Cảm thụ văn học: Khúc tráng ca bất tử

GD&TĐ - Với lòng xúc động và cảm kích về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, nhà thơ Vương Trọng đã sáng tác “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn”...

Những ngày tháng Bảy, Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn tiếp đón hàng chục đoàn du khách từ khắp nơi tìm về mỗi ngày, trong đó có nhiều đoàn học sinh cùng thầy cô giáo. Ảnh minh họa: ITN
Những ngày tháng Bảy, Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn tiếp đón hàng chục đoàn du khách từ khắp nơi tìm về mỗi ngày, trong đó có nhiều đoàn học sinh cùng thầy cô giáo. Ảnh minh họa: ITN

Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn” được vào ngày 15/4/2014, trong một đợt đi thực tế, khi Khu Di tích này đang xây dựng, trước khi khánh thành vào ngày 15/7/2015.

Vương Trọng

Khúc tưởng niệm liệt sĩ

Truông Bồn

Gió thông ru giấc ngủ vĩnh hằng

Hương khói quyện lòng người nức nở

Ngàn hai liệt sĩ dứt cõi trăm năm (*)

Mười ba linh hồn nương cùng một mộ

Khác xóm làng, khác biệt giờ sinh

Chung trận địa, chung nhau ngày giỗ!

Nhớ linh xưa

Từ giã ruộng nương

Kết thành đội ngũ

Vũ khí là xẻng cuốc, đã từng quen cán bỏng tay phồng

Chiến trường ấy cầu đường, chẳng xa lạ bom rơi đạn nổ.

Cháy xe như cháy thịt, chiến sĩ lái xe vượt quầng lửa điên cuồng

Đứt đường tựa đứt gân, chị em vá đường chấp tiếng gầm hùng hổ.

Đến ấm áp tình em tình chị, lá thư nhà cùng đọc cùng nghe

Qua thẫn thờ nỗi mẹ, nỗi quê, căn hầm lạ đêm buồn đêm nhớ.

Nước nhút, quả cà

Rau lang, ngọn đỗ

Bữa ăn muộn quây quần trận địa, bờ hố bom mỳ luộc thay cơm

Giấc ngủ khuya chen chúc chỗ nằm, đáy hầm kèo rơm khô lót ổ…

Ba năm gian khổ, hiểm nguy

Một sáng ngỡ ngàng, mừng rỡ:

Xứ Nghệ sắp thoát khỏi đạn bom

Truông Bồn sẽ nằm ngoài vĩ độ

Khao khát lắm con về với mẹ, dọi mái nhà che nắng, che mưa

Hạnh phúc sao chị lại cùng em, chăm thửa ruộng trồng khoai, trồng đỗ

Ba năm gần đã bao kỷ niệm, quyến luyến sao đồng đội chiến tranh

Một ngày xa ắt lắm nhớ thương, dằng dặc lắm con đường sỏi đỏ.

Đêm 30, lời bịn rịn chia tay

Sáng 31, buổi cuối cùng nhiệm vụ

Kẻng báo động vừa nghe vài tiếng, đinh tai phản lực cuồng điên

Hầm trú thân mới chạy một thôi, lóa mắt bom chùm tọa độ

Mặt đất đung đưa

Khung trời sụp đổ

Tan khói bom vắng biệt bóng người

Tìm đồng đội gặp toàn miệng hố!

Bảy chiến sĩ tung lên trong tiếng nổ, xót xác người tan giữa trời cao

Sáu sinh linh nằm sâu dưới bãi bom, đau thi thể vùi trong đất đỏ

Tìm đâu được thịt xương đà tan biến để phân chia riêng biệt từng người

Nhớ đinh ninh đồng đội chết chẳng rời đành gom lại chung nằm một mộ.

Đất hay

Trời rõ:

Sống cho nước, xả thân vì nước, để muôn đời ngào ngạt danh thơm

Chết vì dân, chiến đấu cho dân, lưu vạn thuở rạng ngời gương tỏ

Mãi dìu dặt lời ca Ví Giặm, công anh hùng thống nhất giang sơn

Còn ngân vang câu hát Đò Đưa, máu liệt sĩ vẹn toàn lãnh thổ.

Em nhỏ Cà Mau

Cụ già Trà Cổ

Đến Xứ Nghệ thăm vùng đất nổi tiếng ngàn năm

Về Truông Bồn dâng nén nhang viếng người thiên cổ!

15/4/2015

_________________________________

*Hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), Ban Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại xin gửi đến bạn đọc bài viết về “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn”. Kỳ 2 của bài “Người phụ nữ miền núi đi từ bóng tối đến ánh sáng” sẽ được đăng tải trên số thứ Hai 181 ra ngày 29/7.

Tác phẩm được sáng tác theo thể văn Tế có bố cục bốn phần rõ ràng: Phần lung khởi: Cảm tưởng khái quát về người đã mất. Phần thích thực: Hồi tưởng công đức của người đã hi sinh. Phần ai vãn: Than tiếc người đã khuất. Phần kết: Nêu ý nghĩa và lời mời của người đứng tế đối với linh hồn của người thiên cổ. Tuy nhiên, bài văn Tế của Vương Trọng có những sáng tạo thật sự giá trị. Nội dung của một bài văn Tế phải nêu được công đức của người mất đồng thời bộc lộ được tình cảm, cảm xúc của người viết, đây là một yêu cầu rất quan trọng.

Như vậy, để làm được một bài văn Tế khó hơn rất nhiều so với việc sáng tác một bài thơ, bởi để làm thơ thì cảm xúc là chủ đạo, chi phối ngôn ngữ, nội dung. Nhưng với một bài văn Tế ngoài cảm xúc là yếu tố tiên quyết thì việc hiểu rõ về cuộc sống, công đức của người chết cũng vô cùng quan trọng.

Nghĩa là người viết văn Tế ngoài việc có cảm xúc cần có kiến thức, có hiểu biết, điều này không hề dễ. Ngoài ra, thể Tế có nguồn gốc từ đời Đường, Trung Quốc nên một yêu cầu bức thiết nữa đó chính là giai điệu của các câu chữ. Muốn làm được điều đó cần biết sử dụng những câu văn biền ngẫu chuẩn, chỉnh.

Bên cạnh đó, văn Tế là thể văn vừa chứa đựng được nhiều sự kiện, chi tiết ở nội dung, đồng thời chuyển được niềm xúc động lớn đến với người đọc. Thế mạnh này khó có một thể loại văn học nào làm được. Vương Trọng mong muốn làm sống lại thể văn Tế không chỉ sáng tác các bài văn Tế mà còn khởi xướng tổ chức cuộc thi như “Sáng tác văn Tế Đại thi hào Nguyễn Du” thành công mĩ mãn, thu về một tập văn Tế 28 bài về Đại thi hào.

* * *

“Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn” có phần lung khởi thật đặc biệt. Thông thường mở đầu của bài Tế là các thán từ “Ôi”, “Than ôi!”, “Ôi thôi thôi”… nhưng Vương Trọng đã bắt đầu bài Tế không có từ ngữ biểu cảm trực tiếp mà sao vẫn nhói đau, thổn thức:

“Hương khói quyện lòng người nức nở

Ngàn hai liệt sĩ dứt cõi trăm năm

Mười ba linh hồn nương cùng một mộ

Khác xóm làng, khác biệt giờ sinh

Chung trận địa, cùng nhau ngày giỗ”

Nơi an nghỉ của hơn 1.200 chiến sĩ thanh niên xung phong thật thanh bình, yên ả. Các anh chị được gió đồi thông vi vu ru vỗ giấc yên lành. Các anh, các chị ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, sống yêu thương và chết chung một ngôi mộ, chung ngày giỗ. Đọc những câu văn chúng ta một lần nữa hiểu thêm về câu chuyện lịch sử bi hùng mang tên Truông Bồn huyền thoại. Chúng ta trân trọng, biết ơn, cảm phục các anh, các chị và cũng thổn thức cùng tác giả.

Chiếm dung lượng lớn nhất của bài Tế là phần thích thực, nêu công đức của người đã khuất. Phải là người thấu hiểu cặn kẽ mọi điều về mười ba chiến sĩ hi sinh mới có thể viết lên những dòng văn hay và thiết tha đến thế:

“Vũ khí là xẻng cuốc đã từng quen cán bỏng tay phồng

Chiến trường ấy cầu đường chẳng xa lạ bom rơi đạn nổ.

Cháy xe như cháy thịt, chiến sĩ lái xe vượt quầng lửa điên cuồng

Đường đứt tựa đứt gân, chị em vá đường chấp tiếng gầm hùng hổ”…

Những câu văn biền ngẫu sóng đôi thật chuẩn cả về thanh, điệu, vần và nội dung ý tứ đồng thời bộc bạch được nỗi niềm của nhà thơ khi viết về các chiến sĩ. Đó là niềm tự hào, kiêu hãnh về những người lính có nguồn gốc xuất thân từ nông thôn vốn quen việc cuốc cày, cấy gặt. Vào quân ngũ, họ làm việc hết mình vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Chính vì lẽ đó những chiến sĩ đã hiểu và đau cùng con đường chiến lược khi bị giặc cho ném bom cày xới, hòng cắt đứt sự chi viện cho miền Nam từ một nửa yêu thương - miền Bắc.

Những câu văn cân đối, nhịp nhàng vừa khắc họa được công việc của những chiến sĩ thanh niên xung phong: Đào đất, đắp đường, phá bom mìn để đoàn xe nối nhau vào miền Nam vừa thấy được trái tim, nhiệt huyết của họ: Can trường, quyết tâm, tinh thần yêu nước sục sôi.

Người đọc nghẹn ngào hơn khi cuộc sống sinh hoạt thường ngày của các chàng trai, cô gái tuổi còn rất trẻ ấy thật đơn sơ, đạm bạc. Cái kết nối họ lại với nhau để tạo nên sức mạnh của tinh thần đoàn kết, làm nên chiến thắng cho dân tộc đó chính là lòng yêu nước nồng nàn, thiết tha. Chính lòng yêu nước đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, thử thách của cuộc đời người lính:

“Nước nhút, quả cà

Rau lang, ngọn đỗ

Bữa ăn muộn quây quần trận địa, bờ hố bom mì luộc thay cơm

Giấc ngủ khuya chen chúc chỗ nằm đáy hầm kèo rơm khô lót ổ…”

Chúng ta ngậm ngùi xúc động trước bữa ăn vội vàng, có lẽ chẳng bao giờ đúng bữa, món ăn nghèo đến xót lòng “nước nhút, quả cà, ngọn đỗ”; bàn ăn của các chiến sĩ cũng ngay nơi trận địa và giấc ngủ cũng vì thế chẳng thể yên bình “đáy hầm kèo rơm khô lót ổ”. Thương đến nghẹn lòng! Cảm phục đến tận cùng!

* * *

Cuộc chiến tranh ác liệt bằng không quân dưới thời Johnson (1964 - 1967) đã không thu được kết quả theo ý muốn. Thắng lợi của cuộc tổng tiến công chiến lược Tết Mậu Thân 1968 đã buộc Johnson phải đề nghị đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, ngày 1/11/1968, Mỹ phải chịu ngừng ném bom không điều kiện miền Bắc Việt Nam. Các anh, các chị mừng rỡ trước tin tốt lành, đang có những dự định cho ngày trở về:

“Khao khát lắm con về với mẹ, dọi mái nhà che nắng, che mưa

Hạnh phúc sao khi chị lại cùng em, chăm thửa ruộng, trồng khoai, trồng đỗ”

Không những thế, lòng bịn rịn, quyến luyến vì những năm tháng gắn bó, yêu thương, biết bao kỉ niệm đẹp đẽ đã gửi trao và đón nhận. Niềm xúc động trào dâng như từng đợt sóng của buổi chia tay, để rạng ngày 31 thực hiện buổi cuối cùng nhiệm vụ:

“Kẻng báo động vừa nghe vài tiếng đinh tai phản lực cuồng điên

Hầm trú thân mới chạy một thôi, lóa mắt bom chùm tọa độ”

Buổi làm việc cuối cùng vẫn hết mình như những tháng ngày đã qua, vẫn luôn hướng về miền Nam ruột thịt, vẫn một lòng thống nhất non sông.

Nhưng hỡi ôi, các anh chị đã không thể thực hiện được những giấc mơ còn dang dở khi tan khói bom vắng biệt bóng người. Đất tung, trời sụp, tìm người chỉ gặp toàn miệng hố. Mười ba chiến sĩ đã anh dũng hi sinh trong buổi cuối cùng nhiệm vụ để ngày mai miền Bắc không còn bom rơi. Đau đớn, xót xa!

khuc trang ca bat tu (2).jpg
Bài thơ khắc bia đá ở Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ảnh: TG

“Bảy chiến sĩ tung lên trong tiếng nổ xót xác người tan giữa trời cao

Sáu sinh linh nằm sâu dưới bãi bom đau thi thể vùi trong đất đỏ”

Ta như thấu được nỗi đau của tác giả khi “ai vãn”. Phần thứ ba này không dài nhưng nhói đau đến tận tâm can. Nhói đau bởi những mất mát đến đau lòng của các chiến sĩ khi bình yên chỉ trong gang tấc. Nhói đau bởi thịt nát xương tan để rồi đành “gom lại chung nằm nấm mộ”. Đau lắm. Xót lắm. Nhưng cũng tự hào lắm về những chiến sĩ kiên trung, anh hùng.

* * *

“Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn” là một khúc tráng ca bất tử. Tác giả đã kết lại bài văn Tế này với giọng điệu hùng hồn, hào sảng, đi vào lòng người bao thế hệ:

“Đất hay

Trời rõ:

Sống cho nước, xả thân vì nước, để muôn đời ngào ngạt danh thơm

Chết vì dân, chiến đấu cho dân, lưu vạn thuở rạng ngời gương tỏ

Mãi dìu dặt lời ca Ví Giặm, công anh hùng thống nhất giang sơn

Còn ngân vang câu hát Đò đưa, máu liệt sĩ vẹn toàn lãnh thổ”.

Nhà thơ Vương Trọng không chỉ nổi tiếng về tài thơ, viết văn mà còn biết đến với tài viết câu đối. Những câu đối của ông được sử dụng rộng rãi, được khắc bia đá nhiều nơi. Và chính biệt tài này đã giúp ông viết thật tài tình cho phần kết. Chúng ta thấy đọng lại trong lòng mình là niềm cảm phục trước công đức của những anh hùng liệt sĩ để từ đó lòng tự dặn lòng phải sống tốt hơn. Lời văn cứ đưa dẫn, nhắc nhở chúng ta tự giác hoàn thiện mình chứ không phải là giáo điều sáo rỗng. Có lẽ đọc bài Tế này xong, ai ai cũng khao khát được một lần về với Truông Bồn huyền thoại để thắp nén nhang thơm viếng người thiên cổ.

Giá trị của tác phẩm được nâng lên khi Ban quản lí Khu di tích Truông Bồn đã tiến hành dựng bia đá khắc bài thơ. Bia đá có chiều ngang 2 mét, chiều cao 1,5 mét, độ dày 12cm. Trọng lượng toàn bia chừng 2 tấn. Bia đá được dựng một cách trang trọng, thiêng liêng và đẹp đẽ. Du khách đến thắp hương cho các liệt sĩ có thể chụp những bức hình đẹp để kỉ niệm cho chuyến hành hương về với địa chỉ đỏ Truông Bồn!

Truông Bồn là mảnh đất huyền thoại với một thời chứng kiến mưa bom đạn, khói lửa hào hùng của dân tộc. Trong những năm từ 1964 đến 1968, quân đội Mỹ đã trút xuống nơi này hơn 20.000 quả bom và hàng chục ngàn quả tên lửa các loại. Vì vậy nơi đây được coi là “hố bom” khổng lồ của cả miền Bắc. Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An khi đó đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom. Có nhiều người đã hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị xuất ngũ nhưng đã có 13 chiến sĩ phải hi sinh trong trận chiến đó khi tuổi đời còn rất trẻ.

Với sự quyết tâm của các chiến sĩ, chiến thắng Truông Bồn Nghệ An đã giúp quân đội giữ vững mạch máu giao thông, đắp hàng triệu khối đá và hơn 94.000 lượt xe cơ giới qua lại an toàn cùng hơn một triệu tấn hàng. Cũng tại nơi này có hơn một ngàn hai trăm con người ưu tú thuộc lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến ngã xuống và nằm mãi trong lòng đất mẹ.

Vương Trọng là nhà thơ, nhà văn Quân đội. Ông sinh ra tại làng quê Đông Bích, Trung Sơn (Đô Lương, Nghệ An). Ông từng học Tổng hợp Toán nhưng có duyên nợ với văn chương nên sau đó tham gia lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, ông trở thành nhà thơ, nhà văn công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Vương Trọng có những tác phẩm hay, có tiếng vang và giá trị lớn với nhiều thế hệ bạn đọc.

Chúng ta biết đến ông qua “Bên mộ cụ Nguyễn Du”, một bài thơ đã có sức lan tỏa và từ đó góp phần làm thay đổi lớn lao cho Khu tưởng niệm Nguyễn Du tương xứng với tầm cỡ của bậc Đại thi hào. Những bài thơ thành công của ông mang nặng lòng thương người và nỗi đồng cảm, sẻ chia sâu sắc của tác giả như: “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”, “Với đứa con ngoài giá thú”, “Khóc giữa chiêm bao”...

Có những bài thơ của ông đã được khắc bia đá như “Lời thỉnh cầu ở ngã ba Đồng Lộc” hay “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn”, đấy là một niềm vui, niềm tự hào, hãnh diện của người cầm bút luôn trăn trở về nghệ thuật. Nhưng có lẽ bài thơ “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn” đặc biệt hơn cả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ