Nâng cao chất lượng nhà giáo từ mô hình giáo viên cùng học

GD&TĐ - Chất lượng giáo viên có tác động đáng kể đến việc dạy học của họ và việc học tập của học sinh. 

Giáo viên Trường TH Lê Văn Việt, TP Thủ Đức, TPHCM trong giờ dạy. Ảnh: Hồ Phúc
Giáo viên Trường TH Lê Văn Việt, TP Thủ Đức, TPHCM trong giờ dạy. Ảnh: Hồ Phúc

Luật Giáo dục 2019 khẳng định: “Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”. Vì vậy, giáo viên cần được liên tục phát triển chuyên môn, không chỉ là bồi dưỡng tập trung, mà hiệu quả hơn là cùng nhau học tập tại trường.

Vẫn còn hạn chế

Việc phát triển chuyên môn cho giáo viên theo nhiều hình thức và cấp độ khác nhau. Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định giáo viên phổ thông có ba loại hình bồi dưỡng thường xuyên, gồm: Chương trình bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT; chương trình bồi dưỡng của Sở GD&ĐT và tự chọn các mô-đun bồi dưỡng tùy theo nhu cầu của bản thân.

Bồi dưỡng giáo viên, nhất là bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những chuyển biến tích cực. Các trường đại học sư phạm tham gia biên soạn và thực hiện bồi dưỡng 9 mô-đun theo quy định của Bộ GD&ĐT. Hình thức bồi dưỡng trực tiếp hoặc trực tuyến. Trong đó, coi trọng việc tự học, thảo luận và thực hành tại trường của giáo viên; tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán, là lực lượng hạt nhân thúc đẩy hoạt động chuyên môn ở trường.

Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng giáo viên vẫn còn những hạn chế, đó là: Bồi dưỡng tập trung còn nặng về nội dung, kiến thức; hình thức tập huấn chủ yếu là thuyết giảng có thảo luận, làm việc nhóm, nhưng ít có sự liên hệ với việc dạy học thực tế hàng ngày của giáo viên. Các khóa bồi dưỡng thời gian ngắn tại địa điểm tập huấn và không có hỗ trợ giáo viên sau tập huấn.

Mặt khác, hầu hết trường phổ thông chưa hình thành được mô hình: “Cộng đồng học tập chuyên môn” - Mô hình phát triển chuyên môn cho giáo viên đã được triển khai hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, cộng đồng học tập chuyên môn theo mô hình của thế giới mới bắt đầu hình thành ở một số trường học. Năm 2006, nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập – một mô hình phát triển chuyên môn cho giáo viên xuất phát từ Nhật Bản đã được giới thiệu ở một số trường học ở Bắc Giang và một số tỉnh khác.

Mô hình này được các trường tiểu học triển khai theo Công văn số 1315/BGDĐT-GDTH về việc Hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện chương trình giáo dục cấp tiểu học của Bộ GD&ĐT. Mục tiêu mô hình này là tạo ra cộng đồng học tập có ý nghĩa đối với giáo viên, cải thiện việc giảng dạy, nhấn mạnh việc học của học sinh; nhà trường đứng ra tổ chức theo quy mô tổ, khối hay toàn trường.

Ở cấp THCS và THPT, sinh hoạt tổ chuyên môn vẫn theo truyền thống, mang tính chất hành chính, như phổ biến thông tin, phân công nhiệm vụ, thao giảng, dự giờ, bình bầu xếp loại thi đua... Việc dự giờ của giáo viên chú trọng quan sát đến kiến thức, kỹ năng của giáo viên đứng lớp hơn là suy ngẫm về việc học của học sinh.

Giáo viên Trường Mầm non xã Mường Than (huyện Than Uyên, Lai Châu) tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn.

Giáo viên Trường Mầm non xã Mường Than (huyện Than Uyên, Lai Châu) tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn.

Nghiên cứu cộng đồng học tập

Mới đây, cô Hoàng Lan Anh, Trường THPT chuyên Bắc Giang và cô Khổng Thị Diễm Hằng, giảng viên Đại học Queensland (Australia) cùng nghiên cứu mô hình Giáo viên cùng học, do một nhóm giáo viên nhiều môn cùng khởi xướng từ năm 2019 tại Trường THPT chuyên Bắc Giang. Kết quả nghiên cứu được công bố trong cuốn sách “Giáo dục phổ thông Việt Nam chuyển biến và sáng tạo”, do NXB Dân Trí xuất bản năm 2021.

Đội ngũ Trường THPT chuyên Bắc Giang có 103 người (76 giáo viên nữ), được chọn từ giáo viên giỏi của các trường và sinh viên sư phạm tốt nghiệp khá, giỏi; 50% giáo viên có trình độ thạc sĩ. Hoạt động nâng cao chuyên môn của giáo viên có nhiều cấp độ khác nhau. Ở cấp độ rộng, giáo viên tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, tham gia tập huấn chuyên đề theo hướng dẫn của Bộ và Sở GD&ĐT.

Ở cấp độ trường, phát triển chuyên môn của giáo viên bằng cách tạo điều kiện cho giáo viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ; phân công 2 giáo viên cùng dạy môn chuyên trong một lớp; triển khai nghiên cứu khoa học; dự giờ và đánh giá giờ dạy của giáo viên, nhưng không có học tập nâng cao kiến thức nền. Với cá nhân, nhiều giáo viên có ý thức tự học, tự nghiên cứu, nhưng tự phát, đơn lẻ.

Giáo viên Trường Mầm non xã Mường Than (huyện Than Uyên, Lai Châu) tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn.

Giáo viên Trường Mầm non xã Mường Than (huyện Than Uyên, Lai Châu) tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn.

Kết quả nghiên cứu trên cho thấy:

Về hoạt động của mô hình giáo viên cùng học: Có hai hoạt động chính song song: Hoạt động dự giờ đồng nghiệp, suy ngẫm, thảo luận về bài học để phát triển nghiệp vụ sư phạm (thiết kế bài học, dạy học – dự giờ, suy ngẫm, thảo luận sau giờ dạy) và hoạt động học tập nâng cao kiến thức văn hóa nền tảng (xem phim, nghe nhạc, ngắm tranh, chia sẻ học liệu, học hỏi chuyên gia, trải nghiệm thực tiễn, đọc sách và tranh luận).

Về động lực đề xuất và tham gia của giáo viên: Có 3 động lực chính, đó là: Nhu cầu học tập để vượt ngưỡng bản thân, học hỏi kinh nghiệm hay của đồng nghiệp và muốn xây dựng môi trường làm việc, học tập công bằng, dân chủ. Còn đối với giáo viên tham gia có 2 động lực là khao khát học hỏi, học tập và làm việc theo tinh thần đổi mới.

Về ảnh hưởng của mô hình giáo viên cùng học đối với giáo viên: Có 3 ảnh hưởng là mở rộng và ứng dụng kiến thức, phương pháp vào đổi mới dạy học; nâng cao hiểu biết về cuộc sống và công việc; có kết quả tích cực trong mối quan hệ, hợp tác với đồng nghiệp.

Về khả năng tồn tại và phát triển mô hình giáo viên cùng học: Mô hình này có điều kiện thuận lợi là được nhà trường ủng hộ và đề xuất nâng mô hình lên thành mô hình cấp ngành của tỉnh. Mô hình nhận được sự tích cực chia sẻ, tinh thần cởi mở và ham học của giáo viên. Về khó khăn, do đây không phải mô hình chính thức nên chưa được trường bố trí thời gian và kinh phí. Kinh phí hoạt động do các thành viên đóng góp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cần có chính sách khuyến khích

Mô hình giáo viên cùng học có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Vì thế, Bộ và Sở GD&ĐT cần có chính sách khuyến khích và hướng dẫn hoạt động mô hình giáo viên cùng học đối với cấp THCS và THPT như đối với cấp tiểu học; thành lập các mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin trực tuyến giữa các cộng đồng học tập của các trường trong tỉnh, trong cả nước; tổ chức các hội thảo thường niên nhằm chia sẻ những bài học có ý nghĩa từ các cộng đồng này.

Từng trường, ủng hộ và tạo điều kiện hình thành, tổ chức hoạt động có hiệu quả của cộng đồng học tập chuyên môn của giáo viên trong trường. Giáo viên cần mạnh dạn đưa ra ý tưởng sáng tạo cùng nhau học tập chuyên môn và thử nghiệm, trao đổi, lắng nghe, chia sẻ. Tập trung hoạt động liên quan trực tiếp đến dạy học, đặc biệt đối với giáo viên khi dạy các môn tích hợp hoặc giảng dạy về Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp không thuộc chuyên môn của mình.

Ở nhiều nước trên thế giới, việc phát triển chuyên môn của giáo viên đã chuyển từ chú trọng đến kiến thức và kỹ năng sang một mô hình mới: Cộng đồng học tập chuyên môn (professional learning community). Đó là một nhóm giáo viên chuyên nghiệp được kết nối và tận tâm, tạo ra sự thay đổi trong phạm vi trường học của họ và các trường khác, mà sự thay đổi này đem lại lợi ích trực tiếp cho học sinh. Đặc điểm của cộng đồng học tập bao gồm: Phát triển các giá trị, chuẩn mực chung; nhấn mạnh vào việc học của học sinh; đối thoại mang tính suy ngẫm; công khai việc dạy học; coi trọng sự hợp tác và tính đồng nghiệp của giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ