Nam sinh xứ Nghệ giành 2 huy chương bạc Olympic Vật lý: Thích ứng ở mọi điều kiện học tập

GD&TĐ - Bùi Thanh Tân trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) với mức điểm “suýt soát”. Nhưng trong 3 năm học, cậu học trò thông minh, hiền lành, chăm chỉ đã nỗ lực không ngừng mỗi ngày.

Bùi Thanh Tân (nguyên HS Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) giành 2 HCB Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế năm 2021.
Bùi Thanh Tân (nguyên HS Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) giành 2 HCB Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế năm 2021.

Sự cầu thị, say mê học tập ở mọi điều kiện đã đem về cho Tân 2 giải HSG quốc gia và 2 tấm HCB Olympic Vật lý châu Á – Thái Bình Dương và quốc tế.

Bứt phá của nam sinh đỗ suýt soát vào chuyên Vật lý

Bùi Thanh Tân cho biết, xuất phát điểm của mình khi vào học Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nằm ở tốp sau của lớp. Thậm chí điểm vào lớp 10 chuyên Vật lý chỉ nằm ở mức suýt soát, vừa đủ trúng tuyển. Nhưng như bao học trò chuyên khác, nam sinh đến từ thị xã Cửa Lò vẫn nuôi ước mơ vào đội tuyển quốc gia. Đó cũng là động lực để em cố gắng hơn, từng bước vượt giới hạn bản thân.

Kết quả của sự nỗ lực âm thầm, cầu thị, chăm chỉ đã giúp Bùi Thanh Tân lọt vào đội tuyển dự thi HSG quốc gia lớp 11, 12 và giành giải Nhất, Nhì môn Vật lý. Thành tích này cũng giúp Tân lọt vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Vật lý khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, khó khăn khác đến với nam sinh xứ Nghệ và các thành viên khác trong đội tuyển là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc tổ chức kỳ thi cần phải cân nhắc. “Năm lớp 12, em và các bạn rất hồi hộp mỗi khi ban tổ chức đưa ra 1 quyết định, bởi đây đã là cơ hội cuối cùng rồi. Năm học trước, Vật lý là môn thi duy nhất bị hoãn còn lại thì các môn học khác vẫn được thi theo hình thức trực tuyến”, Tân nói.

Bùi Thanh Tân (ngoài cùng bên phải) và các bạn trong đội tuyển quốc gia thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2021.
Bùi Thanh Tân (ngoài cùng bên phải) và các bạn trong đội tuyển quốc gia thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2021.

Nhưng đến năm 2021, Kỳ thi Olympic Vật lí Quốc tế đã được tổ chức do Lithuania đăng cai tổ chức trực tuyến cho 76 đoàn từ các nước và các vùng lãnh thổ với 368 thí sinh.

Với hình thức tổ chức trực tuyến, các bạn trong đội tuyển được làm quen, rèn luyện để có trải nghiệm với một kỳ thi khác truyền thống. “Đáng giá nhất là quá trình ôn thi, chúng em được học nhiều giáo sư, tiến sỹ đầu ngành và có nhiều năm ôn thi đội tuyển Olympic hướng dẫn. Nhất là các bài thực hành cho em nhiều kiến thức, kỹ năng vì có rất nhiều kiến thức chưa được học ở trường THPT, dù rất khó khăn. Để khắc phục chỉ có chăm chỉ hơn nữa, những kiến thức chưa hiểu em sẽ hỏi lại thầy cô, bạn bè”, Tân nhớ lại.

Do kỳ thi được tổ chức trực tuyến, sự liên hệ giữa Ban tổ chức và các đoàn trong quá trình chuẩn và diễn ra kỳ thi, họp Hội đồng quốc tế, biểu quyết kết quả... đều được thực hiện qua Zoom. Việc dịch đề, in đề, chuyển bài làm của học sinh về Ban giám khảo của Ban triển khai qua ứng dụng Oly-Exams. Bài thi thực hành được Ban tổ chức gửi qua đường bưu điện đến trực tiếp ban giám sát đại diện cho Ban tổ chức, thiết bị thi thực hành chỉ được mở dấu niêm phong khi được ban tổ chức giám sát trực tiếp qua camera.

Bùi Thanh Tân tập thi thử trực tuyến phần thực hành Vật lý
Bùi Thanh Tân tập thi thử trực tuyến phần thực hành Vật lý 

Vượt qua bài thi với giám sát của camera cùng các hoạt động giao lưu giữa các thí sinh diễn ra trực tuyến, Bùi Thanh Tân đã lần lượt giành 2 HCB Olympic Vật lý khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và quốc tế.

Với 2 tấm Huy chương Bạc, Bùi Thanh Tân chia sẻ, nếu được làm lại, có thể em sẽ làm tốt ở cả hai phần thi lý thuyết và thực hành. Nhưng tại thời điểm thi, em đã nỗ lực hết mình vì bản thân, vì nhà trường và vì gia đình, vì đất nước nên không thấy tiếc nuối.

Trải nghiệm ngày trở về trong khu cách ly

Trong 4 tháng tập trung ở Hà Nội vì điều kiện dịch bệnh, Tân và các bạn hầu như ở yên một chỗ tại Ký túc xá Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng nam sinh cho hay từ năm lớp 10 em đã xa gia đình, sống ở Ký túc xá của trường nên thích ứng nhanh với môi trường học tập mới.

Không chỉ có 1 kỳ thi đặc biệt, mà chưa năm nào, những chủ nhân huy chương Olympic lại dự lễ trao giải bằng hình thức trực tuyến cả ở quốc tế, khu vực lẫn “giãn cách” ngay tại Việt Nam.

“Lễ trao giải trong nước bị hoãn, thi xong thì em từ Hà Nội trở về Nghệ An, và thực hiện cách ly xã hội theo quy định như những người trở về từ vùng chỉ thị 16. Em có 14 ngày tự cách ly tại nhà một người quen phường Nghi Tân – thị xã Cửa Lò vì cả gia đình họ đi vắng. Đó là quãng thời gian em sống một mình, tự ăn uống, tự sinh hoạt và làm quen với cuộc sống gần như cô độc”, Bùi Thanh Tân kể.

Bùi Thanh Tân là cậu học trò thông minh, chăm chỉ, cầu thị và say mê Vật lý
Bùi Thanh Tân là cậu học trò thông minh, chăm chỉ, cầu thị và say mê Vật lý

Dù không có ai bên cạnh, nhưng em thấy thân thuộc hơn rất nhiều vì em đã được về quê nhà sau 4 tháng miệt mài ôn và tập huấn đội tuyển ở Hà Nội – cũng trong điều kiện giãn cách, hạn chế ra ngoài. Em cũng coi đây là thời gian phép mình thả lỏng, nghỉ ngơi ngủ nhiều hơn và đọc sách, trò chuyện với bạn bè.

“Ba năm học ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thực sự thời gian em được học cùng các bạn không nhiều, đặc biệt là sau khi đã được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia. Thời gian của em dường như chủ yếu giành cho môn Vật lý. Điều tiếc nhất có lẽ là những tháng cuối cùng của lớp 12, em không được cùng thầy cô, bạn bè có buổi học cuối cùng với nhau, không bế giảng, và chụp ảnh kỷ yếu. Đây cũng là năm cuối cấp đặc biệt vì em không được chia tay ai cả. Và thời gian trở về, em muốn nói chuyện nhiều hơn với các bạn”, Tân tâm sự.

Chủ nhân 2 tấm HCB Olympic Vật lý với cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Thơ An (ở giữa).
Chủ nhân 2 tấm HCB Olympic Vật lý với cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Thơ An (ở giữa).

Điều thú vị là Bùi Thanh Tân chỉ mới sử dụng điện thoại thông minh sau khi tập trung đội tuyển tại Hà Nội. Trước đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, và thấy “chưa cần thiết”, nên nam sinh "chuyên Phan" không hề sử dụng điện thoại. Khi mang HCB trở về tự cách ly, Tân mới có thời gian mày mò các tính năng của chiếc điện thoại được cô giáo tặng.

Bùi Thanh Tân chọn vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và từng nghĩ đến việc đi du học. Nhưng hiện em dành thời gian trau dồi thêm vốn ngoại ngữ và chờ diễn biến dịch bệnh được kiểm soát ổn định. Nam sinh quan niệm, ở môi trường nào, chỉ cần nỗ lực, chăm chỉ đều có thể phát triển hơn nữa ở lĩnh vực mà mình đã chọn.

Nói về chủ nhân huy chương Olympic Vật lý năm nay của Nghệ An, cô Lê Thị Thơ An – Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chia sẻ: Bùi Thanh Tân không có xuất phát điểm nổi trội như các bạn khác trong lớp, nhưng 3 năm chủ nhiệm, tôi chứng kiến sự nỗ lực, chăm chỉ, cầu thị hiếm có ở một học sinh phổ thông. Em còn là cậu học trò hiền lành, ít nói, và say mê Vật lý. Niềm say mê đó, cùng với sự thổi lửa, truyền cảm hứng của thầy cô đã khiến em bứt phá, giành giải Nhì HSG quốc gia Vật lý năm 11 và giải Nhất năm lớp 12. Đặc biệt, 2 tấm HCB Olympic Vật lý châu Á và quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19, là hành trình đầy cảm xúc của cô trò, tiếp nối truyền thống, bề dày thành tích của trường Phan Bội Châu, của tỉnh và cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.