn

chân nhang lấm láp tro tàn

xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

Hai câu cuối khổ thứ 2 thành công bậc nhất của bài thơ với một vẻ đẹp ám ảnh. Chỉ một từ tượng thanh “reo” là đủ làm tâm nhãn cho cả khổ thơ. Nắng vốn vô thanh, song ở đây, qua biện pháp ẩn dụ, nhân hóa, nắng mới như giao cảm với tâm hồn trẻ thơ để gửi gắm niềm vui, niềm hạnh phúc.

Ngày mẹ còn hiện hữu, thế giới là thế giới của reo vui, của bài ca. Sắc đỏ của màu áo làm bừng lên không gian đầu mùa Hạ, ấm áp, reo ca. Phải chăng sự khác biệt của cảm xúc thơ đã làm thay đổi cả tính chất vốn có của sự vật tự nhiên, khiến “nắng mới” cũng thật đầy tâm trạng mà tỏa sáng, tỏa nhiệt?

Từ hiện tại, theo tháng năm, kỷ niệm về mẹ dồn nén để rồi cứ thế ùa vào tâm tưởng mỗi người con. Để rồi từ đó chúng ta nhớ tới mẹ mình, không chỉ ở những lời ru mộc mạc, chân tình mà còn ở những món quà quê giản dị. Đó là những “trái hồng”, “trái bưởi”, là những đêm “Mẹ ra trải chiếu, ta nằm đếm sao” và “Bờ ao đom đóm chập chờn” như trong thơ Nguyễn Duy. Những hồi ức này khiến mỗi chúng ta như thấy một góc nhỏ của tuổi thơ mình đang hiện hữu trong những vần thơ tài hoa của nhà thơ Lưu Trọng Lư.

Đến khổ thơ thứ ba, nhân vật trữ tình lại trực tiếp xuất hiện để bộc lộ cảm xúc về mẹ:

Hình dáng me tôi chửa xoá mờ

Hãy còn mường tượng lúc vào ra:

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.

Bài thơ nhanh chóng từ chỗ tả cảnh sang tả tình, từ chỗ viết về nắng với niềm hân hoan tươi mới đã quay về với nỗi đau bất khả giải: Nỗi đau mất mẹ, và do đó, trung tâm thẩm mỹ từ xuất phát điểm thiên nhiên được quay sang hình tượng thiêng liêng - người mẹ. Nhiều năm đã trôi qua, đứa trẻ lên mười năm nào nay đã lớn, mẹ cũng đã khuất từ lâu. Thế nhưng hình ảnh mẹ vẫn còn vô cùng sống động trong kí ức của người con. Mẹ vẫn như là còn sống, vẫn bên con, vẫn vào ra nói cười.

Và trong kí ức ấy, hình ảnh đẹp nhất về mẹ đã được lưu giữ lại: “Nét cười đen nhánh sau tay áo - Trong ánh trưa hè trước giậu thưa”. Nét cười được miêu tả bằng thủ pháp ẩn dụ hiện lên thật đẹp, thật gợi cảm. Đó là nụ cười tỏa nắng của những người phụ nữ có hàm răng đen nhánh, hàm răng đẹp trong quan niệm văn hóa cổ truyền của người Việt. Nụ cười ấy càng sáng hơn trong ánh trưa hè lấp lóa.

Trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”, Hoàng Cầm cũng từng miêu tả một nét cười như thế:

“Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng

Kí ức của người con vĩnh viễn lưu lại nụ cười của mẹ. Để mỗi lần “nắng mới” xuất hiện, nụ cười ấy lại tỏa sáng trong lòng con. Như nhà thơ Thanh Nguyên trong bài thơ “Ngày xưa có mẹ” cũng đã từng viết:

“Mẹ! có nghĩa là bắt đầu

Cho sự sống, tình yêu, hạnh phúc

Mẹ!

Có nghĩa là duy nhất

Một bầu trời

Một mặt đất

Một vầng trăng”.

Với Lưu Trọng Lư, đúng như tứ thơ mà ngay từ ban đầu nhan đề đã gợi ra, hình ảnh nắng mới xuyên suốt bài thơ, dẫn mạch cảm xúc đi từ hiện tại về quá khứ rồi quay trở lại hiện tại với lời khẳng định nỗi nhớ dành cho mẹ. Với lời khẳng định ấy, hình ảnh người mẹ sẽ sống mãi trong trái tim nhân vật trữ tình, dù đó là cậu bé Lư năm mười tuổi hay là nhà thơ Lưu Trọng Lư.

Thơ ông luôn ẩn tồn những giá trị ở tầng sâu tư duy được “cấy trổ” một cách khéo léo trên bề mặt ngôn ngữ tường minh. Vẻ đẹp bài thơ chính vì vậy, được kiến tạo không phải ở thì hiện tại, trong không gian thiên nhiên khách quan, mà được tạo ra từ trong chiều sâu của quá khứ, kỷ niệm, trong trái tim và tâm hồn chủ quan của cái tôi trữ tình đại diện cho thi sĩ Lưu Trọng Lư.

Cảm ơn Lưu Trọng Lư, một nhà thơ đã sống sâu sắc, đã có tình yêu sâu sắc với cuộc đời và con người, tâm hồn sẵn sàng rung ngân như sợi tơ đàn để đặt hết tâm huyết của mình vào từng con chữ dòng thơ, để ta cảm nhận được những lẽ sống cao đẹp nhất, bởi ai cũng có mẹ ở trên đời, ai cũng yêu mẹ, nhớ mẹ.

Về làng Hạ Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) nơi dải đất gối đầu lên phía bờ Nam sông Gianh, chúng ta sẽ đến với một tài năng văn chương với một gia tài đồ sộ. Tài năng đó được sinh ra trong một gia đình mà hầu hết các thành viên từ người cha là Lưu Trọng Kiến đến cả ba anh em cùng theo đòi nghiệp bút nghiên và đều lưu lại cho đời sau những tác phẩm văn học có giá trị.

Tôi muốn nói đến nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Trọng Lư. Sinh thời, trong sự nghiệp thơ ca, nhà thơ đã lấy hai câu thơ của mình để làm tuyên ngôn nghệ thuật: Đi giữa lòng nhân dạ ngẩn ngơ/ Vì thương người lắm phải say thơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.