Giải tỏa nỗi lo
Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, đổi mới đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong giai đoạn hiện nay trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm phát triển đội ngũ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao về chất lượng. Tuy nhiên, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới gặp một số khó khăn. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến quá trình bồi dưỡng đội ngũ.
Bằng sự linh động, công tác bồi dưỡng nhà giáo không thể bị động, từ sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), bồi dưỡng giáo viên đã được linh động triển khai nhiều hình thức thông qua trực tiếp và trực tuyến. Phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, công tác bồi dưỡng đội ngũ cũng vậy, không bị gián đoạn dù dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Được tham gia mô hình bồi dưỡng mới, vừa trực tiếp vừa trực tuyến, thầy Phan Song Đại Ân, giáo viên cốt cán Trường Tiểu học Tân Phú Đông (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) cho biết rất yên tâm và học hỏi, cập nhật được nhiều kiến thức quan trọng phục vụ giảng dạy. Theo thầy Ân, thời điểm bồi dưỡng giáo viên Chương trình mới lớp 1, lớp 2 lại rơi vào dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều cán bộ, giáo viên lo lắng tiến độ bồi dưỡng bị ảnh hưởng, thậm chí phải trễ vì dịch bệnh. Tuy nhiên, khi triển khai bồi dưỡng trực tiếp kết hợp trực tuyến thì nỗi lo này của giáo viên được giải tỏa.
“Được tham gia khóa bồi dưỡng, tôi cùng đồng nghiệp được mở mang rất nhiều. Thông qua bồi dưỡng đã tháo gỡ tất cả những khó khăn, vướng mắc khi tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến 5 ngày tại địa phương. Tôi rất vui mừng vì từng hoạt động cụ thể khi giảng dạy tôi đã thông suốt, am tường hơn. Sau bồi dưỡng, những kiến thức thu nhận được, những cách làm mới được chia sẻ, được thực hành sẽ được chuyển tải lại cho toàn thể giáo viên…”, thầy Ân chia sẻ.
Linh động, sáng tạo trong bồi dưỡng cán bộ, giáo viên triển khai Chương trình mới là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ngành Giáo dục Đồng Tháp. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác bồi dưỡng vẫn diễn ra với sự linh động từ các cơ sở.
Kết hợp giữa bồi dưỡng trực tuyến (trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến LMS) và bồi dưỡng trực tiếp do các giảng viên sư phạm chủ chốt hỗ trợ, với công thức 5-3-7 (học viên có 5 ngày tự học qua LMS, 3 ngày bồi dưỡng trực tiếp, 7 ngày tự hoàn thành bài học qua LMS). Đến nay, cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên cốt cán tại Đồng Tháp đã tiếp cận các mô đun kịp thời, hiệu quả.
Để việc bồi dưỡng đạt chất lượng, hiệu quả, giáo viên cốt cán cần hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên hệ thống LMS và trong 3 ngày học trực tiếp, hoàn thành kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp theo mô đun và khảo sát cuối khoá học. Ngay sau khi trở về địa phương, các giáo viên cốt cán có nhiệm vụ hỗ trợ đồng nghiệp triển khai đại trà mô đun 1, 2, 3…
Tạm dừng dạy học, không dừng bồi dưỡng
Tại huyện Trà Cú (Trà Vinh), Trường Tiểu học Tân Sơn - ngôi trường nằm trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, công tác bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiến độ. Thầy Từ Minh Lập, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện cán bộ quản lý, giáo viên của trường đã bồi dưỡng mô đun 1, 2, 3 và đang tham gia bồi dưỡng trực tuyến dù trường cho học sinh nghỉ học phòng dịch. Nhờ ngành Giáo dục linh hoạt trong bồi dưỡng nên đảm bảo tiến độ, vì dịch bệnh còn phức tạp, không chủ động sẽ bị chậm trễ”.
Theo thầy Lập, trường có 33 giáo viên, trong đó có 8 giáo viên giảng dạy lớp 2 năm học tới. Hiện tại, các giáo viên tham gia bồi dưỡng đầy đủ và được đánh giá đạt yêu cầu và sẵn sàng triển khai chương trình mới. “Để phòng dịch, tất cả học sinh đã tạm dừng đến trường. Cán bộ, giáo viên không dạy học nhưng vẫn tham gia bồi dưỡng trực tuyến”, thầy Lập nhấn mạnh.
Trà Vinh là một trong những địa phương thực hiện tốt việc tập huấn giáo viên. Giải pháp được tỉnh triển khai là tổ chức tạo tài khoản cho tất cả cán bộ quản lý và giáo viên để tiến hành bồi dưỡng đại trà vừa đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT,vừa đảm bảo phát triển nghề nghiệp thường xuyên, liên tục.
Trao đổi về công tác bồi dưỡng giáo viên, thầy Phan Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Trà Vinh cho biết: Trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới. Cán bộ quản lý, giáo viên được cấp tài khoản và học theo Chương trình ETEP. Đồng thời 100% giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng và được Trường ĐH Sư phạm TPHCM đánh giá đạt. Riêng đối với cán bộ quản lý, giáo viên đại trà đã được bồi dưỡng Chương trình GDPT mới và chương trình môn học.
“Thực tế, hình thức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên trực tiếp kết hợp trực tuyến giúp giáo viên tiết kiệm thời gian. Vừa đảm bảo việc dạy, học trên lớp và kế hoạch bồi dưỡng. Trong tình hình dịch bệnh, việc tập huấn trực tuyến đảm bảo công tác phòng dịch. Cán bộ, giáo viên không giảng dạy nhưng vẫn tham gia tập huấn trực tuyến rất tích cực”, cô Bùi Thị Hồng Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Trà Vinh cho biết.
Chia sẻ của cán bộ quản lý, giáo viên, việc bồi dưỡng trong thời gian qua phát huy hiệu quả nhờ giải pháp đổi mới phương thức. Cụ thể là từ trực tiếp sang bồi dưỡng trực tuyến đảm bảo đạt mục tiêu vừa bồi dưỡng thường xuyên, vừa liên tục, tại chỗ; Vừa có sự có hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên cốt cán, vừa ứng dụng CNTT qua hệ thống LMS, có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Qua đó cũng giúp đội ngũ giáo viên chuyển hoá quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng.
Theo ông Võ Văn Luyến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre: Sở GD&ĐT chỉ đạo toàn ngành quan tâm về đội ngũ giáo viên, phân công giáo viên dạy các lớp theo Chương trình mới. Thầy cô giáo cần thực hiện tốt công tác bồi dưỡng thường xuyên áp dụng các mô đun đã được bồi dưỡng vào thực tiễn dạy học, tiếp tục nghiên cứu phương pháp và hình thức dạy học hiện đại… , mạnh dạn thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với tâm lý và đối tượng học sinh.