Nàng dâu thay đổi "cục diện" nhà chồng

Bước chân về nhà chồng, có những nàng dâu đã "thổi một luồng gió mới" vào không gian sống nhà chồng, họ được ví như người "thay đổi cục diện" tại ngôi nhà mới của họ.

Nàng dâu thay đổi "cục diện" nhà chồng

Hạnh (Bắc Cạn) bước chân về nhà chồng khi tuổi còn khá trẻ. Đó là lý do bố mẹ cô hết mực lo lắng không biết cô con gái rượu sẽ đi làm dâu ra sao. Thêm một trở ngại nữa là cuộc hôn nhân của Hạnh gặp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình chồng bởi họ không muốn con trai phải lấy vợ xa. Vượt qua tất cả, cuối cùng Hạnh cũng về làm dâu cho một gia đình con một ở Hà Nội.

Cứ ngỡ cuộc sống của Hạnh ở nhà chồng sẽ gặp nhiều khó khăn lắm, nhưng trái ngược với những gì bố mẹ lo lắng, Hạnh lại làm khá tốt vai trò của cô con dâu duy nhất trong nhà. Trong mắt mẹ chồng, Hạnh là người: "Trẻ người nhưng không non dạ. Nó về làm dâu nhà tôi lúc mới 23 tuổi, tính nết rất hồn nhiên, thẳng thắn, chẳng bao giờ để bụng ai điều gì, kể cả khi tôi mắng mỏ hay góp ý".

Khác với những cô gái bước chân về nhà chồng với tâm lý nơm nớp lo sợ, Hạnh có sao sống thế. Cô không biết làm gì thì hỏi mẹ chồng ngay, rất chăm chỉ nhờ mẹ chỉ dạy việc bếp núc để thay mẹ đảm nhận vai trò chủ bếp trong gia đình.

Bác Lê - mẹ chồng Hạnh kể: "Trước kia nhà tôi sống lạnh lẽo lắm, nhà ít người mà, cả 3 người lại đều ít nói. Từ ngày có con dâu, nó cười nói suốt ngày, chuyện trò rôm rả nên có cảm giác nhà cửa có sức sống hẳn. Bữa cơm gia đình, nó kể chuyện này chuyện kia, ngày nào cũng hỏi han từng người ngủ có ngon không, bố mẹ có đau yếu ở đâu không...

Bình thường ăn cơm xong, người thì xem tivi, người đọc báo, chẳng nói với nhau lời nào. Từ ngày nó về, nó bày ra đủ trò để mọi người quây quần bên nhau như ăn uống, làm bánh, sinh nhật... thành ra nhà cửa náo nức, đông vui hơn hẳn trước kia".

Nang dau thay doi

Trong mắt mẹ chồng, Hạnh là người: "Trẻ người nhưng không non dạ" (Ảnh minh họa).

Hỏi Hạnh về chuyện có hay không cô đang cố gắng lấy lòng mẹ chồng, Hạnh cười xòa cho biết: "Thú thực là mình khá vụng về chứ không khéo léo từ ăn nói đến làm lụng. Chồng mình cũng từng thẳng thắn chê mình như vậy. Chỉ có điều tính mình hồn nhiên, không để bụng bao giờ nên cứ thế mà sống thôi.

Nhà chồng mình toàn người trầm tính, ít nói nên có khi quan tâm đến nhau mà chẳng thể hiện ra. Rồi ông bà cũng quen sống tiết kiệm, không mua sắm, trưng diện bao giờ. Thấy thế, mình hay nhân dịp này, dịp nọ kéo cả nhà đi ăn hàng cho thay đổi không khí.

Rồi dịp sinh nhật mọi người, ngày cưới của bọn mình... mình hay mua đồ về tổ chức, mua quà cho bố mẹ... Chắc vì vậy nên có lần mẹ chồng mình bảo "Con về đổi gió hẳn cái nhà này" đấy. Mình rất vui vì bố mẹ chồng tốt tính và khen mình như vậy".

Không sống chung với bố mẹ chồng nhưng chị Vân Anh (Hoàng Mai, 35 tuổi, Hà Nội) cũng được coi là nàng dâu đã "thay đổi cục diện" nhà chồng. Nhà chồng chị Vân Anh có 2 anh em trai, anh trai cả sinh được hai cô con gái nên ông bà không muốn để lại nhà cửa, đất đai cho và muốn vợ chồng anh ra ở riêng, rồi sống chung với hai vợ chồng chị.

Tuy nhiên, do bố mẹ không có tiền mua nhà riêng cho vợ chồng anh trai nên ông bà muốn vợ chồng chị phải góp tiền cho nhà anh ra riêng. Vì chuyện đó mà hai anh em và bố mẹ giận nhau, nửa năm nay không nói với nhau một lời.

Chị Vân Anh tâm sự: "Bước chân về nhà chồng cũng là lúc chuyện này xảy ra rồi. Chồng thì giận bố mẹ vì không có tiền mà cứ bắt góp tiền cho anh trai nên sống cùng một nhà nhưng chẳng hề nói chuyện với nhau.

Anh chồng gì tức vì bị đẩy ra khỏi nhà nên từ ngày ra ngoài, vợ chồng anh không hề gọi điện, gặt mặt bố mẹ cũng như chồng mình. Mình thấy không khí nhà chồng căng thẳng như vậy không ổn chút nào".

Nang dau thay doi

Nhờ có chị mà gia đình chồng mới hòa thuận lại được với nhau (Ảnh minh họa).

Đối mặt với mối quan hệ đang rạn nứt trong gia đình chồng, chị Vân Anh kể, chị đã lên kế hoạch để hàn gắn mọi người lại với nhau. Cưới nhau được một thời gian, chị chủ động gần gũi với bố mẹ chồng, hiểu được mong muốn của ông bà là có cháu đích tôn.

Thế nên khi sinh được đứa con trai, chị cho đó chính là cơ hội để hàn gắn tình cảm giữa chồng và bố mẹ. Chị hay giục chồng nô đùa với con mỗi khi mẹ chồng đang bế cháu, rồi có việc gì chị lại vô cớ tạo điều kiện để chồng và bố chồng buộc phải mở lời với nhau. Dần dần, bố mẹ chồng và anh xã chị đã nói chuyện với nhau thường xuyên như trước kia.

"Mình còn thủ thỉ với mẹ chồng chuyện anh hùn vốn làm ăn thua lỗ nặng nên đi làm mấy năm chẳng để ra được đồng nào mà góp tiền cho anh trai ở riêng. Tất nhiên, mình cũng nói quá lên để ông bà không nghĩ rằng anh chối bỏ trách nhiệm. Nhờ vậy mà bố mẹ chồng hiểu cho chồng mình hơn.

Còn với nhà anh chồng, anh chị và các cháu đã ở riêng, từ ngày về làm dâu, cứ cuối tuần hay dịp lễ tết, mình lại sang tận nơi mời anh chị đưa các cháu về nhà bố mẹ sắp cơm ăn uống, tụ tập. Với anh chị chồng, mình chẳng có lỗi gì mà giận nên dù đợt đầu hơi e ngại song vẫn nhận lời.

Rồi có khi mình gọi điện rủ anh chị đưa các cháu đi chơi đâu đó, có sắp lịch cho cả nhà mình đến chỗ hẹn trước. Cứ thế, mọi người trong gia đình chồng lại giáp mặt nhau, trò chuyện, thân mật với nhau như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Sau một thời gian thì sự xa cách đã được xích lại, giận hờn cũ cũng không còn nữa", chị Vân Anh kể.

Chia sẻ về cô con dâu mình, mẹ chồng chị Vân Anh cho biết: "Đúng là nhờ có con dâu mà nhà tôi mới lại hòa thuận được như xưa. Nó sống tình cảm lắm, ai cũng biết nó đã cố gắng làm mọi thứ để mọi người trong nhà vui vẻ, gắn bó với nhau và bỏ qua mọi chuyện".

Theo ttvn.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...