Nâng cao “ tầm vóc” Việt

GD&TĐ - Ngoài các biện pháp an toàn phòng dịch, các trường học đều chú trọng nâng cao sức khỏe thể chất cho học sinh để có sức đề kháng tốt.

Cô Trần Thị Minh Thúy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, TP Nam Định.
Cô Trần Thị Minh Thúy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, TP Nam Định.

Hiệu quả từ Ban Vệ sinh sức khỏe trường học

Học sinh cả nước đã trở lại trường học. Điều này đồng nghĩa nguy cơ dịch bùng phát và lây lan trong môi trường học đường rất lớn nếu không triển khai mạnh mẽ biện pháp phòng chống trước mùa dịch.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy, cúm…, Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Nam Định, Nam Định) đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp: Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh lớp học; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch…

“Ngoài bảo đảm dinh dưỡng, công tác nâng cao sức khỏe thể chất cho các em cũng được trường chú trọng. Phụ huynh học sinh cũng đồng hành với nhà trường trong các hoạt động này bởi ý nghĩa thiết thực. Đồng thời, các cấp chính quyền cũng quan tâm và tạo mọi điều kiện để cô trò nhà trường có thể tham gia nhiều hoạt động thể dục, thể thao tại địa phương”, cô Minh Thúy cho biết.

Bên cạnh đó, trường cũng kiện toàn Ban Vệ sinh sức khỏe. Cô Trần Thị Minh Thúy – Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Các thành viên của ban gồm Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn, Tổng phụ trách, nhân viên y tế, kế toán và giáo viên chủ nhiệm các lớp. Nhiệm vụ của Ban Vệ sinh sức khỏe là giúp học sinh nâng cao sức khỏe toàn diện bằng tập thể dục, nhảy dân vũ, âm nhạc, võ thuật… hàng ngày qua hoạt động đầu giờ, các tiết Giáo dục thể chất, câu lạc bộ Thể dục thể thao.

Còn tại Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc, huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), các hoạt động thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe thể chất cho học sinh cũng được quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Theo cô Hiệu trưởng Phạm Phương Mai, toàn trường có 1.075 học sinh. Ngoài 2 tiết/tuần/lớp của môn Giáo dục thể chất theo quy định, trò có thể đăng ký tham gia các câu lạc bộ như võ thuật, âm nhạc.

Cô Mai khẳng định, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần của thế hệ trẻ. Giáo dục thể chất không chỉ là hoạt động thể dục thể thao đơn thuần, mà còn mang lại sự phát triển toàn diện cho học sinh; giúp phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp đối với trẻ.

Học sinh Trường THCS Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hào hứng với các môn thể thao tại trường.

Học sinh Trường THCS Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hào hứng với các môn thể thao tại trường.

Thể thao để nâng cao sức khỏe

Có hai con học lớp 6 và lớp 9 Trường THCS Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), điều chị Nguyễn Thị Loan tâm đắc đó là nhà trường đã bài trí khuôn viên trường học như công viên với nhiều dụng cụ luyện tập thể dục thể thao. Theo chị Loan, mỗi ngày, con đi học về với mồ hôi nhễ nhại nhưng tâm trạng rất vui. Trên lớp, học trò không chỉ được giảng dạy về kiến thức, mà còn được thỏa sức vận động, tham gia các trò chơi thể dục thể thao theo nhu cầu, sở thích.

“Mỗi khi nhà trường thành lập đội tuyển đi thi đấu, vợ chồng tôi đều đồng ý cho con tham gia. Sinh hoạt tập thể, rèn luyện để trẻ thỏa sức đam mê, xây dựng tinh thần làm việc nhóm, tránh xa những thói hư tật xấu nên gia đình rất yên tâm” – chị Loan tâm sự.

Nhấn mạnh vai trò của việc nâng cao sức khỏe thể chất cho học sinh, cô Hoàng Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai, cho biết: Toàn trường có hơn 1.400 học sinh. Dù nhà trường đang trong quá trình xây dựng thêm một đơn nguyên nữa nhưng với hệ thống cơ sở vật chất hiện tại, khuôn viên nhà trường được bố trí các dụng cụ thể dục thể thao cho học sinh sử dụng.

Việc tham gia thể dục giúp các em có thói quen tập thể dục thường xuyên, chống béo phì và giảm khả năng mắc các bệnh mãn tính như tim và tiểu đường. Cũng theo cô Lan, giáo dục thể chất sẽ thúc đẩy học sinh mở rộng các kỹ năng luyện tập, giao tiếp... Tập thể dục cũng giúp trò nhận ra tầm quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.

Tại Trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội), công tác giáo dục thể chất luôn được chú trọng dù học trực tiếp hay trực tuyến. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Kim Dung, trong thời gian học sinh học online, các thầy cô dạy Giáo dục thể chất vẫn đến trường để quay clip hướng dẫn bài tập cho học sinh. Khi dịch được kiểm soát, thầy trò lại tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao sức khỏe thể chất nhằm tạo ra “lá chắn” trước nguy cơ dịch bệnh tấn công trường học.

Hoạt động thể chất giúp học sinh cải thiện các kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội thiết yếu. Tinh thần đồng đội, làm việc cùng nhau và có thể hỗ trợ những người khác trong nhóm dần hình thành trong trò; tự tin vào khả năng của mình. Trong nhiều năm qua, học sinh của trường rất hào hứng tham gia các giải thể thao của địa phương, thành phố. Trong đó có giải Chạy của Báo Hà Nội Mới hay giải Cầu lông, Bóng bàn… của huyện để chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, công tác giáo dục thể chất cho học sinh đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, khi phải học trực tuyến, nhiều học sinh bị ảnh hưởng tâm lý do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, không có nơi hoạt động. Bộ GD&ĐT đã và đang chỉ đạo ngành Giáo dục các địa phương khẩn trương triển khai hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường một cách hợp lý, phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, nhiều phong trào về phát triển thể chất cũng được phát động rộng rãi trên toàn quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ