Cảm thụ văn học:

Cảm thụ văn học: Vũ Bằng và những trang viết tài hoa

GD&TĐ - Vũ Bằng tên khai sinh Vũ Đăng Bằng (1913 - 1984 là nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động tình báo nổi tiếng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vũ Bằng viết văn, làm báo từ rất sớm, 16 tuổi ông đã có truyện đăng báo rồi sau đó lao vào viết văn làm báo với một thời tuổi trẻ say mê, sôi nổi cùng với Tam Lang - Vũ Đình Chí, Thiên Hư - Vũ Trọng Phụng, hình thành nhóm Ba chàng họ Vũ nổi tiếng một thời.

1.

Vũ Bằng tên khai sinh Vũ Đăng Bằng (1913 - 1984 là nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động tình báo nổi tiếng. Mặc dù cuộc đời ông trải qua nhiều thăng trầm, biến động của thời cuộc nhưng những đóng góp cho nền văn học và báo chí của ông ngày càng được khẳng định, thời gian đã làm sáng tỏ nhiều khoảng lặng trong cuộc đời hoạt động tình báo âm thầm của ông và cũng khẳng định những đóng góp lớn lao của ông cho văn học nước nhà, nhất là với mảng kí văn học (tùy bút, bút kí, hồi kí).

Những năm ba mươi của thế kỷ XX, ông đã làm chủ bút tờ Tiểu thuyết thứ bảy, thư kí tòa soạn cho tờ Trung Bắc chủ nhật cùng cộng tác cho nhiều tờ báo khắp trong Nam ngoài Bắc. Khi làm chủ bút tờ Tiểu thuyết thứ bảy ông còn giúp đỡ cho rất nhiều nhà văn trẻ lúc bấy giờ đăng những tác phẩm đầu tay và bước vào làng văn, làng báo.

2.

Với trên 50 năm cầm bút trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, Vũ Bằng đã để lại trên 20 đầu sách gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi kí, tùy bút, bút kí cùng hàng trăm bài báo, hàng nghìn trang viết. Riêng về thể kí văn học Vũ Bằng đã có gần chục cuốn trong đó tiêu biểu như Miếng ngon Hà Nội, Miếng lạ miền Nam, Bốn mươi năm nói láo, Thương nhớ mười hai…

Trong phạm vi bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin đề cập đến một số khía cạnh về thể loại kí văn học của Vũ Bằng qua hai tác phẩm Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai. Trong đó có nhiều đoạn trích đã được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa trước đây cũng như các bộ sách trong chương trình phổ thông 2018.

Vũ Bằng là nhà văn có thế mạnh với thể kí văn học, trong đó đặc biệt có sở trường với tùy bút, một loại văn xuôi tự sự phi hư cấu, đậm chất trữ tình, ở thể loại này nhà văn ghi chép về con người, sự việc có thật từ đó bộc lộ cảm xúc, suy ngẫm, triết lí và cái tôi của mình một cách tự do, phóng túng mà không bị gò bó vào khuôn khổ.

Thêm vào đó ngôn ngữ tùy bút rất giàu hình ảnh, giàu chất thơ, bên canh đó tùy bút không nhất thiết có cốt truyện, không cần bố cục chặt chẽ nhưng mạch cảm xúc vẫn tuân theo một cảm hứng chủ đạo, một chủ đề tư tưởng nhất định. Nếu tùy bút của Nguyễn Tuân bộc lộ cái tôi tài hoa, uyên bác, tùy bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường thường hướng nội, mê đắm, súc tích, tùy bút của Thạch Lam thể hiện nét thi vị, quyến rũ thì tùy bút của Vũ Bằng tràn đầy cảm xúc, tinh tế, tài hoa.

Trong cuốn Miếng ngon Hà Nội, Vũ Bằng dành trọn tình cảm của mình cho những món ăn vừa dân dã vừa tinh tế của Hà thành ngàn năm văn hiến, mỗi món ăn như gợi nhớ gợi thương và hằn sâu trong tâm trí của người con xa Hà Nội như phở bò, cốm, bánh đúc, bánh cuốn, bánh khoai, rươi, cháo lòng, ngô rang, chả cá, gỏi…

Có thể nói mỗi miếng ngon Hà Nội là một nét đặc trưng văn hóa hội tụ trong đó những giá trị tinh thần nhiều đời, tạo nên những nét văn hóa ẩm thực riêng của Hà Nội. Mỗi thức quà không chỉ được quan sát, ghi chép, miêu tả tỉ mỉ mà còn chất chứa trong đó bao tình cảm mà người viết muốn gửi gắm.

Khi nói về phở bò, Vũ Bằng đã quan sát, miêu tả và mời gọi mọi người như thế này: Ngay từ ở đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến rũ ta như mây khói chùa Hương đẩy bước chân ta, thúc bách ta phải trèo lên đỉnh núi để vào chùa trong rồi lại ra chùa ngoài. Ta tiến lại gần một cửa hàng bán phở: Thật là cả một bài trí nên thơ.

vu-bang-va-nhung-trang-viet-tai-hoa-1-12.png
Chân dung nhà văn Vũ Bằng.

Qua lần cửa kính, ta đã thấy gì? Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có…

Người bán hàng đứng thái bánh, thái thịt luôn tay, thỉnh thoảng lại mở nắp một cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh Tàu về những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa Thu.

Trông mà thèm quá! Nhất là về mùa rét, có gió bấc thổi hiu hiu, mà thấy người ta ăn phở như thế, thì chính mình đứng ở ngoài cũng thấy ấm áp ngon lành. Có ai lại đừng vào ăn cho được…

Cùng viết về cốm Vòng, một thứ quà nức tiếng của Hà Nội, Vũ Bằng đã đưa đến cho người đọc những hiểu biết thú vị về các công đoạn làm ra mẻ cốm ngon lành cũng như cách thưởng thức cốm.

Từ khâu lựa chọn để cắt lúa nếp ngoài đồng cho đúng cữ, quá trình rang nhỏ lửa, đảo đều tay đến công đoạn giã cốm, hồ cho cốm lên màu để có những mẹt cốm xanh thơm dạo bán khắp phố phường. Cái khéo léo, tinh tế của người làng Vòng đã làm ra một thương hiệu riêng mình mà không nơi nào có được.

Nói về cách thưởng thức cốm, Vũ Bằng cùng đem lại cho người đọc những nét tinh tế khi ăn để cảm được hết những hương vị đất trời và công sức của con người: Cốm, một món quà trang nhã của Thần Nông đem từ những đồng quê bát ngát của tổ tiên ta lại cho ta, không thể hứng chịu được những cái gì phàm tục.

Vì thế, ăn miếng cốm cho ra miếng cốm, người ta cũng cần phải tỏ ra một chút gì thanh lịch, cao quý; phải biết tiếc từng hạt rơi, hạt vãi, và nhất là phải ăn từng chút một, lấy ngón tay nhón lấy từng chút một, chứ không được phũ phàng.

Ta vừa nhai nhỏ nhẹ, vừa ngẫm nghĩ đến tính chất thơm của cốm thoang thoảng mùi lúa đòng đòng, tính chất ngọt của cốm phiêu phiêu như khí trời trong sạch và ta sẽ thấy rằng ăn một miếng cốm vào miệng là ta nuốt cả hương thơm của những cánh đồng quê của ông cha ta vào lòng. Dịu dàng biết chừng nào! Mà cảm khái nhường bao!

Nét tài hoa, uyên bác trong những trang tùy bút của Vũ Bằng là sự kết hợp của nhiều phương thức biểu đạt như tự sự, miêu tả, biểu cảm một cách khéo léo cùng với ngôn từ, hình ảnh tinh tế, giàu chất thơ và lối văn dung dị, nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc, lắng đọng.

Trong Từ điển văn học (bộ mới) khi đề cập đến các tác phẩm này cũng có những nhận định: “Văn hồi ký của ông là loại văn trữ tình, giàu chất thơ, hướng vào biểu hiện nội tâm, hướng về phong cảnh thiên nhiên bốn mùa xứ sở. Các câu văn tràn đầy cảm xúc, cảm giác tinh tế. Cùng với Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội… đã góp phần định hình kiểu hồi ký trữ tình độc đáo. Có thể xem đây là một đóng góp quan trọng của Vũ Bằng vào thể ký nói riêng và nền văn học hiện đại nói chung”.

3.

Thương nhớ mười hai là cuốn sách tiêu biểu cho phong cách, văn phong của Vũ Bằng, cuốn sách được khởi thảo từ đầu những năm sáu mươi nhưng đến năm 1971 mới hoàn thành, đây cũng là món quà ông dành tặng cho người vợ đầu yêu quý ở Hà Nội trong những năm đất nước còn chia cắt.

Đúng như tên gọi, Thương nhớ mười hai chính là nhớ về cảnh sắc xứ Bắc qua 12 tháng trong năm, đó là: Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt; Tháng Hai, tương tư hoa đào; Tháng Ba, rét nàng Bân; Tháng Tư, mơ đi tắm suối Mường; Tháng Năm, nhớ nhót, mận, rượu nếp và lá móng; Tháng Sáu, thèm nhãn Hưng Yên; Tháng Bảy, ngày rằm xá tội vong nhân; Tháng Tám, ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu; Tháng Chín, gạo mới chim ngói; Tháng Mười, nhớ gió bấc mưa phùn; Tháng Mười một, thương về những ngày nhể bọng con rận rồng; Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết, trong đó tập trung nhất là cảnh sắc Hà Nội.

Có thể nói qua mỗi trang văn, Vũ Bằng đã mê dụ người đọc bằng ngòi bút tài hoa, tinh tế, uyên bác của mình về cảnh sắc xứ Bắc qua sự luân chuyển qua các tháng các mùa, đó là tháng Giêng, là mùa Xuân “có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng”.

Cây cối qua quan sát, miêu tả của Vũ Bằng cũng trở nên sống động, có hồn, hãy xem nhà văn tả lá bàng, lá sầu đâu vào độ tháng Ba: “Cũng như người con gái dậy thì lớn lên và đẹp không ai biết, chỉ khoảng cuối tháng Hai, đầu tháng Ba thì lá bàng, lá sầu đâu nở bung ra. Nhìn lên, lá non xanh mầu cốm giót rún rẩy đu đưa một cách đa tình, làm cho người đa cảm tưởng tượng như cây cối giơ những khăn tay bé nhỏ xanh xanh, vàng vàng ra chào mừng, vẫy gọi...

Ðến cuối tháng Ba, lá bàng sum suê che kín cả đường đi. Dọc theo con sông Đào chạy ngang các thôn xóm ở Vụ Bản, Hải Hậu... những cây bàng đứng soi bóng xuống sông Đào chạy dài tít tắp hàng chục cây số, trông như thể một cái tàn bất tuyệt, khổng lồ. Ðứng ở dưới nhìn lên, mình cảm thấy đứng ở trong một cái hang kết bằng lá non và không thể không nhớ lại lúc nhỏ còn đi học, sân nhà trường chi chít gốc bàng”.

vu-bang-va-nhung-trang-viet-tai-hoa-1-8444.jpg
Tác phẩm “Miếng ngon Hà Nội”.

Sách giáo khoa Ngữ văn 11, bộ Cánh diều có chọn đưa vào đoạn trích về tháng Giêng trong cuốn Thương nhớ mười hai và được đặt tên Thương nhớ mùa xuân. Đây là đoạn trích tiêu biểu trong cuốn sách, thể hiện rõ đặc điểm tùy bút của Vũ Bằng với cái tôi tinh tế, ngôn từ giàu hình ảnh, giàu chất thơ, nỗi nhớ da diết hiện lên qua từng câu chữ, không chỉ là đất trời, cảnh sắc mà nhớ cả những món ngon Hà Nội bình dị mà tinh tế.

Cảm xúc bộc lộ qua từng câu chữ, đó cũng là tình yêu với Hà Nội, với quê hương, đất nước của nhà văn: “Đẹp quá đi, mùa Xuân ơi - mùa Xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu mùa Xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng Giêng, Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu Giêng, nhưng trái lại, lại nức một mùi hương man mát.

Thường thường, vào khoảng đó trời đã hết nồm, mưa Xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa lí, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa.

Chỉ độ tám, chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve sầu mới lột. Ấy là lúc thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị có cá om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng”.

Đó là khí trời tháng Giêng mát mẻ một cách tình tứ, nên thơ như cảm nhận Vũ Bằng: “Bảo là nóng ư? Không. Bảo là rét ư? Không. Thời tiết lúc đó kì lạ lắm: Rét vẫn còn vương trên ngọn xoan đào, nhưng đất ở ngoài vườn khô ráo, sạch bong, mịn màng như thể đất rừng Đà Lạt sau một đêm sương, và qua những kẽ lá chòm cây, có những bông hoa nắng rung rinh trong bể nước.

Đêm xanh biêng biếc, tuy chưa có mưa rây, nhưng nhìn lên thấy rõ từng cánh sếu bay. Về khuya, trời vẫn rét một cách tình tứ nên thơ: Mặc dầu vẫn phải đắp chăn bông, nhưng ban ngày không cần phải mặc áo ấm như hồi cuối Chạp”.

Thường người ta hay miêu tả trăng mùa Hạ, mùa Thu nhưng viết về trăng tháng Giêng, nhà văn cũng đem đến phát hiện rất riêng với cái nhìn tình tứ: “Cái trăng tháng Giêng, non như người con gái mơn mởn đào tơ, hình như cũng đẹp hơn các tháng khác trong năm thì phải: Sáng nhưng không đẹp lộng lẫy như trăng sáng mùa Thu, đẹp nhưng không đẹp một cách úa héo như trăng tháng Một.

Cái đẹp của trăng tháng Giêng là cái đẹp của nàng trinh nữ thẹn thùng, vén màn hoa ở lầu cao nhìn xuống để xem ai là tri kỷ, mặc dầu không có ai thấy để đoàn biết tâm sự mình, nhưng cứ thẹn bâng khuâng, thẹn với chính mình. Ánh trăng lúc ấy không vàng mà trắng như sữa, trong như nước ôn tuyền. Đi vào giữa ánh sáng mơ hồ ấy, mình cảm như thấy mình bay trong không gian vô bờ bến”.

Đằng sau những câu chữ là những bộc lộ trực tiếp của nhà văn về những gì đẹp đẽ trong quá khứ mà giờ đây trong xa cách Vũ Bằng dự cảm không thể trở về nơi ấy nữa như những lời kết của chương tùy bút mở đầu này: “Người khách xa nhà nằm ngửa mặt lên trần, mơ lại những ngày xuân đã mất và cảm như tất cả những cái vui đẹp, say sưa đó thuộc vào một tiền kiếp xa xôi”.

Để khép lại bài viết nhỏ này, xin mượn ý kiến của nhà nghiên cứu Hoàng Như Mai: “Dù phải thích ứng với hoàn cảnh chính trị như thế nào đấy, cuốn sách vẫn bày tỏ rất rõ tâm sự của một người con miền Bắc nhớ da diết quê hương ở bên kia “giới tuyến”. Chính tấm lòng ấy đã cùng với ngòi bút tài hoa của Vũ Bằng làm nên giá trị văn chương của tác phẩm này. Nó hấp dẫn chúng ta từng dòng, từng trang”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ