Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý

GD&TĐ - Các ý kiến đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục giai đoạn 2017 – 2025 và những năm tiếp theo - tại Hội nghị diễn ra sáng 15/12.

TS Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì hội nghị. Ảnh: Khôi Nguyên.
TS Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì hội nghị. Ảnh: Khôi Nguyên.

Các giải pháp đối với cán bộ quản lý

Sáng 15/12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trì cuộc họp của Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và quản lý (NG và CBQL) cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục giai đoạn 2017 – 2025 và những năm tiếp theo. Tham gia hội nghị có các thành viên trong hội đồng và đại diện một số vụ, cục, cơ quan liên quan.

GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu nêu bật tính cấp thiết của đề tài. Chỉ thị số 40/CT-TW nêu, cần xây dựng đội ngũ NG và CBQL giáo dục được chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Đặc biệt, chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm của nhà giáo, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, chủ nhiệm đề tài phát biểu. Ảnh: Khôi Nguyên.
GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, chủ nhiệm đề tài phát biểu. Ảnh: Khôi Nguyên.

Nghị quyết số 29/NQ-TW chỉ rõ, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ NG và CBQL gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Quan điểm chỉ đạo về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục gắn với phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cũng được thể hiện rõ trong Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Cũng theo GS Phạm Quang Trung, tổng số mẫu khảo sát gồm 2.600 người bao gồm CBQL các cấp học và giáo viên. Địa bàn khảo sát gồm 6 tỉnh/thành: Hà Nội, Lào Cai, Hà Nam, Nghệ An, Cần Thơ và Đắk Lắk.

Trình bày báo cáo kết quả đề tài nhánh về nghiên cứu đội ngũ CBQL các cơ sở giáo dục, PGS.TS Trần Hữu Hoan đưa ra bản mô tả 9 công việc cơ bản của hiệu trưởng cơ sở giáo dục. Cụ thể: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển nhà trường; quản lý hành chính; phát triển đội ngũ CBGVNV của trường; quản lý các hoạt động giáo dục, dạy học; quản lý học sinh; thanh tra, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý tài chính, tài sản; thực hiện xã hội hóa giáo dục phối hợp với địa phương trong giáo dục học sinh; học tập bồi dưỡng để phát triển bản thân.

Tham dự hội nghị có thành viên hội đồng, đại diện một số vụ, cục, cơ quan liên quan. Ảnh: Khôi Nguyên.
Tham dự hội nghị có thành viên hội đồng, đại diện một số vụ, cục, cơ quan liên quan. Ảnh: Khôi Nguyên.

Nhóm nghiên cứu đề xuất 4 nhóm giải pháp gồm: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo, bồi dưỡng CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tổ chức thực hiện, đào tạo bồi dưỡng CBQL gắn với cơ sở giáo dục theo định hướng thực hành thiết thực, hiệu quả; phát triển chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng CBQL; điều kiện đảm bảo chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất, tài chính của các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở tổ chức đào tạo.

Cần thực sự tạo động lực cho nhà giáo

Cũng tại hội nghị, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng đưa ra 5 yếu tố quyết định đến chất lượng đội ngũ nhà giáo. Trong đó có chính sách tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; phẩm chất đạo đức của nhà giáo; chế độ chính sách về tiền lương, phụ cấp; môi trường sư phạm, văn hóa học đường; chất lượng đào tạo của trường sư phạm.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng báo cáo về phần giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Ảnh: Khôi Nguyên.
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng báo cáo về phần giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Ảnh: Khôi Nguyên.

Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất một số nhóm giải pháp như quy hoạch lại mạng lưới đào tạo các trường đào tạo ngành sư phạm. Trong đó, nâng cao năng lực dự báo và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; tăng cường liên kết phối hợp đào tạo. Tổ chức thực hiện đào tạo giáo viên gắn với trường phổ thông theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tăng cường tổ chức và thực hiện có hiệu quả hoạt động thực tập sư phạm của sinh viên các trường sư phạm tại các trường phổ thông, mầm non.

Hoàn thiện chương trình đào tạo, tài liệu, sách giáo khoa củ các trường/khoa sư phạm theo chương trình Giáo dục phổ thông mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giai đoạn 2017 – 2025 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương. Tuyển chọn, sàng lọc, khen thưởng, tôn vinh và thăng tiến sự nghiệp với nhà giáo.

Tăng cường cơ sở vật chất và đầu tư tài chính để phát triển hệ thống các trường/khoa đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Trang bị đầy đủ và sử dụng hiệu quả các phương tiện công nghệ thông tin, hệ thống mạng máy tính phục vụ hoạt động dạy học của giáo viên.

Sau khi nghe các báo cáo, các đại biểu tham dự hội nghị đã ghi nhận sự cố gắng của nhóm nghiên cứu khi đã tập hợp và tham khảo nhiều nguồn tư liệu, bất chấp ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đề tài cần tập trung làm rõ hơn nữa các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhất là giáo viên phổ thông.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, một trong các giải pháp là tìm ra động lực và khát vọng cống hiến đối với giáo viên. Phần động lực trong bản báo cáo hiện tại vẫn đang có phần “chênh vênh”, trong khi đây là nội dung quan trọng không thể bỏ qua.

GS.TS Phạm Quang Trung, chủ nhiệm đề tài bày tỏ sự cảm ơn trước những góp ý của các đại biểu. Ông cho biết, nhóm nghiên cứu sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị để tiếp tục bổ sung số liệu, hoàn thiện một số nội dung của đề tài. Trong đó, sẽ điều chỉnh một số thuật ngữ tránh bị trùng lặp cũng như kết cấu của đề tài. Làm sao để các chương có sự logic, nhất là phần của CBQL với phần của đội ngũ nhà giáo phải có sự gắn kết hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ