Nam sinh giành giải Nhất HSG quốc gia từ niềm đam mê Địa lý

GD&TĐ - “Biết tin đạt Giải Nhất HSG quốc gia môn Địa lý đúng vào dịp tết nguyên đán là niềm vui, niềm tự hào, vinh dự lớn của em và của cả gia đình. Kết quả này cũng khẳng định được con đường học tập mà em theo đuổi. Với em, vượt qua được bản thân mình là thành công to lớn nhất rồi”, Tôn Lương Bảo (lớp 12C3, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) vui mừng chia sẻ.

Tôn Lương Bảo - nam sinh đạt giải Nhất HSG quốc gia môn Địa Lý 2019
Tôn Lương Bảo - nam sinh đạt giải Nhất HSG quốc gia môn Địa Lý 2019

Sự bứt phá ngoạn mục

Tôn Lương Bảo là 1 trong 3 HS đạt giải Nhất HSG quốc gia của tỉnh Nghệ An, và là nam sinh duy nhất của đội tuyển Địa lý. “Sau khi kết thúc kỳ thi, em cùng các bạn, cô giáo tự chấm điểm cho mình khoảng từ 16 – 16,5 điểm và hi vọng mình sẽ giành được giải cao. Kết quả, bài thi của em được 17 điểm và đạt giải Nhất khiến em vỡ òa hạnh phúc”, nam sinh phấn khởi nói.

Nói thêm về bài thi HSG quốc gia môn Địa lý, Bảo cho biết có một câu hỏi phân tích đặc điểm địa hình, khí hậu, thủy văn, đất, sinh vật… các vùng biên giới Việt – Trung khiến em rất hứng thú. Câu hỏi này không khó, nhưng lại dễ đánh mất điểm nếu không có sự phân tích, tổng hợp, khái quát một cách đầy đủ, hệ thống. Đây cũng là vấn đề mà trong 3 – 4 năm lại đây, chưa được đưa ra trong đề thi HSG quốc gia. Em đã làm hết sức mình với kiến thức đã có.

Tôn Lương Bảo (ngoài cùng bên phải) là một học sinh năng động, học giỏi
 Tôn Lương Bảo (ngoài cùng bên phải) là một học sinh năng động, học giỏi

Về hành trình đến với cuộc thi HSG quốc gia Địa lý, năm lớp 10, Bảo vẫn nằm trong tốp khá của lớp. Đến năm lớp 11, nam sinh mới đặt quyết tâm cao vào đội tuyển quốc gia.

Khi tham gia đội dự tuyển HSG quốc gia, cũng là một sự đặt cược lớn. Nếu đạt giải thì mình sẽ có được thành tích, có niềm tự hào lớn, và cả những quyền lợi về điểm cộng khi xét tuyển vào đại học. Nhưng nếu không may, hoặc gặp sự cố gì mà không đạt giải, thì thời gian còn lại để ôn thi vào ĐH chỉ còn 4 – 5 tháng, rất áp lực. Vì thế tất cả mọi người trong đội tuyển đều rất cố gắng, nỗ lực. 
Tôn Lương Bảo (HS 12C3 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu

"Có 2 vòng thi sơ tuyển, chọn trong số gần 50 học sinh của cả lớp 11 và 12 để lấy ra 10 bạn vào đội hình chính thức. Khi có tên trong danh sách học sinh dự thi quốc gia, thời gian tăng tốc ôn tập trong thời gian 3 – 4 tháng.

Phương pháp học chủ yếu của Bảo là lắng nghe, ghi chép kiến thức cô giáo giảng trên lớp. Lập sơ đồ tư duy để giải quyết, trả lời rõ ràng, đầy đủ các vấn đề mà câu hỏi đặt ra.

Với việc giành giải Nhất quốc gia, là một thành công lớn của Bảo, góp phần đem về thành tích cho nhà trường, cho tỉnh nhà. Nhưng với nam sinh này “vượt qua bản thân mình đã là thành công to lớn nhất rồi”.

Đi tiếp đam mê

Nói là vượt qua bản thân bởi ban đầu, gia đình muốn Bảo theo học các môn tự nhiên: “Em là con trai, nên bố mẹ muốn em học khối A hoặc khối B. Nhưng năm lớp 8, em vào đội tuyển thi HSG môn Địa lý TP Vinh. Ban đầu cũng nghĩ là thi tăng thêm hiểu biết, nhưng càng tìm hiểu em lại càng thích môn học này. Hết lớp 9, em đã đăng ký nguyện vọng 1 thi vào lớp chuyên Địa lý, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và trúng tuyển”. Điều may mắn, bố mẹ em sau khi lắng nghe, đã hiểu được mong muốn, năng lực, nguyện vọng và tôn trọng sự lựa chọn của con trai.

Điều Tôn Lương Bảo đặc biệt yêu thích ở môn học này là tính ứng dụng vào thực tiễn rất cao. “Đơn giản như việc cho mình biết tại sao lại có nắng, có mưa. Tại sao mùa này mưa ít, mùa kia mưa nhiều… Cao hơn nữa là những hiểu biết khá sát từ điều kiện tự nhiên, khí hậu đến đặc điểm kinh tế, xã hội trong nước, quốc tế. Kiến thức môn Địa không giới hạn trong SGK mà mở rộng ra thực tế cuộc sống”.

Đội tuyển HSG quốc gia Địa Lý đều là HS trường THPT chuyên Phan Bội Châu cùng cô giáo bồi dưỡng
Đội tuyển HSG quốc gia Địa Lý đều là HS trường THPT chuyên Phan Bội Châu cùng cô giáo bồi dưỡng 

Bảo cũng cho rằng, đây là môn học thuộc cả tự nhiên lẫn xã hội. Trong đó, có một số kiến thức của Toán, Vật lý, phân tích, đánh giá số liệu một cách khoa học, chính xác. Chính vì vậy, càng học, càng đam mê hơn. Em cảm thấy biết ơn thầy cô giáo, nhà trường đã tạo điều kiện để em theo đuổi môn học yêu thích của mình.

Sau khi giành giải Nhất ở kỳ thi HSG quốc gia, Bảo cho biết sẽ tiếp tục ôn thi tổ hợp 3 môn khối C để đăng ký xét tuyển vào Đại học Luật Hà Nội.

Nói về cậu học trò Tôn Lương Bảo, cô Lê Thị Kim Ngân – Giáo viên chủ nhiệm 3 năm cấp 3, và cũng là người bồi dưỡng chính cho biết: Với Bảo, em còn có 2 điểm nổi bật: Đó là tinh thần cầu thị cao. Những hạn chế hay nhược điểm nào của em mà thầy cô bồi dưỡng chỉ ra, em đều lắng nghe, khắc phục và thay đổi được, nhằm đạt kết quả tốt nhất trong học tập. Thứ 2 là tinh thần chịu khó, ý thức tự học cao. Năm lớp 11, Bảo đạt giải Nhất HSG tỉnh môn Địa lý, từ đó em có sự bứt phá, quyết tâm để lọt vào đội tuyển quốc gia. Sự tiến bộ của em được thể hiện từng ngày, các bài kiểm tra, thi thử đều cho thấy sự chỉn chu trong làm bài.

Giải nhất HSG quốc gia đối với cả cô và trò trong đó có một chút bất ngờ, vượt quá mong đợi trước đó. Nhưng cô Ngân cũng cho rằng, đây cũng là kết quả hoàn toàn xứng đáng với đam mê, khát vọng của Bảo. Khẳng định được sự vững vàng về kiến thức, bản lĩnh trong làm bài và cái duyên trong một kỳ thi lớn.

Kỳ thi HSG quốc gia 2019 cũng là một kỳ thi thành công nói chung của đội tuyển Địa lý  Nghệ An. Cả 10 bạn tham gia đều đạt giải. Ngoài giải Nhất của Bảo, còn có 4 giải Nhì, 4 giải Ba, 1 giải Khuyến khích. Các bạn đều là học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Chia sẻ thêm về quá trình bồi dưỡng đội tuyển, cô Lê Thị Kim Ngân nói: Bản thân tôi và các thầy cô khác trong tổ bồi dưỡng đều gắn bó với các em từ khi mới chập chững bước vào trường. Khơi dậy đam mê, nhiệt huyết đối với môn học, để việc học đối với các em không phải nặng nề, áp lực mà sự yêu thích thực sự. Từ đó, để các em tự đặt ra những mục tiêu, phấn đấu đạt được khát vọng của mình. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.