Phòng, chống dịch bệnh trong trường học: 'Lá chắn' bảo vệ

GD&TĐ - Bảo hiểm y tế (BHYT) được coi như lá chắn bảo vệ sức khỏe cho HSSV trong việc khám sức khỏe định kỳ cũng như điều trị lâu dài.

Tân sinh viên đến nhập học tại Trường ĐH Mở Hà Nội. Ảnh: TG
Tân sinh viên đến nhập học tại Trường ĐH Mở Hà Nội. Ảnh: TG

Vì thế, cần nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh sinh viên (HSSV) để việc mua BHYT trở thành nhu cầu tự thân.

“Đóng góp khi lành, để dành khi ốm”

Học kỳ II lớp 4 của năm học trước, N.K.L ở tổ 13, phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) không may mắc bệnh nặng, phải nằm viện dài ngày. Sau thời gian điều trị tích cực, N.K.L vẫn phải vào viện thăm khám theo định kỳ. Mỗi lần tái khám, N.K.L phải nằm ít nhất vài ngày, tùy theo tình trạng sức khỏe. Chị Nguyễn Thị Hoa, mẹ của N.K.L bộc bạch: Rất may, con tham gia BHYT nên đã giảm gánh nặng chi phí cho gia đình rất nhiều.

“Nếu không có BHYT, chắc chắn gia đình sẽ lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Giờ tôi mới thấm thía câu nói, tham gia bảo BHYT là cách “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”. BHYT chi trả phần lớn chi phí khám bệnh, xét nghiệm, thuốc và chăm sóc cho người có thẻ khi đi khám, chữa bệnh”, chị Hoa cho hay.

“Học sinh của trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, BHYT được coi là “lá chắn” bảo vệ sức khỏe cho các em. Nhiều em có hoàn cảnh éo le, bố mẹ mất sớm, phải ở với ông bà. Những lúc ốm đau, mới thấy giá trị nhân văn của BHYT như thế nào”, thầy Đồng chia sẻ.

Thầy Lâm Đại Đồng – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Phong (Như Xuân, Thanh Hoá) cho hay, trường có 244 học sinh. Trường nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn nên học sinh được cấp thẻ BHYT. Một vài trường hợp mới chuyển đến, nhà trường đang làm thủ tục để các em có thẻ bảo hiểm trong thời gian sớm nhất.

Thầy Đồng thông tin, vừa rồi có 2 học sinh của trường bị ốm. Nhờ có BHYT nên các em được khám, cấp phát thuốc miễn phí.

Trường Tiểu học Ngọc Liên (Cẩm Giàng, Hải Dương) có 800 học sinh, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 100%. Chia sẻ điều này, thầy Hoàng Văn Hương - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Một số học sinh thuộc diện khó khăn, nhà trường vận động các thầy, cô trong ban giám hiệu, giáo viên trong trường ủng hộ để mua BHYT cho các em.

“Ngoài BHYT, đến hết tháng 9/2022, hơn 50% học sinh của trường đăng ký tham gia bảo hiểm thân thể. Hiện nhà trường tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ huynh tham gia bảo hiểm này cho con em mình, đề phòng những lúc ốm đau”, thầy Hương thông tin.

Nhu cầu tự thân

Theo kinh nghiệm của thầy Hương, để học sinh tham gia BHYT, việc đầu tiên là làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của loại hình bảo hiểm này. “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với UBND xã, các ban ngành đoàn thể và cơ quan bảo hiểm để tuyên truyền về quyền lợi khi tham gia nhằm tăng tính thực tiễn, khách quan. Qua đó, giúp phụ huynh hiểu và đồng thuận, tự nguyện mua bảo hiểm cho con em mình như một nhu cầu tự thân”, thầy Hương bật mí.

Tham gia BHYT là cách “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”. Ảnh minh họa: INT

Tham gia BHYT là cách “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”. Ảnh minh họa: INT

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Liên, khi có học sinh ốm đau phải dùng đến thẻ BHYT, bảo hiểm thân thể, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và nhân viên y tế học đường hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa hoàn thiện các thủ tục hành chính để các em được thụ hưởng chính sách này. Đây cũng là cách truyền thông sinh động, giúp phụ huynh hiểu hơn về ý nghĩa nhân văn của BHYT, đồng thời yên tâm cho con em mình tha giam bảo hiểm.

Tại Hà Nội, theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố, năm học 2020 - 2021, các cơ quan chức năng đã bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT nội trú cho hơn 67.800 lượt HSSV với chi phí bình quân của mỗi đợt điều trị gần 5 triệu đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, nhiều quận đã chủ động đưa chính sách đến từng đơn vị, trường học, phụ huynh, HSSV.

Cô Nguyễn Phương Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: 100% học sinh đăng ký mua BHYT. Các em và phụ huynh được tiếp cận với chính sách BHYT qua ứng dụng VssID-BHXH số. Do đó, khi cần, học sinh có thể sử dụng thẻ BHYT điện tử để khám, chữa bệnh.

Trường ĐH Mở Hà Nội đã xây dựng tài khoản thanh toán cá nhân cho từng sinh viên. Việc đóng BHYT được thực hiện thông qua tài khoản này. Theo ông Lương Tuấn Long - Trưởng phòng Công tác chính trị và sinh viên, Trường ĐH Mở Hà Nội, từ khi BHYT HSSV trở thành bảo hiểm bắt buộc, nhà trường đã triển khai các hoạt động hỗ trợ, cũng như bảo đảm quyền lợi cho sinh viên. Thông qua phần mềm ứng dụng, khi sinh viên chuyển khoản, đơn vị trung gian gồm các ngân hàng sẽ chuyển về quỹ BHYT. Toàn bộ thông tin được hệ thống cập nhật trên ứng dụng rất thuận tiện và nhanh gọn.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm học 2021 - 2022, chính sách BHYT đã bao phủ đến 96% HSSV cả nước, với khoảng 18,8 triệu em tham gia. Toàn quốc đã có gần 19 triệu HSSV được bảo đảm và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT theo quy định. Trong đó, nếu không may ốm đau, bệnh tật các em được quỹ BHYT thanh toán.

Ngoài ra, khi tham gia BHYT, nếu HSSV đi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi, quyền lợi được hưởng. Trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, các em được hưởng theo quy định, mức hưởng BHYT: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương; 100% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh và 100% chi phí tại bệnh viện tuyến huyện.

Trước thềm năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 4268/BGDĐT-GDTC về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học. Theo đó, Bộ đề nghị sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện BHYT HSSV. Bảo đảm quyền lợi được chăm sóc sức khỏe ban đầu của các em trong trường học. Qua đó, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ