Chủ nhân của những tấm huy chương này là 2 nam sinh cùng lớp, chỉ chính thức đi sâu về Tin học 21 tháng. Mà điều đặc biệt là từ lúc bắt đầu hành trình giành vị trí vào đội tuyển quốc gia, cho tới lúc chính thức dự thi, phần lớn thời gian 2 bạn trải qua đều bằng hình thức online.
Thành tích trên cũng là kết quả cao nhất đối với môn Tin học từ trước tới nay mà Trương Văn Quốc Bảo và Nguyễn Hoàng Vũ (hiện là HS lớp 12A2, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) đã xuất sắc đem về cho tỉnh Nghệ An.
Kỳ Olympic quốc tế đáng nhớ của đôi bạn cùng lớp
Cuộc thi Olympic Tin học quốc tế năm 2021 do Singapore đăng cai tổ chức, đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi gồm 4 thành viên đều giành Huy chương Bạc. Và nửa số huy chương của đội tuyển thuộc về 2 nam sinh Trương Văn Quốc Bảo và Nguyễn Hoàng Vũ (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An).
Kể về hành trình đã trải qua, 2 bạn cho biết, cuộc thi có 351 thí sinh thuộc 90 nước và vùng lãnh thổ tham gia, trong đó có nhiều nước có thành tích rất tốt. Bởi vậy, các thành viên khác trong đội tuyển đều chịu nhiều áp lực. Trước đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19, suốt năm học lớp 10 và năm học lớp 11 cho đến lúc thi, việc ôn luyện của Quốc Bảo và Hoàng Vũ chủ yếu diễn ra bằng hình thức online, thậm chí bị gián đoạn.
“Điều này, ảnh hưởng khá nhiều đến việc ôn tập của chúng em. May mắn với đặc thù của môn Tin học, nên lại rèn luyện cho em kỹ năng học, trao đổi trực tuyến với thầy cô và các bạn”, Quốc Bảo cho biết.
Trong hành trình đó, có thời gian Quốc Bảo và Hoàng Vũ học tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu nhưng 2 tháng trước thi thì ăn ở tập trung cùng các thí sinh khác ở ký túc xá của Trường ĐH Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Đó cũng là giai đoạn mà dịch bùng phát ở các tỉnh phía Bắc và Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
“Để lọt vào đội tuyển dự thi quốc tế, em và Bảo trải qua rất nhiều kỳ thi, từ vòng loại ở trường đến thi học sinh giỏi quốc gia và tiếp đó là chọn lựa để còn 4 thành viên. Lúc ấy, mong ước lớn nhất của em là kỳ thi Olympic sẽ không bị hoãn. May mắn là cuối cùng các kỳ thi đã diễn ra như kế hoạch, dù chúng em không được sang Singapore”, Hoàng Vũ nhớ lại.
Dù vậy, theo chia sẻ của 2 nam sinh, cuộc thi với hình thức thi trực tuyến cũng đem lại cho thí sinh trải nghiệm thú vị đáng nhớ. Đội tuyển của Việt Nam dự thi tại Trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thời gian thi 2 ngày (mỗi ngày làm 3 bài trong 5 giờ trên hệ thống thi trực tuyến CMS từ 17 - 22 giờ, theo giờ Việt Nam) cùng tất cả thí sinh các nước. Toàn bộ quá trình thi có camera giám sát để bảo đảm kết quả thi trung thực, khách quan.
“Lúc nhận kết quả cả 2 cùng giành được HCB, em không chỉ vui mừng, hạnh phúc mà cảm giác như vỡ òa, nhẹ đi rất nhiều áp lực, lo lắng. Tất cả vất vả hay bất tiện của thời gian giãn cách ôn thi cũng trở nên đáng giá. Đặc biệt nữa là kết thúc kỳ thi rồi, cả 2 đều muốn nhanh được về nhà, về trường với bố mẹ, thầy cô các bạn nhưng vì dịch bệnh, nên cả 2 lại tiếp tục “cách ly”. Đó cũng là quãng thời gian xa nhà dài nhất của em”, Trương Văn Quốc Bảo nói.
Bắt đầu lại từ “tay trắng” huy chương
Trước khi dự thi Olympic Tin học quốc tế, Trương Văn Quốc Bảo và Nguyễn Hoàng Vũ đã tham gia cuộc thi Olympic Tin học châu Á. Nhưng trong khi Bảo giành Huy chương Vàng, thì Vũ lại “trắng tay”. Không những không đạt kết quả như mong muốn, mà còn không có huy chương, dù điểm thi vòng loại Vũ là thí sinh điểm cao nhất đội tuyển, hơn cả các anh chị học lớp 12.
“Em đã rất thất vọng vì thấy không phát huy hết thực lực của bản thân. Thậm chí, khi hệ thống chấm bài gặp sự cố và code của mình bị bug (lỗi), em còn không giữ được bình tĩnh, tốn rất nhiều thời gian mà giành được rất ít điểm”, Hoàng Vũ nhớ lại.
Dù sau đó, Nguyễn Hoàng Vũ vẫn lọt vào 1 trong 4 thành viên dự thi Olympic Tin học quốc tế, nhưng em gặp nhiều áp lục, tâm lý “sợ mình ôn chưa đủ” và thấy được sự lo lắng xen lẫn kỳ vọng từ thầy cô và người thân. Tuy nhiên, bằng sự động viên của mọi người, Hoàng Vũ đối diện và chấp nhận thất bại đó. Em cũng xem đó là trải nghiệm lớn để bổ sung kiến thức, rèn tâm lý, kỹ năng làm bài thi và nỗ lực cho cơ hội được làm lại của mình.
Theo Nguyễn Hoàng Vũ, khó khăn nhất ở kỳ thi Olympic Tin học quốc tế là thời gian làm bài với hai buổi, mỗi buổi 5 tiếng gồm 3 bài tập. Thế nên, để hoàn thành trọn vẹn bài thi là rất khó. Việc làm bài thi trên máy thường nếu xảy ra sự cố bất ngờ, hoặc mất bình tĩnh thì khó có thể có trọn điểm. “Trong ngày thi đầu tiên vì gặp một số sự cố, dính lỗi nên mất quá nhiều thời gian cho bài 1 và không hoàn thành bài 3. Đến ngày hai, em làm rất nhanh 2 bài đầu và đúng hết nhưng bài 3 em lại gặp vấn đề, mất hơn một nửa thời gian làm bài nhưng không có điểm”, Hoàng Vũ kể.
Kết quả, lần thi này, nam sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã giành về tấm huy chương quốc tế cho mình. “Điều em mừng nhất là đã không phụ sự kỳ vọng của thầy cô, không làm bản thân thất vọng dù hơi tiếc nuối. Nhưng em cũng đã cố gắng hết sức và màu Huy chương Bạc là kết quả mà em đã có thể bỏ hết áp lực suốt nhiều tháng trước”, Vũ nói.
Đã đam mê thì không thiệt thòi
Trương Văn Quốc Bảo có nền tảng khá tốt khi vốn là học sinh lớp chọn Toán của Trường THCS Đặng Thai Mai – trường trọng điểm chất lượng cao của thành phố Vinh. Vì thế, khi chính thức làm quen với môn Tin năm lớp 10, dù muộn so với các bạn ở thành phố lớn trong cả nước, thì Bảo đã có nền tảng từ môn Toán. Nam sinh cho rằng, học Tin nhưng thực chất là phải học Toán tốt, vì sử dụng khá nhiều thuật toán.
Còn khi quyết định theo đuổi Tin học, Bảo tìm thấy sự hứng thú, cuốn hút với bộ môn mang tính thực hành chủ yếu và “chỉ cần sai sót là biết ngay”. Ngoài được thầy cô dạy và bồi dưỡng, môn Tin học có một cộng đồng mạng khá lớn để học sinh khám phá, tìm tòi cả ở trong nước và toàn thế giới.
Một bài tập Tin học, đôi khi mất 1 đến 2 ngày để tìm cách xử lý. Và chỉ cần đi sai hướng, thì công sức suốt mấy ngày trước cũng bỏ đi, bắt đầu lại từ đầu. Giải quyết một bài tập Tin học thì có 2 phần gồm: Nghĩ thuật toán và vận dụng kỹ năng lập trình để làm bài.
Phần nghĩ thuật toán là quan trọng nhưng kỹ năng lập trình cũng quan trọng không kém bởi nó quyết định việc cuối cùng mình có giải quyết được bài tập đó hay không, hoặc có thể hiểu là khâu hiện thực hóa ý tưởng. Vì thế, với nam sinh giành được 2 huy chương Olympic Tin học: “Việc học nói chung và đặc biệt là môn Tin học, nếu không có sự đam mê thì không bao giờ có được thành quả”.
Cũng như Bảo, Nguyễn Hoàng Vũ cũng tìm thấy hứng thú từ mối liên kết giữa Toán và Tin học. Trước đó, Vũ là học sinh của ngôi trường THCS Nghi Phú nằm ven thành phố Vinh. Điều kiện học tập, thiết bị còn hạn chế nhưng Vũ luôn thích tìm tòi, khám phá kiến thức 2 môn này. Khi bước vào lớp 10, em chọn theo chuyên Tin bởi muốn thử thách mình ở lĩnh vực đòi hỏi sự logic, luôn luôn thay đổi, phát triển theo thời gian, buộc bản thân phải cập nhật kiến thức mới.
Nguyễn Hoàng Vũ cũng cho rằng, áp lực đối với học sinh chuyên, và thi HSG quốc gia, quốc tế là điều khó tránh khỏi. Nếu không quá nặng nề thì áp lực thậm chí còn có tác dụng giúp bản thân tập trung và quyết tâm cao để đạt mục tiêu.
“Em cũng nghe nhiều ý kiến nói rằng, chọn thi quốc gia, hay thi Olympic quốc tế với kiến thức chuyên sâu là sự đánh đổi với học sinh phổ thông. Nhưng em lại nghĩ khác, bởi theo đuổi đam mê thì không có gì là thiệt thòi cả. Trái lại, em còn được thầy cô quan tâm, tạo điều kiện, có nhiều trải nghiệm và sớm có phương pháp, tư duy học tập khoa học. Những điều này sẽ theo em đến tận sau này”, Vũ nói.
Hiện, Trương Văn Quốc Bảo và Nguyễn Hoàng Vũ là học sinh lớp 12, cũng bước vào năm học thứ 3 “chủ yếu bằng trực tuyến” do dịch bệnh. Nhưng điều này đã trở nên quen thuộc với đôi bạn này. Hai tấm huy chương cũng là động lực để Bảo và Vũ tiếp tục theo đuổi môn Tin, và theo đuổi mục tiêu mới cho mình ở sân chơi Olympic năm tới.