Hiến kế giải bài toán nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo

GD&TĐ - Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đề xuất, cần quan tâm chăm lo nhiều hơn nữa cho GD-ĐT của nước nhà; trong đó có đội ngũ giáo viên.

Một lớp học của Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang). Ảnh minh hoạ, chụp ở thời điểm chưa có dịch Covid-19. NTCC
Một lớp học của Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang). Ảnh minh hoạ, chụp ở thời điểm chưa có dịch Covid-19. NTCC

Trước mắt, cần giải quyết bài toán nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, góp phần nâng cao vị thế nhà giáo trong xã hội.

Yếu tố then chốt làm nên thành công của giáo dục

Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, nhà giáo phải là nhà sư phạm mẫu mực trên các phương diện như đi đầu trong việc học tập suốt đời.

Hơn ai hết, nhà giáo phải biết học tập một cách sáng tạo, biết tìm đến các phương pháp tự học hiệu quả nhất, biết gợi ý cho người học tự học, tự tìm tòi, tự giáo dục. Chúng ta đã dành cho giáo dục 20% ngân sách quốc gia, nhưng thực tế còn cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa để giúp các nhà giáo đưa giáo dục tới tất cả mọi người.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) đề nghị cần dành nguồn đầu tư công thoả đáng đối với đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi được đầu tư, cải thiện điều kiện dạy - học, các cơ sở đào tạo sẽ chuẩn bị nguồn nhân lực và lực lượng sản xuất trong xu thế phát triển mới.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất: Phải có những nhà giáo giỏi nhất, tâm huyết nhất. Điều này không mới, và ai cũng biết, nhưng chúng ta vẫn lúng túng. Giáo viên là một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công của giáo dục.

Phần Lan là một minh chứng; Singapore duy trì quản lý tập trung hệ thống đào tạo giáo viên; Đài Loan cũng có cách tương tự, họ chọn trong số 30% học sinh xuất sắc để xét đào tạo sư phạm trên cơ sở nhu cầu của ngành giáo dục; sau khi tốt nghiệp sẽ phân bổ đến các trường.

Trước đây chúng ta có chính sách miễn học phí, gần đây chúng ta có Nghị định số 116/2020/NĐ-CP; Bộ GD&ĐT cũng đã có những dự báo khá cơ bản về nhu cầu và có những hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Hiện nay, một trong các việc quan trọng cần làm đó là, sự phối hợp của UBND các tỉnh. Các UBND tỉnh cần công khai nhu cầu tuyển dụng, thiếu thông tin này người học sẽ băn khoăn.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP thể hiện một chính sách kịp thời và tiến bộ, nhưng đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ phải là vị trí việc làm và chế độ chính sách, môi trường, cách thức làm việc để họ phát huy hết năng lực của nhà giáo. Điều kiện đủ phải bắt đầu từ UBND các tỉnh, từ Bộ Nội vụ.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh chụp tại thời điểm chưa có dịch Covid-19 - NTCC.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh chụp tại thời điểm chưa có dịch Covid-19 - NTCC.

Mạnh dạn đầu tư cho giáo viên để thu hút người giỏi

Nhấn mạnh đừng “khuôn mẫu hóa”, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, cần có cơ chế chính sách và môi trường tốt để nhà giáo phát huy hết năng lực, tâm huyết với thiên chức cao quý của họ.

“Trước hết, tôi muốn nói đến cách thức quản lý trường học. Trong thực tế, không ít cơ sở giáo dục đã hành chính hóa trong điều hành công tác giáo dục, công tác dạy và học.

Nội dung chương trình phải chuẩn, người dạy phải đáp ứng những yêu cầu đó, nhưng mỗi người có một cách dạy khác nhau phù hợp với các đối tượng khác nhau; có không ít nơi “khuôn mẫu hóa” khiến tâm lý tuân thủ đặt cao hơn sự sáng tạo.

Chúng ta nhớ rằng, những gì diễn ra trong trường học hôm nay chính là hiện thân của xã hội trong tương lai. Muốn học sinh sau này sáng tạo thì người thầy phải sáng tạo trước” - GS.TS Nguyễn Văn Minh trao đổi.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, việc lựa chọn đầu tư trong bối cảnh đất nước còn nghèo, đó là đầu tư cho giáo dục, trong đó có nhà giáo, vì muốn phát triển phải đầu tư để có nguồn nhân lực tốt.

Lao động nào cũng đáng quý, khi nó là chân chính. Nhưng nếu cứ đánh đồng lao động của một nhà hoạch định chính sách, một nhà nghiên cứu, một nhà giáo theo cách tính cơ học thì nên tư duy lại. Đây là cơ sở căn cốt nhất để đưa ra chính sách tiền lương, chế độ cho họ.

Nghị quyết 29 cũng nêu: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Nếu chỉ đạo này được hiện thực hóa thì chắc chắn sự nghiệp giáo dục sẽ có những bước chuyển quan trọng. Chính phủ đã dành nhiều nguồn để kiên cố hóa trường học, dành cho trang thiết bị, nhưng nếu mạnh dạn đầu tư cho thầy cô để những người giỏi vào nghề, tâm huyết và yên tâm công tác thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ khác hẳn.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Đề cập đến bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: Trong 5 năm qua, một bằng chứng rất rõ là từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, mặt bằng chung của các tỉnh miền núi, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên vẫn cho chúng ta những trăn trở.

Ngoài việc Nhà nước ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, đến lúc cần đầu tư nhân lực. Một số tỉnh miền núi phía Bắc thiếu nguồn giáo viên tin học, ngoại ngữ trầm trọng.

Trước đây, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc phân công công tác giáo viên và đã có nhiều tác động tích cực về phát triển giáo dục miền núi, vùng khó khăn. Nghiên cứu để có chính sách cho vấn đề này là rất cần thiết, nhằm từng bước phát triển giáo dục các vùng này và chỉ có thế mới có thể tạo ra sự tiếp cận bình đẳng trong giáo dục.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, cần sớm triển khai quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm. Theo đó, quy hoạch nhằm mục đích ổn định, phát triển và tạo ra đột phá; Quy hoạch phải dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước; Quy hoạch cần xem xét đến yếu tố địa lý, kinh tế - xã hội của từng vùng, miền trong mối tương quan với các cơ sở trọng điểm; Giải quyết vấn đề quy hoạch cần phải tính đến các đặc điểm bối cảnh hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.