Phòng, chống dịch bệnh trong trường học: 'Vẽ đường' thế nào cho đúng

GD&TĐ - Bên cạnh truyền thụ kiến thức, các hoạt động giáo dục phòng chống dịch bệnh nhằm hình thành kỹ năng cho học sinh là không thể thiếu được.

Giáo viên, học sinh Trường THCS Lê Lợi (xã Tam Thăng, Tam Kỳ, Quảng Nam) diễn tập sơ tán an toàn trong tình huống có sóng thần.
Giáo viên, học sinh Trường THCS Lê Lợi (xã Tam Thăng, Tam Kỳ, Quảng Nam) diễn tập sơ tán an toàn trong tình huống có sóng thần.

Đặc biệt trong thời buổi công nghệ phát triển mang theo nhiều mặt trái, học sinh, sinh viên phải có kiến thức, kỹ năng nhất định để xử lý các tình huống gặp phải nhằm bảo vệ bản thân.

Nâng cao ý thức

Tăng “đề kháng” cho học sinh – sinh viên theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đã được các trường học chú trọng để các em có kỹ năng ứng xử, bảo vệ và hoàn thiện bản thân. Trong các chuyên đề của Tuần sinh hoạt định hướng đầu khóa, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (ĐH Đà Nẵng) đã đưa nội dung về tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản để chuyên gia cùng chia sẻ và trao đổi với tân sinh viên.

Học sinh trường nội trú với đặc thù văn hóa, nếp sinh hoạt khác nhau nên bài học đầu tiên khi nhập trường mà thầy cô dạy là giữ vệ sinh cá nhân, phòng ở, khu vực sinh hoạt chung…

Ngay sau khi tựu trường, Đinh Thị Lệ Quyên (học sinh lớp 10, Trường PTDTNT THCS - THPT huyện Bắc Yên, Sơn La) và các bạn trong lớp được thầy cô hướng dẫn cách sinh hoạt trong môi trường tập thể. Đặc biệt, đối với nữ sinh, cô giáo chủ nhiệm luôn hướng dẫn, nhắc nhở vệ sinh thân thể. “Hàng tháng, nhà trường tổ chức cho nữ sinh học kỹ năng sống, cách bảo vệ bản thân và lắng nghe những mong muốn, chia sẻ của chúng em”, Lệ Quyên cho hay.

Còn Long Tiến Thắng, học sinh lớp 12, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn), chia sẻ: “Vào đầu năm học, nhà trường tổ chức các buổi tọa đàm để tuyên truyền bệnh dễ lây truyền trong môi trường tập thể; cung cấp kiến thức sinh khỏe sinh sản, giới tính. Nhờ được tuyên truyền thường xuyên nên chúng em hình thành thói quen vệ sinh phòng ở vào buổi chiều mỗi ngày. Cuối tuần, thành viên trong phòng sẽ dọn dẹp khuôn viên nhà trường, không để rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, phát tán dịch bệnh”.

Theo chia sẻ của cô Niê Khánh Hà – Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT N’Trang Lơng (Đắk Lắk), với đặc thù là trường nội trú, nhà trường luôn đặt an toàn, sức khỏe cho học sinh lên hàng đầu. Nhà trường chú trọng công tác y tế học đường; nâng cao ý thức cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên về phòng chống dịch bệnh theo mùa.

Tại Trường THPT DTNT N’Trang Lơng, ngoài các buổi sinh hoạt ngoại khóa liên quan đến chủ đề sức khỏe, hàng tuần nhà trường còn tuyên truyền hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại tiết chào cờ đầu tuần, chương trình phát thanh nội bộ, sinh hoạt lớp cuối tuần. Hàng năm, để ngăn ngừa dịch sốt xuất huyết Trường THPT DTNT N’Trang Lơng triển khai phun khử khuẩn lăng quăng, bọ gậy 2 lần; phối hợp với địa phương tổ chức thăm khám sức khỏe cho học sinh.

Một tiết học của học sinh Trường THPT DTNT N’Trang Lơng (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: NTCC

Một tiết học của học sinh Trường THPT DTNT N’Trang Lơng (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: NTCC

Tăng cường “đề kháng”

Sau cơn bão số 4 (Noru), Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) tổ chức vệ sinh phòng ở của học sinh nội trú, phơi phóng chăn màn, gối chiếu. Thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Thời tiết, sắp tới mùa đông nên nhà trường tăng cường công tác vệ sinh chỗ ở, phòng ăn để hạn chế các bệnh hô hấp trong học sinh. Mùa đông ở Nam Trà My cũng đồng thời là mùa mưa nên phòng học phải được thông thoáng, tránh ẩm ướt”.

Với số lượng vitamin C liều cao còn lại từ đợt dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở Nam Trà My vào tháng 11/2021, bộ phận y tế chịu trách nhiệm cho học sinh, nhất là những em có thể trạng yếu uống bổ sung. Em Khánh Luân (HS lớp 5) kể: “Em được thầy cô hướng dẫn cách rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, không cho tay ngoáy mũi. Thầy, cô giáo còn nhắc nhở chúng em thường xuyên tắm rửa, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối pha loãng, trời lạnh phải mặc đồ đủ ấm để không bị cảm cúm.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam có một vườn cây thuốc nam. Những em nào có dấu hiệu cảm cúm đều được tách riêng để tránh lây nhiễm cho bạn cùng phòng. Các em được chuyển về phòng cách ly tạm thời, thực hiện test nhanh nếu có triệu chứng nhiễm Covid-19. Giáo viên sẽ hướng dẫn các em cách xông mũi, họng để điều trị dự phòng.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Ngãi, thầy Hiệu trưởng Bùi Thế Giới cho biết: “Trong buổi khám sức khỏe đầu năm học, học sinh nhà trường được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh nơi ở, rèn thói quen ngủ màn. Học sinh được cấp phát đầy đủ dung dịch sát khuẩn, xà phòng diệt khuẩn, dụng cụ cọ rửa nhà vệ sinh, phòng ở…”.

Học sinh Trường THCS Lê Lợi (xã Tam Thăng, Tam Kỳ, Quảng Nam) diễn tập tình huống có người bị nhiễm Covid-19 trong trường học.

Học sinh Trường THCS Lê Lợi (xã Tam Thăng, Tam Kỳ, Quảng Nam) diễn tập tình huống có người bị nhiễm Covid-19 trong trường học.

Học sinh và giáo viên Trường THCS Lê Lợi (xã Tam Thăng, Tam Kỳ, Quảng Nam) đã có buổi diễn tập ứng phó với thiên tai khi năm học 2022 – 2023 bắt đầu. Học sinh được trang bị kiến thức và kỹ năng sơ tán trong những tình huống khẩn cấp như sóng thần, động đất, tình huống giả định có người nhiễm Covid-19, sơ cấp cứu người bị thương trong quá trình di chuyển…

Để phòng chống các bệnh dịch dễ lây nhiễm đối với học sinh nội trú, Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) thường xuyên tổ chức, tuyên truyền cho toàn thể tập thể sư phạm nhà trường về tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh theo mùa.

Bên cạnh đó, trường tổ chức dọn vệ sinh toàn trường học, nhất là khu vực sân chơi bãi tập, lớp học, phòng ở, khu sinh hoạt chung. Tổ chức đoàn đội có nhiệm vụ giáo dục cho học sinh kỹ năng phòng chống dịch bệnh; vệ sinh cá nhân; chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh; chú trọng vào thực đơn bữa ăn hàng ngày của học sinh nhằm bảo đảm chất dinh dưỡng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhà trường cũng lưu ý bộ phận y tế theo dõi sức khỏe, định kỳ phối hợp với trung tâm y thế địa phương tổ chức khám sức khỏe cho học sinh.

“Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Si Ma Cai cũng trang bị cơ sở vật chất phục vụ đời sống sinh hoạt cho các em như hệ thống phòng ở, khu vệ sinh, khu tắm giặt, phơi phóng quần áo đến các vật dụng sinh hoạt riêng cho các phòng ở như chăn màn, giường chiếu, tủ, bình nước uống đạt tiêu chuẩn”, thầy Lưu Hoàng Anh – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Si Ma Cai (Lào Cai) chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Nhà trường luôn nhắc nhở học sinh không dùng chung vật dụng sinh hoạt cá nhân như bàn chải, khăn mặt, cốc uống nước; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng tránh dịch bệnh của cơ quan y tế…

Học sinh Trường PTDTNT THCS - THPT huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La trong buổi sinh hoạt nhân dịp Tết Trung thu. Ảnh: NVCC

Học sinh Trường PTDTNT THCS - THPT huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La trong buổi sinh hoạt nhân dịp Tết Trung thu. Ảnh: NVCC

“Vẽ đường” thế nào cho đúng?

Khi còn công tác tại Chi cục Dân số - KHHGĐ thành phố Đà Nẵng, bác sĩ Lê Văn Huệ nhiều lần đến các trường phổ thông nói chuyện về sức khỏe sinh sản. Theo đó, bác sĩ đã nhận được nhiều câu hỏi của các em chuyển đến qua những mảnh giấy, hỏi về cách hướng dẫn sử dụng bao cao su đúng cách, quan hệ tình dục một lần có thể có thai không? Điều này cho thấy, các em đã biết quan tâm đến những vấn đề cụ thể chứ không còn là những kiến thức chung chung về sức khỏe giới tính. Đây là dấu hiệu tích cực và các em có quyền được biết để trang bị cho mình.

Theo cô Ngô Nguyễn Vũ Bình, Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng, giáo dục giới tính cho học sinh phổ thông rất cần thiết. Có nhiều chuyện như sự thay đổi của cơ thể, thậm chí chuyện có người để ý, có người yêu, các em có thể trao đổi với bạn bè, tự tìm hiểu trên mạng nhưng không bao giờ trò chuyện với cha mẹ, thầy, cô giáo.

Trong chương trình học và cả ngoại khóa, học sinh các trường THCS và THPT đều được cung cấp kiến thức về giới tính, tình dục, nhưng sự hiểu biết đó chỉ mới giới hạn về chuyện giới tính. Những chuyện phía sau đó như quan hệ tình dục sớm sẽ dẫn đến hậu quả gì; trách nhiệm của em trai trong vấn đề này như thế nào; các em có thể sử dụng những biện pháp tránh thai nào…, nhiều học sinh không biết gì, hoặc biết rất chung chung.

Huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đã duy trì mô hình Câu lạc bộ thân thiện thực hiện truyền thông về sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên trong các trường bán trú. Đội ngũ tư vấn viên là các cô giáo, người có uy tín và một số học sinh ưu tú được lựa chọn. Với sự hỗ trợ của cô giáo chủ nhiệm, các tư vấn viên sẽ tiếp cận học sinh, khơi gợi cho các em chia sẻ những thay đổi cả thể chất lẫn tâm lý của bản thân ở lứa tuổi vị thành niên.

Những điều này, có thể các em do e ngại, rụt rè mà không thể bày tỏ trong các buổi tuyên truyền về sức khỏe sinh sản được tổ chức tại lớp. Những chia sẻ này sẽ là căn cứ để các tư vấn viên có cách để tuyên truyền, hướng dẫn học sinh nữ về kỹ năng sống như cách thức để bảo vệ mình, hậu quả của quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục thế nào cho an toàn.

Một số trường học miền núi ở Quảng Nam đã sử dụng hình thức phiên tòa giả định để truyền thông về sức khỏe sinh sản, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Em Hoàng Phương Anh, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Nhập vai từ một tình huống có trong thực tế, em ý thức được mình phải biết biến những kiến thức về sức khỏe sinh sản thành kỹ năng để bảo vệ an toàn cho bản thân. Trước hết, phải nhận thức đúng về tình bạn, tình yêu, không vượt quá những giới hạn và biết cách giữ an toàn cho mình để không để lại những hậu quả đáng tiếc”.

“Nhà trường phối hợp với huyện đoàn, trung tâm y tế tổ chức các cuộc thi, diễn kịch để học sinh được tìm hiểu kiến thức về dịch bệnh. Trường tiến hành giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính cho trò thông qua dạy học lồng ghép ở một số môn học chính khóa, thành lập tổ tư vấn tâm lý, sức khỏe sinh sản cho học sinh. Theo đó, thành viên trong ban giám hiệu làm tổ trưởng với sự tham gia của các bộ phận y tế, đoàn trường, tổng phụ trách Đội và một số giáo viên có kinh nghiệm. Đặc biệt nhà trường dành một phòng để tư vấn kín cho học sinh”, thầy Lưu Hoàng Anh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.