Nâng cao nhận thức của bà con dân tộc để xóa bỏ hủ tục lạc hậu

GD&TĐ - Ngành Giáo dục Lạng Sơn chú trọng tuyên truyền cho HS, phụ huynh, tác hại của các hủ tục lạc hậu... nhằm thay đổi nhận thức của người dân.

Lạng Sơn là một trong số ít tỉnh đã sớm hoàn thành biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Ảnh Ngô Chuyên.
Lạng Sơn là một trong số ít tỉnh đã sớm hoàn thành biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Ảnh Ngô Chuyên.

Giáo dục để đẩy lùi nạn tảo hôn

Theo chia sẻ của bà Hà Thị Khánh Vân – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, những năm qua Ngành Giáo dục và đào tạo đặc biệt quan tâm công tác giáo dục bình đẳng giới cho học sinh đặc biệt đối với trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số.

Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các nhà trường triển khai các hoạt động phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu, ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông qua các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ.

Quan tâm giáo dục kỹ năng sống; kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên; tăng cường hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học đặc biệt đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên trong việc giáo dục để giảm thiểu tình trạng tảo hôn đối với lứa tuổi học sinh.

Các trường tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương cấp thôn, xã, các đoàn thể xã hội, để nắm bắt tình hình, tuyên truyền vận động gia đình học sinh về tác hại của việc tảo hôn, luật hôn nhân và gia đình... từ đó dần thay đổi nhận thức và các hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong đó có nạn tảo hôn.

Công tác truyền thông luôn được Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn quan tâm, đẩy mạnh với hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực; kết hợp giữa truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp đến các đối tượng, chú trọng và tập trung tuyên truyền tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.

Các hình thức tuyên truyền phổ biến như: tổ chức hội nghị, hội thảo, giáo dục chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ; phối hợp đài truyền hình, báo Lạng Sơn xây dựng chuyên trang, chuyên mục, bài viết, phóng sự.

Cũng nhờ vậy, mà nhiều năm qua các hủ tục đã được đẩy lùi.

Hoàn thành biên soạn tài liệu giáo dục địa phương

Lạng Sơn là một trong số ít tỉnh đã sớm hoàn thành biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Cho đến nay, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt tài liệu lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 và các khối lớp còn lại đang hoàn thiện và chuẩn bị trình Bộ phê duyệt chính thức.

Bà Hà Thị Khánh Vân cho biết, trong tài liệu địa phương của tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm, đề cập đến giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có nhiều nội dung, chủ đề về trang phục dân tộc, lễ hội truyền thống, nghề truyền thống, ẩm thực Xứ Lạng, văn học nghệ thuật địa phương... mang đậm nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Học sinh Trường Tiểu học Đồng Thắng trong một giờ học. Ảnh NC.

Học sinh Trường Tiểu học Đồng Thắng trong một giờ học. Ảnh NC.

Các giờ học giáo dục địa phương được tổ chức đa dạng về hình thức, phương pháp; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thực hành, tham quan, dạy học thực địa, sinh hoạt câu lạc bộ, triển lãm, trình diễn trang phục, văn hóa dân tộc...

Từ đó đã phát huy được phẩm chất, năng lực học sinh; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và góp phần giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của quê hương Xứ Lạng.

Trong những năm qua, ngành Giáo dục Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Tích cực tuyên truyền đến nhân dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn về chính sách ưu tiên của nhà nước đối với học sinh dân tộc thiểu số; Làm thay đổi dần nhận thức của người dân trong việc cho con em học tại trường nội trú.

Ngành đã tham mưu cho tỉnh thực hiện đề án củng cố và phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú. Đến thời điểm này, đã chuyển đổi 10/10 trường trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở các huyện thành trường liên cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia như: giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số... để xây mới các phòng học, phòng chức năng, nhà bán trú, nhà bếp, nhà vệ sinh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ