Nam sinh 10 năm được bạn cõng đi học: Lên giảng đường trên đôi chân cha

GD&TĐ - Không có Minh Hiếu đồng hành trên chặng đường đại học, Tất Minh được bố là ông Nguyễn Tất Mây ngày ngày đưa lên giảng đường.

Nguyễn Tất Minh sống tại ký túc xá Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nguyễn Tất Minh sống tại ký túc xá Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Làm quen với cuộc sống mới

Căn phòng 25 m2 tại tầng 1 tòa nhà B6 Ký túc xá Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tỏa mùi thơm từ đồ ăn ông Nguyễn Tất Mây, 46 tuổi đang chuẩn bị cho hai cha con.

Ông Mây cho biết: Lên Hà Nội từ ngày 14/10 song hai bố con chưa kịp tham quan nơi đâu. Mỗi ngày, ông Mây dậy từ 5 giờ để chuẩn bị bữa sáng cho con. Nhiều hôm, cả hai không kịp bữa do tiết học đầu tiên của Minh bắt đầu từ 6 giờ 45 phút sáng.

Sau khi đưa con vào lớp, ông Mây đi chợ mua thực phẩm trong ngày, rồi trở về giặt quần áo, dọn dẹp phòng ký túc xá. Buổi học sáng kết thúc vào 11 giờ 50 phút, ông đón con về rồi lại xăm xắn chuẩn bị cơm nước.

Đều đặn ngày hai lần ông Mây theo xe lăn của con tới trường, cõng con lên giảng đường rồi đón con về.

Tuần đầu, có những ngày Minh học trên tầng 5. Ông Mây cõng con lên đến tầng 3 phải dừng lại nghỉ ngơi. Theo ông Mây, việc cõng con trai gần 40 kg lên cầu thang vốn không phải chuyện quá khó khăn. Tuy nhiên, do bị gãy chân (tháng 3) từ tai nạn khi khai thác đá, lại chưa rút đinh nên việc leo cao khiến ông gặp nhiều khó khăn, đứng không vững.

Hiểu hoàn cảnh của Minh, Trường Đại học Bách khoa bố trí cho em phòng ở tầng 1, cạnh cổng ra vào, có lối đi riêng để xe lăn lên xuống. Để thuận tiện cho việc đi lại, nhà trường cũng sắp xếp các lớp học của Minh ở tầng 1.

Mỗi buổi học, Minh thường phải di chuyển phòng học theo các môn khác nhau. Không có bố ở bên, em được bạn bè trong lớp giúp đỡ. Lớp Khoa học máy tính của Minh khai giảng được hơn một tuần nhưng em làm quen gần hết các bạn trong lớp.

Sự thân thiện và nhiệt tình của những người bạn mới khiến Minh vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Ngoài thời gian học vào ban ngày, tối về, Minh bắt tay vào ôn tập bài vở trên lớp. Nam sinh cho hay: Dù lên đại học, thói quen học tập của em không bị xáo trộn nhiều. Tuy nhiên, em còn đôi chút bỡ ngỡ với những kiến thức mới trên giảng đường đại học.

Thời gian rảnh, Minh thường cùng bố đứng ngoài hành lang trò chuyện hoặc đi dạo xung quanh ký túc xá để làm quen môi trường mới.

“Thỉnh thoảng, các bạn ở phòng bên sang phòng em làm quen, trò chuyện và ở lại cùng nấu, ăn cơm. Em không gặp mấy khó khăn trong việc hòa nhập tại môi trường mới”, Minh nói.

Ông Nguyễn Tất Mây chuẩn bị bữa cơm tối cho con.
Ông Nguyễn Tất Mây chuẩn bị bữa cơm tối cho con.    

“Gia đình nhỏ” trong ký túc xá

Cùng phòng với Minh còn có em Nguyễn Đức Quân, quê Hải Phòng, tân sinh viên ngành Toán - Tin. Mắc chứng xương thủy tinh, thể trạng Quân yếu, hay bị gãy tay chân.

Khi Quân trúng tuyển ngành Toán - Tin, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, gia đình em quyết định đăng ký ở ký túc xá. Ông Trần Văn Nhuận, 50 tuổi, bác ruột của Quân lên ở cùng để tiện chăm sóc cháu.

Do hoàn cảnh Minh và Quân có nhiều điểm tương tự, Trung tâm Quản lý Ký túc xá đã sắp xếp hai gia đình ở cùng phòng. Hai người đàn ông tuổi ngũ tuần thay phiên nhau đi chợ nấu cơm, dọn dẹp. Hai tân sinh viên trở thành đôi bạn mới, cùng nhau trò chuyện, học bài. Phụ huynh coi nhau như người thân trong gia đình, cùng sẻ chia vui - buồn cuộc sống thường nhật.

Cuộc sống hai cha con dần ổn định, tuy nhiên ông Mây vẫn trăn trở bởi sinh hoạt phí tại Hà Nội đắt đỏ hơn ở quê. Do ông ở thành phố chăm con, cả gia đình phải dựa vào thu nhập hàng tháng của vợ làm công ty giày da ở quê.

Để 2 tân sinh viên yên tâm học tập, lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa tính chuyện bố trí công việc cho hai phụ huynh từ tháng 11 tới. Tuy nhiên, việc này đang được cân nhắc bởi lịch học của các em không cố định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.