Nam sinh xứ Nghệ một mình chống chọi với Covid-19

GD&TĐ - Vũ Anh Tuấn nhận tin mình trở thành F0 trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát đỉnh điểm ở Bình Dương.

Trở thành F0 và mắc kẹt trong miền Nam, nhưng Tuấn vẫn dũng cảm vượt qua dịch bệnh.
Trở thành F0 và mắc kẹt trong miền Nam, nhưng Tuấn vẫn dũng cảm vượt qua dịch bệnh.

Bệnh viện quá tải, cậu học trò 17 tuổi được cho thuốc về tự điều trị, theo dõi bệnh. Nam sinh xứ Nghệ vào miền Nam làm thuê, mong kiếm chút tiền trang trải học tập năm cuối cấp, lại trở thành bệnh nhân và mắc kẹt trong dãy trọ trống trơn. 

Trong túi còn vẻn vẹn hơn 200 nghìn, với thùng mì tôm và những ngày một mình chống chọi với sốt, mệt, khó thở... đến mức bật khóc. Tiếp sức cho Tuấn trong ngày tháng ấy, chính là tình cảm của người thân ngoài quê, của thầy cô, bạn bè... bằng mọi cách gửi vào gian trọ vắng nơi miền Nam xa xôi.

Thành F0 và mắc kẹt ở miền Nam

“Khi bác sĩ báo tin em thành F0 rồi, nhưng không được nhập viện vì bệnh viện quá tải, em sợ lắm, hốt hoảng. Dãy trọ nơi em ở được nhân viên y tế đến phun khử khuẩn, em được cho thuốc về tự điều trị. Lúc ấy, mẹ em đã bị cách ly ở nơi khác. Khu trọ không còn ai, mọi người đã bỏ về quê hết từ trước. Chỉ còn em ở phòng trọ cuối, 1 anh khác cũng người Nghệ An ở phòng trọ đầu, cũng đều là F0 ở lại”, Vũ Anh Tuấn nhớ lại thời điểm mình được xác nhận là bệnh nhân Covid.

Tuấn nhà ở xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, học sinh Trường THPT Cờ Đỏ. Hè vừa rồi, em quyết định vào Bình Dương làm thuê kiếm tiền. Sắp vào lớp 12, có nhiều khoản chi phí học tập, mà hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông bà già yếu.

Ở Bình Dương, có mẹ của Tuấn đã vào làm thuê từ rất lâu rồi, khi Tuấn mới chỉ là đứa trẻ chưa đầy 1 tuổi. Nhưng những năm tháng làm thuê vất vả, cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống của chị nơi đất khách quê người. Nhìn số tiền dành dụm ít ỏi người mẹ không dám trở về thăm quê, mà đi biền biệt. Cậu học trò 17 tuổi muốn vào Bình Dương làm thuê, cũng để được ở cùng mẹ trong khoảng thời gian ít ỏi cho thỏa nhớ mong.

Tuấn ở cùng mẹ trong gian nhà trọ nhỏ tại Ấp 3, Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Em được nhận vào làm thuê trong một xưởng gỗ, còn mẹ làm công nhân cho một công ty gần đó. Nhưng chỉ được gần 2 tháng, dịch

Covid-19 bắt đầu bùng phát. Bình Dương trở thành điểm nóng, có thời điểm hàng nghìn ca dương tính được phát hiện mỗi ngày. Xưởng gỗ nơi Tuấn làm thuê cũng đóng cửa. Những người trong xóm trọ của Tuấn lần lượt khăn gói, xếp đồ rồi tìm cách hồi hương, ngược ra Bắc. Công ty may nơi mẹ Tuấn thực hiện “3 tại chỗ”, công nhân muốn làm việc phải ăn ở hoàn toàn trong xưởng. Vậy là còn mình Tuấn ở lại trong khu trọ vắng người.

Em muốn đợi dịch bệnh lắng xuống, biết đâu xưởng gỗ mở cửa lại, kiếm thêm chút tiền rồi em về đi học. Nhưng không ngờ tình hình dịch bệnh phức tạp, chờ đến tận khai giảng năm học mới 2021 - 2022, cậu học trò xứ Nghệ vẫn bị mắc kẹt lại trong miền Nam. Gọi điện về cho thầy cô, biết được nhà trường dạy trực tuyến, Tuấn đi sửa chiếc điện thoại cũ để đi học.

“Đó cũng là lần duy nhất em ra khỏi nhà trọ trong thời gian Bình Dương thực hiện Chỉ thị 16. Sau một thời gian, em cảm thấy sốt, đau đầu, hơi lo lắng nên đi xét nghiệm. Không ngờ, mình đã nhiễm bệnh. Lúc đó, trong người em chỉ còn hơn 200 nghìn, và đã ăn mì tôm hơn 1 tuần rồi”, Tuấn kể.

Vũ Anh Tuấn và các bạn tập thể lớp 12C5.
Vũ Anh Tuấn và các bạn tập thể lớp 12C5. 

Tự mình chống chọi với Covid

Được đưa trở về khu trọ đã được phong tỏa, cậu học trò vừa tự theo dõi sức khỏe bản thân, uống thuốc theo chỉ dẫn bác sĩ, vừa lo xoay xở ăn uống khi số tiền làm thêm kiếm được đã cạn kiệt. Trong phòng trọ lúc ấy, chỉ còn 1 thùng mì tôm, người quen của mẹ gửi ở điểm chốt cho Tuấn 2 lon cá hộp. Rau củ quả khan hiếm, đắt đỏ, đã suốt mấy tuần liền em không dám mua.

Nam sinh nhớ lại những ngày “không thể quên”: “Dãy trọ trong đó chỉ có em ở phòng cuối, và 1 anh cùng quê Nghệ An ở phòng đầu và cũng là F0. Trước đó 2 anh em có ngó ra cửa nói chuyện với nhau, nhưng từ khi mắc dịch bệnh, mệt quá chỉ ở trong phòng. Sau mấy hôm, em bắt đầu thấy ho nhiều, có hôm sốt cao, lúc lại khó thở. Đến mức không muốn dậy ăn uống gì nữa. Em cũng không dám đọc tin tức trên mạng Internet về dịch bệnh ở Bình Dương, vì thấy sợ...”.

Mẹ vẫn phải cách ly, thực hiện 3 tại chỗ tại công ty. Người nhà, thầy cô, bạn bè đều ở Nghệ An. Lúc ấy, chiếc điện thoại di động là kết nối duy nhất của Vũ Anh Tuấn với những người thân quen.

Cô Trần Thị Hậu - giáo viên chủ nhiệm của Tuấn kể: “Tối hôm 23/9, khi ấy cũng đã muộn, tôi thấy Tuấn gọi điện, ngập ngừng báo “Cô ơi em dương tính, mắc Covid rồi”. Tuấn là người hoạt bát, năng động, hay nói. Nhưng trong hoàn cảnh đó, một mình mang trong mình virus nguy hiểm, không có ai ở bên chăm sóc, một mình tự chống chọi với dịch bệnh, em cũng hoang mang, sợ mà không dám nói. Có đêm nghe cô gọi vào mà khóc trong điện thoại, nói em chỉ muốn được về đi học”.

Cô Hậu cũng chia sẻ, nghe tin học trò thành F0, cô ruột gan như lửa đốt, nhưng vẫn cố trấn an Tuấn, rồi hỏi em trong đó ăn uống thế nào. Lúc ấy, Tuấn mới kể cả tuần nay ăn mì tôm, và không dám mua thêm gì vì không có tiền. Ngày hôm sau, cô lên lớp, thông báo với Ban giám hiệu Trường THPT Cờ Đỏ.

Nhà trường ngay lập tức phát động kêu gọi trong học sinh, giáo viên ủng hộ tiền gửi cho Tuấn trong miền Nam. Chỉ mấy ngày, số tiền quyên góp đã được hơn 17 triệu đồng. Tuấn không thể ra ngoài, nên cô giáo chủ nhiệm đã nhờ chuyển tiền vào số tài khoản của một cán bộ trực chốt ngoài dãy trọ, và nhờ mua thực phẩm cho em.

“Khi đó, em đã có thêm rau, thịt để nấu cơm và cả hoa quả, sữa. Em cũng cố gắng nấu ăn đúng bữa, uống nhiều nước ấm. Cô nói phải ăn uống đầy đủ mới có sức đề kháng chống lại dịch bệnh”, nam sinh cho hay. Đến ngày thứ 7, Tuấn thấy người đổ nhiều mồ hôi, khỏe dần lên. Em cũng bắt đầu vào lớp học trực tuyến trở lại. Các bạn thấy nick Tuấn sáng lên, đồng loạt động viên: “Có khỏe không?”, “Cảm giác thế nào?”, “Cố gắng lên nha!”. Ngày thứ 13, Tuấn xét nghiệm lại, cho kết quả âm tính lần đầu tiên. Em gọi ngay về báo với bà ngoại, rồi phấn khởi gọi cho cô chủ nhiệm: “Cô ơi em hết bị F0 rồi”!

Chưa bao giờ thấy mừng như về đến quê

Sau 4 lần xét nghiệm âm tính, Vũ Anh Tuấn được công bố khỏi bệnh. Lúc này, mẹ em vẫn “3 tại chỗ”, chưa ra khỏi công ty. Nhưng lúc này bằng mọi cách em phải về trở về. Cậu học trò lên Facebook, liên lạc với hội đồng hương Nghệ An tại Bình Dương và được ghép vào chuyến xe 7 chỗ.

Ngày 7/10, Tuấn lên xe rời miền Nam, rời dãy trọ với những ngày một mình chống chọi với Covid-19, và vẫn chưa được gặp lại mẹ. “Trên xe có 5 người, ngoài lái xe thì còn lại đều là F0 đã khỏi bệnh. Mọi người mua bánh mỳ, nước uống lên xe, rồi chạy thẳng về Nghệ An, không dám dừng lại dọc đường nữa cho an toàn.

Sau hơn 3 ngày trên xe, nhìn thấy dòng chữ “cầu Bến Thủy”, TP Vinh em cảm giác như được sống rồi. Chưa bao giờ em thấy mừng khi về đến Nghệ An như vậy”, Tuấn nói. Vũ Anh Tuấn tiếp tục được cách ly tập trung tại huyện Nghĩa Đàn thêm 14 ngày nữa. Nhưng lúc này, em đã trút hết mọi lo lắng, bất an.

Ông bà, cậu mợ cũng từ nhà chạy xe hơn 20km đến khu cách ly để gửi đồ ăn vào cho cháu. “Ai cũng đến thăm em, dù không được vào khu cách ly. Thời gian đó, trường em đã học trực tiếp rồi, vậy là các thầy cô gửi em học trực tuyến với Trường THPT Quỳnh Lưu 2 (huyện Quỳnh Lưu), sau đó là Trường THPT Cửa Lò (thị xã Cửa Lò) vì nơi đây đang dạy học trực tuyến. Ai cũng đỡ em cả!”, nam sinh khoe.

Ngày 29/10, Vũ Anh Tuấn chính thức đi học trở lại. Cả lớp 12C5 Trường THPT Cờ Đỏ ồ lên, tất cả ùa ra chào đón cậu bạn chiến thắng Covid trở về. Nhưng việc đầu tiên em làm sau khi quay lại trường, là lên gặp thầy Hiệu trưởng, và xin trả số tiền còn lại mà thầy cô, các bạn ủng hộ. Nam sinh trình bày: Số tiền mà thầy cô và các bạn đã ủng hộ, giúp đỡ em, em chưa tiêu hết và em cũng đã khỏe hơn rồi thầy ạ! Em xin phép được gửi lại nhà trường, để nhà trường tặng cho các bạn khác có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Thầy Chu Thống Nhất – Hiệu trưởng Trường THPT Cờ Đỏ (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) cho biết: “Khi em Tuấn lên trả lại tiền mọi người hỗ trợ, tôi rất bất ngờ. Tôi động viên em, các bạn và thầy cô đã tặng em rồi, nên cứ yên tâm để lại mà lo cho sức khỏe và mua sắm đồ dùng học tập. Nhưng Tuấn vẫn không chịu và nhất quyết trả lại số tiền con thừa. Trước tình thế đó, tôi nói với em, chuẩn bị đến Tết Nguyên Đán rồi, nhà trường sẽ kêu gọi mọi người ủng hộ các bạn học sinh nghèo ăn Tết. Lúc đó, nếu em vẫn còn tiền thì em hãy góp thêm vào cho các bạn. Lúc ấy, Tuấn mới yên tâm ra về”.

Cũng theo lãnh đạo Trường THPT Cờ Đỏ, thời điểm này, trường đang quay lại dạy học trực tuyến do có hơn 70 giáo viên và học sinh là F1, F2. Sau khi ổn định dạy học, nhà trường sẽ giao cho giáo viên bộ môn khảo sát lại kiến thức, phụ đạo, hỗ trợ những em bị mắc kẹt trong vùng dịch trở về.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ