LTS: Năm học 2020-2021 kết thúc trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương. Học sinh tạm dừng đến trường khi chưa kịp hoàn thành bài thi học kỳ II. Học trò cuối cấp bước vào giai đoạn ôn tập nước rút cho kỳ thi vào 10 và thi tốt nghiệp THPT.
"Dĩ bất biến, ứng vạn biến", ngành GD các địa phương đã nhanh chóng thay đổi hình thức dạy học, hỗ trợ học sinh diện cách ly ôn tập, đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Một số tỉnh/thành lùi thời gian thi vào 10. Nơi đẩy nhanh tiến độ kiểm tra cuối kỳ, kết thúc sớm năm học…
Năm học này lần đầu triển khai chương trình mới với lớp 1 cùng nhiều đổi mới trong kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả dạy, học trực tuyến là động lực để thầy trò cùng đổi mới, địa phương tập trung đầu tư, tạo tiền đề vững chắc cho năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo.
Bài 3: Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo
Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhằm nâng cao chất lượng và chuẩn hoá đội ngũ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới...Đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn và quy định của Luật Giáo dục 2019.
Chú trọng công tác bồi dưỡng
Theo kế hoạch, có khoảng 28 nghìn giáo viên phổ thông và hơn 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được tập huấn, bồi dưỡng. Đội ngũ cốt cán này sẽ cùng các chuyên gia của 8 trường sư phạm chủ chốt hỗ trợ việc tự bồi dưỡng cho khoảng 800 nghìn giáo viên và 70 nghìn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục, trường học trên địa bàn lựa chọn, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các cấp; đồng thời tích cực, chủ động đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục. Cùng với đó, chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới và quy định của Luật Giáo dục 2019.
Tại tỉnh Hải Dương, hàng nghìn giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng 3 mô – đun đầu tiên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Tiến cho biết: Những cán bộ, giáo viên cốt cán đã và đang phát huy hiệu quả thực hiện bồi dưỡng đại trà, hỗ trợ các đồng nghiệp trên địa bàn. Điểm mới trong công tác bồi dưỡng là biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng. Theo đó, đội ngũ cốt cán hỗ trợ giáo viên đại trà ngay tại chỗ, trong công việc, hoặc hỗ trợ tự học qua mạng, trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến.
Bên cạnh công tác bồi dưỡng, Sở GD&ĐT Hải Dương cũng khuyến khích và tạo điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Toàn tỉnh có hơn 5.300 cán bộ quản lý, giáo viên; trong đó hầu hết giáo viên đã đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục rà soát giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo để có kế hoạch nâng chuẩn theo quy định của Luật và theo lộ trình đã được Chính phủ hướng dẫn. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên đi học tập nhằm đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.
Chuẩn hoá đội ngũ
Ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu, Sở GD&ĐT cần tích cực phối hợp với các sở ngành và UBND cấp huyện, thành phố tham mưu cho tỉnh giải quyết kịp thời, hiệu quả vấn đề thiếu giáo viên do tăng quy mô học sinh, để thực hiện tốt nhiệm vụ GD-ĐT. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu của các địa phương, có thể tính đến phương án “đặt hàng” trường sư phạm đào tạo, nhằm bám sát yêu cầu thực tiễn, tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Theo ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, khảo sát nhu cầu của các địa phương cho thấy, có nơi đang thiếu hàng nghìn giáo viên, tuy nhiên, định biên lại thấp. Do đó cần có quy hoạch tổng thể từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh hướng dẫn của Chính phủ và Bộ GD&ĐT, các địa phương cần chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo giáo viên nhằm thực hiện lộ trình chuẩn hoá đội ngũ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến - Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh chia sẻ: Năm ngoái, địa phương này thiếu tới hơn 2.000 giáo viên. Nhà trường đang nỗ lực, cùng với địa phương để đào tạo, bồi dưỡng những giáo viên chưa đạt chuẩn (chủ yếu là giáo viên mầm non), nhằm nâng cao năng lực, từng bước khắc phục khó khăn về đội ngũ cho tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ tiêu tuyển dụng GV hằng năm của Bắc Ninh không tương ứng với nhu cầu sử dụng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở địa phương này.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho rằng: Để đào tạo giáo viên theo cung, cầu là vấn đề không dễ. Thái Nguyên hiện thiếu 5.000 giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. Nhưng định mức biên chế mà ngành Nội vụ thông báo lại thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế; trong khi đó chủ trương chung vẫn đang tinh giảm biên chế. Ông Hưng đề xuất, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp, làm rõ việc đăng ký chỉ tiêu đào tạo giáo viên theo cơ chế đặt hàng và giải quyết những vấn đề bất cập hiện nay.
Bài 1: Dạy và học thời đại dịch, biến nguy thành cơ
Bài 2: Đổi mới kiểm tra, đánh giá: Cải thiện hiệu quả giáo dục