Cảm thụ văn học: Chênh vênh say tỉnh, chênh vênh phận người

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Làm nên giá trị của tác phẩm Chí Phèo nhờ nhiều yếu tố trong đó có việc tác phẩm được viết bằng bút pháp hiện đại.

Tạo hình Chí Phèo trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Ảnh: INT
Tạo hình Chí Phèo trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Ảnh: INT

Một trong những dấu hiệu của lối viết hiện đại là diễn biến câu chuyện trong tác phẩm không cần phải sắp đặt theo trật tự tuyến tính của thời gian.

Bị tước đoạt quyền làm người

Mở đầu tác phẩm, không phải là lời kể của Chí Phèo từ lúc mới sinh ra mà là hình ảnh Chí Phèo say rượu vừa đi vừa chửi. Dụng ý của nhà văn Nam Cao không phải hướng người đọc chú ý tới hiện tượng nghịch lí của kẻ say mà chú ý tới tâm lý của nhân vật Chí Phèo đang là một kẻ độc thoại bằng ngoại hiện.

Nhưng Chí Phèo lại đang cô đơn giữa xã hội loài người. Hình như Chí Phèo đã bị loại ra khỏi cộng đồng người từ khi hắn mới chào đời. Xuất thân của Chí Phèo như một sự dự báo nhiệt ngã cho tương lai của Chí.

Lúc nhỏ Chí được những người lao động nghèo cưu mang. Lớn lên Chí sống cuộc sống của một kẻ nghèo làm canh điền: Chí không cha, không mẹ, không nhà cửa, không ruộng vườn nhưng Chí còn được làm người - là một người lương thiện và Chí đã từng có một giấc mơ lương thiện “Một gia đình nho nhỏ, chồng quốc mướn cày thuê, vợ dệt vải...”.

Nhưng rồi khởi đầu là Bà Ba, tiếp theo là Bá Kiến đã khép lại cuộc đời lương thiện của Chí. Tiếp đó, nhà tù thực dân đã nhuộm đen tâm hồn Chí. Sau bẩy, tám năm đi tù về, Chí thành ra con người khác hẳn. Trước hết là sự biến đổi của cái vẻ bề ngoài “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng. Hai mắt gườm gườm trông gớm chết”.

Đó là hình dạng của một con quỷ. Và tính cách của Chí Phèo làm cho hắn thực sự là một con quỷ dữ; miệng luôn chửi bới đi kèm hành động rạch mặt, ăn vạ và luôn luôn xuất hiện với dáng vẻ của một kẻ “uống máu người không tanh” . Có lẽ bởi Chí Phèo nhận ra rằng để tồn tại được trong xã hội bất lương thì cần phải bất lương hơn: Phải cướp giật, ăn vạ… Để làm được điều đó, Chí Phèo tìm sức mạnh ở rượu bởi thế Chí chìm trong những cơn say và đã say thì hẳn làm bất cứ cái gì người ta khiến hắn làm.

Chí Phèo trở thành tay sai của Bá Kiến, trở thành con quỷ dữ để cả làng Vũ Đại ghê sợ. Như thế, nếu bà mẹ cố nông tội nghiệp nào đó đã đẻ ra Chí Phèo là một con người thì xã hội phi nhân tính đã đẻ ra Chí Phèo là một con quỷ dữ. Xã hội cướp đi nhân tính, nhân hình của Chí Phèo và Chí Phèo chỉ còn một cách duy nhất để tồn tại là bán linh hồn cho quỷ dữ.

Và với một con người luôn chìm trong những cơn say và tiếng chửi, luôn rạch mặt ăn vạ, luôn cướp giật, đe dọa người khác thì làm sao người khác có thể thông cảm cho Chí Phèo? “Ai Cũng tránh mặt hắn mỗi lần hắn đi qua”. Như thế Chí Phèo quả là đã bị tước đoạt quyền làm người.

Sau khi bị tước đoạt quyền làm người, Chí Phèo lại lạc lõng giữa sa mạc cuộc đời với một nỗi đau đớn khôn cùng. Nỗi đau ấy đeo đẳng, bám riết, ray rứt không nguôi trong tâm can Chí Phèo. Ta nhận ra điều đó qua tiếng chửi đầy ám ảnh, vang vọng, cô độc và ngân dài suốt dọc theo chiều dài tác phẩm.

Tiếng chửi của Chí Phèo là hiện thân rõ ràng và đầy đủ nhất cho cái gọi là trạng thái lưỡng hóa say - tỉnh bất phân. Quả thật đoạn văn mở đầu tác phẩm nói về tiếng chửi của Chí Phèo đã thể hiện rõ tính chất lưỡng hóa rất độc đáo của hình tượng - mà phải là một ngòi bút bậc thầy về nghệ thuật viết truyện ngắn và bậc thầy về tâm lý như Nam Cao mới thể hiện được.

Tiếng chửi của Chí Phèo là sự chất chứa trong lòng một nỗi uất hận không nguôi về số phận. Chửi là hành động của kẻ bất mãn, vừa đi vừa chửi càng chứng tỏ sự bất mãn ấy. Nhưng nếu để ý, ta sẽ thấy tiếng chửi của Chí Phèo không phải là những lời lẽ vô nghĩa. Đó là một tiếng chửi có logic hướng tới những đối tượng từ xa đến gần: Hắn chửi trời, chửi đời, chửi làng Vũ Đại, chửi tất cả những ai không chửi nhau với hắn rồi chửi cả “cái đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo”.

Cách thu hẹp đối tượng từ xa đến gần trong logic tiếng chửi ấy là logic của tâm lý tỉnh táo - tỉnh táo đến đau khổ cùng cực. Một chuỗi ngôn ngữ tiếng chửi cho thấy Chí Phèo khát thèm sự giao tiếp với đồng loại biết bao. Hắn đã dùng hết sức mạnh hắn có để đe dọa, để uy hiếp mà không ai ra lời. Không ai chửi nhau với hắn chứng tỏ không ai coi hắn là người. Trong mọi hình thức đối thoại ở đời, đối thoại bằng tiếng chửi là tầm thường nhất, là điều không ai muốn. Vậy mà, Chí Phèo muốn cũng không được. Thử hỏi còn gì chua xót hơn?

Và dường như Chí Phèo chửi nhiều như thế, chửi dài hơi như thế là để cố vớt vát hy vọng cạy miệng thiên hạ. Bởi còn được chửi lại, tức là còn được làm người. Chí Phèo đã chửi không chán miệng, đã cố gắng hết mình để được giao tiếp, đó là sự nỗ lực, sự vật vã của một kẻ tuyệt vọng. Hắn chửi vậy rồi hắn lại phải nghe “Chỉ có ba con chó dữ và một thằng say rượu!”. Như thế, không còn nghi ngờ gì nữa, hắn đã chính thức bị loại ra khỏi cộng đồng người!

Nhân vật Chí Phèo và Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”.
Nhân vật Chí Phèo và Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”.

Người khơi dậy nhân tính của Chí

Trong chuỗi ngày triền miên với say và chửi, Chí Phèo cũng có lúc thực sự tỉnh táo. Ấy là lần gặp gỡ Thị Nở. Không phải Thị Nở ban phát nhân tính cho Chí Phèo mà Thị Nở là người có công khơi dậy nhân tính của Chí Phèo. Bởi vì trước đó, Chí Phèo đã từng là người lương thiện.

Sau một thời gian dài lương tri bị khuất lấp trong men rượu, trong sự xa lánh của đồng loại, khi Thị Nở xuất hiện, trước hết, Thị Nở làm thức dậy bản năng sinh lý của con người Chí Phèo. Sau đó bằng tình thương mộc mạc chân thành, bằng bát cháo hành chăm sóc cho Chí Phèo, Thị Nở đã thực sự làm được một công việc kỳ diệu, phi thường: Dùng tình người để thức dậy tính người trong một con quỷ dữ.

Phần lương tri, phần nhân tính của Chí Phèo lâu nay bị chìm đi trong sự tuyệt vọng, trong tiếng chửi, trong sự u mê, cuối cùng đã được thức tỉnh. Trong một xã hội ít tình người thì việc làm của Thị Nở thật sự rất đáng trân trọng. Hành động ấy vừa chứng tỏ trong đời “Cái mà thiên hạ thiếu là một lòng tốt bình thường” (Rơ mác) và có được lòng tốt, có được sự thành thực quả là đáng quý. Hành động của Thị Nở còn cho thấy chiều sâu trong tư tưởng của Nam Cao, nhà văn muốn khẳng định, xã hội phi nhân tính có dùng đủ mọi cách thức cũng không thể triệt tiêu được bản tính tốt của con người.

Tỉnh táo, Chí Phèo mới nghe được âm thanh của cuộc sống. Những âm thanh như tiếng chim hót, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng những người đi chợ trao đổi về việc mua bán vải ngày nào chẳng có. Vậy mà đối với Chí Phèo đó lại là những âm thanh kỳ diệu mà lâu nay Chí Phèo không nghe thấy. Bản hòa âm của khúc tình ca cuộc sống đã gieo niềm hy vọng cho Chí Phèo, Chí Phèo mong mỏi Thị Nở sẽ là cầu nối đưa mình về lại với cuộc đời “Hắn thấy thèm lương thiện, muốn làm hòa với mọi người biết bao”.

Cũng chính tình yêu thương của Thị Nở đã chắp nối lại cho Chí giấc mơ thuở nào về một mái ấm gia đình. Như thế, lần tỉnh táo thứ nhất sau chuỗi ngày sống kiếp đời của quỷ này đối với Chí Phèo thật có ý nghĩa. Chí đã hy vọng nhờ Thị Nở, Chí lại có thể được hòa nhập vào “cái xã hội bằng phẳng thân thiện của những người lương thiện”. Nhưng lần thứ hai, Chí tỉnh táo để lại phải đối mặt với một niềm tuyệt vọng vô phương cứu chữa.

Bìa tác phẩm “Chí Phèo” (NXB Văn học - 2015).

Bìa tác phẩm “Chí Phèo” (NXB Văn học - 2015).

Nạn nhân của định kiến

Chí Phèo không chỉ là một nạn nhân của xã hội (nạn nhân của chế độ thù địch giai cấp) mà còn là nạn nhân của định kiến. Và đã có nhà phê bình văn học đã cho rằng định kiến là loại kẻ thù nguy hiểm hơn cả trong cuộc đời này. Định kiến đã giết chết tình người của Thị Nở. Bà cô của Thị Nở là hiện thân đáng sợ của định kiến ấy.

Sau năm ngày yêu nhau, Thị Nở sực nhớ mình còn có một bà cô trên đời. Và chuyện tình của Chí Phèo - Thị Nở chỉ được coi là hợp pháp nếu được bà cô của Thị Nở đồng ý. Chẳng những không đồng ý, bà cô còn trút vào đầu Thị Nở bao lời lẽ cay nghiệt và hằn học. Thế là hy vọng tiêu tan.

Con đường trở lại làm người của Chí Phèo vừa hé mở đã bị đóng sập lại thông qua thái độ dứt khoát của bà cô Thị Nở, bà không cho phép cháu bà “đi lấy thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ”. Lời từ chối của bà cô là lời của định kiến, lời của xã hội tàn nhẫn, lạnh lùng cự tuyệt con đường hoàn lương của Chí Phèo.

Vậy là khi nhân tính của Chí Phèo mất đi thì ai cũng nhìn thấy. Còn khi nhân tính của Chí Phèo trở lại thì không ai trong xã hội ấy nhận ra để chấp nhận. Chí Phèo lại rơi vào bi kịch tinh thần: Đau đớn, tuyệt vọng, Chí lại lôi rượu ra uống. Nhưng thật lạ “Càng uống càng tỉnh ra”, “Tỉnh ra chao ôi buồn! hơi rượu không sặc sụa hắn cứ thấy thoang thoảng hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức”. Vào lúc tuyệt vọng nhất, hơi cháo hành lại hiện ra, hiện ra để đẩy hắn sâu hơn vào nỗi tuyệt vọng.

Đã sang đến cái dốc bên kia của cuộc đời, Chí Phèo mới được biết đến hương vị cháo hành mà hương cháo hành đối với Chí, lại chính là hương vị của tình yêu. Nhưng niềm hạnh phúc ấy quá ngắn ngủi, chưa kịp tận hưởng thì cuộc đời lại cướp nốt! Từ tận cùng tuyệt vọng, Chí Phèo chuyển sang tận cùng căm uất. Và, Chí Phèo xách dao đi… Lại vừa đi vừa chửi.

Miệng nói là sẽ đến nhà Thị Nở để đâm chết con khọm già nhưng bước chân lại đến nhà Bá Kiến. Như thế về phương diện ý thức, là sự mù quáng, muốn trả thù Thị Nở và bà cô Thị Nở. Nhưng tiềm thức lại tỉnh táo đưa bước chân Chí Phèo đến nhà Bá Kiến - kẻ đã tàn phá cuộc đời của mình. Lần này bước chân của Chí Phèo không phải đi theo sự quen nết, quen đường mà Chí bước đi theo tiếng gọi giục giã của một mối thù đã in sâu trong tiềm thức.

Chí Phèo đến nhà Bá Kiến, kết tội Bá Kiến, rồi giết chết kẻ thù. Nhưng cũng chính lúc đó Chí Phèo sáng suốt nhận ra mình đã ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Muốn làm người lương thiện thì bị xã hội cự tuyệt, mà Chí Phèo lại không muốn quay trở về làm một con quỷ, không thể tiếp tục cướp, phá, say, rạch mặt và ăn vạ nữa.

Thế là, chỉ còn một con đường duy nhất: Chí Phèo tự sát. Chí Phèo chết thê thảm trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời, chết trong niềm đau thương không cùng vì ước vọng giản dị, thiêng liêng và mãnh liệt là được sống cuộc sống con người đã bị xã hội tàn nhẫn cự tuyệt. Như thế dẫu trong cuộc đời đã có lúc Chí Phèo phải sống kiếp sống thú vật nhưng Chí đã chết cái chết của một con người.

Câu hỏi cuối đời của Chí Phèo: “Ai cho tao lương thiện?” chất chứa bao phẫn uất, đớn đau, có sức ám ảnh day dứt, bám dai dẳng vào tiềm thức người đọc mãi tới tận hôm nay.

Thông qua số phận bi thảm của Chí Phèo, một con người sinh ra là người mà không được làm người, Nam Cao đã khái quát một hiện tượng phổ biến có tính quy luật của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng: Một bộ phận những người lương thiện bị xã hội đẩy vào bước đường cùng đã phải chống trả bằng con đường lưu manh để tồn tại. Trước Chí Phèo có Năm Thọ, Binh Chức và sau khi Chí Phèo chết chắc gì hiện tượng Chí Phèo đã chấm dứt? Xã hội còn những kẻ như Lý Cường nối tiếp Bá Kiến thì còn những kẻ sẽ lại bị đầy đọa, tha hóa như Chí Phèo.

Nếu ở tác phẩm của Ngô Tất Tố, của Nguyễn Công Hoan qua những hình tượng như chị Dậu, anh Pha người ta chỉ mới nhận ra một phương diện nỗi khổ của người lao động là bị bóc lột tàn tệ, bị đẩy vào bước đường cùng của đói nghèo cùng cực thì đến nhân vật Chí Phèo của Nam Cao người đọc hiểu đến rốt ráo, đến sơn cùng thủy tận nỗi đau cả về vật chất và tinh thần của con người. Người lao động trong xã hội có giai cấp đối kháng không chỉ bị bần cùng hóa mà còn bị lưu manh hóa, bị xúc phạm nặng nề về nhân phẩm, bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người.

Người Việt Nam có câu “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại”, Chí Phèo đã tha hóa nhưng Chí Phèo đã thức tỉnh. Xã hội ấy quả là một xã hội phi nhân tính nên mới không chấp nhận việc “chạy lại” - không chấp nhận sự hoàn lương của Chí Phèo; do đó nếu tác phẩm của ngô Tất Tố là tiếng kêu cứu đói thì tác phẩm của Nam Cao là tiếng kêu cứu nhân tính nhân phẩm của con người.

Qua truyện ngắn Chí Phèo, Nam Cao còn muốn khẳng định mâu thuẫn giai cấp ở nông thôn là mâu thuẫn đối kháng gay gắt và chừng nào còn bọn cường hào ức hiếp người dân lương thiện thì chừng đó chưa chấm dứt hiện tượng người dân lương thiện bị rơi vào con đường lưu manh hóa.

Hơn thế, Nam Cao còn muốn chỉ ra rằng để cứu vớt những con người cố cùng, đáng thương như Chí Phèo thì việc tiêu diệt những hạng người gian ác vẫn chưa đủ mà con người trong xã hội ấy còn cần phải có lòng nhân ái, cần sự cảm thông và chia sẻ với nhau những buồn vui sướng khổ trong cuộc đời.

Điều đặc sắc và đáng quý trong chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao là ngay trong khi miêu tả nhân vật bị tha hóa đến tận cùng, nhà văn vẫn tin tưởng rằng trong sâu thẳm tâm hồn cằn cỗi ấy vẫn giữ được nét bản chất tốt đẹp, vẫn không nguôi khát vọng trở lại làm người lương thiện.

Từ chi tiết bát cháo hành ấm nóng tình người đến câu hỏi chất chứa tinh thần nhân văn đều thể hiện sự cảm thông yêu thương trân trọng của một nhà nhân đạo lớn đối với nỗi đau của con người.

Tài năng nghệ thuật bậc thầy của Nam Cao là nhà văn đã để nhân vật của mình đi chênh vênh trên ranh giới của loài người và loài vật, giữa say và tỉnh, giữa ý thức và vô thức. Và điều quan trọng là cuộc đời Chí Phèo chính là hành trình đi tìm nhân cách - một vấn đề có ý nghĩa muôn thủa mà Nam Cao đặt ra thông qua hình tượng nhân vật Chí Phèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cảnh báo về ngộ độc rượu

Cảnh báo về ngộ độc rượu

GD&TĐ - Ngộ độc rượu xảy ra khi lượng rượu trong cơ thể đạt đến mức độc hại, không thể kiểm soát được, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và thường gây tử vong.