(ảnh: Internet) |
Năm Giáp Dần 714, khởi nghĩa của nghĩa quân Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) thắng lợi, lật đổ chính quyền đô hộ nhà Đường, giải phóng đất nước.
Năm Bính Dần 906, Khúc Thừa Dụ đứng ra lãnh đạo nhân dân nổi lên đánh đuổi bọn đô hộ nhà Đường, chiếm thành Đại La, dựng quyền tự chủ cho đất nước. Khúc Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ. Ngày 11 tháng Giêng (tức 7/2/906), trước hành động quyết liệt của nhân dân Giao Châu, nhà Đường buộc phải phong chức “Đồng bình chương sự” cho Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ, thừa nhận người Việt cai quản đất Việt, chấm dứt về cơ bản thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm.
Năm Bính Dần 966, nhân lúc triều đình Trung ương nhà Ngô suy yếu, các thủ lĩnh địa phương nổi dậy, mỗi người chiếm giữ cát cứ một vùng đất riêng, tạo nên hiện tượng cát cứ với chế độ loạn 12 sứ quân.
Năm Nhâm Dần 1002, vua Lê Đại Hành thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm chấn chỉnh và cải cách chính trị - hành chính như ban hành pháp luật, đổi tên đơn vị hành chính lãnh thổ, chia tướng hiệu làm 2 ban (văn-võ), tổ chức và trang bị lại cho quân đội ...
Năm Mậu Dần 1038, vua Lý Thái Tôn đích thân ra cày ruộng (cày tịch điền) ở cửa Bố Hải để làm gương cho dân chúng. Tục lệ đẹp này được các triều đại sau đó duy trì và phát huy.
Năm Mậu Dần 1158, Nguyễn Quốc khuyên vua Lý Anh Tôn nên đặt hòm kính ở triều đình để ai có điều gì cần tâu trình, đề nghị, khiếu tố... thì viết giấy bỏ vào. Vua nghe theo và chỉ trong vòng một tháng, đơn, thư, sớ đã đầy hòm. Đây là phương thức tiếp nhận ý kiến nhân dân rất hiệu quả, tiện lợi và tiến bộ.
Năm Canh Dần 1230, nhà Trần ban hành các bộ sách đồ sộ quy định cách thức tổ chức, hoạt động của chính quyền. Cũng năm này, mức hình phạt trong luật sửa đổi và kinh thành Thăng Long được đại tu về mọi mặt.
Năm Nhâm Dần 1242, nhà Trần tiến hành cải cách hành chính địa phương với quy mô lớn: chia lại đơn vị hành chính lãnh thổ, tổ chức lại hệ thống quan lại địa phương, làm sổ hộ khẩu, phân loại dân đinh, ấn định cặn kẽ mức tô thuế...
Năm Giáp Dần 1374, bắt đầu tổ chức thi Đình cho các tiến sĩ, lấy đỗ trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, hoàng giáp, cập đề, đồng cập đề, gồm 50 người (lệ cũ: thi thái học sinh 7 năm một lần, lấy đỗ 30 người). Cũng năm này, nhà Trần áp dụng nhiều biện pháp để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như cấm nhân dân mặc áo kiểu người phương Bắc, cấm bắt chước tiếng nói các nước Chiêm, Lào...
Năm Mậu Dần 1398, Tể tướng Hồ Quý Ly tiến hành cải cách ruộng đất toàn diện.
Năm Bính Dần 1506, nhà Lê tổ chức cuộc thi quân dân rất lớn ở sân điện Giảng Võ với 2 môn: viết và toán. Hơn 3 vạn người dự thi, lấy đỗ 1519 người.
Năm Giáp Dần 1614, chữ quốc ngữ Việt Nam (do các giáo sĩ Bồ Đào Nha sáng tạo ra) bắt đầu hình thành và phát triển.
Năm Canh Dần 1650, lái buôn các tàu thuyền Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Nhật Bản khi tới Kẻ Chợ (Hà Nội) được phép lưu trú tại làng Thanh Trì, Khuyến Lương (ngoại thành Hà Nội). Quan hệ ngoại thương của nước ta bắt đầu phát triển mạnh.
Năm Mậu Dần 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam, quyết định lập phủ Gia Định để quản lý 2 huyện Phước Long (Biên Hòa) và Tân Bình (Sài Gòn, từ sông Sài Gòn đến sông Vàm Cỏ Đông). Sài Gòn coi như được thành lập từ đó.
Năm Nhâm Dần 1782, khởi nghĩa Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ phát động từ năm 1771 đã lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân tấn công mãnh liệt vào cả chính quyền chúa Nguyễn ở miền Nam lẫn chính quyền Lê - Trịnh ở miền Bắc, giành thế chủ động trên khắp đất nước. Chúa Nguyễn Ánh đại bại, phải chạy trốn và cầu viện ra nước ngoài.
Năm Bính Dần 1806, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng Đế (Gia Long), trở thành vị vua đầu tiên của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Năm Canh Dần 1830, nhà Nguyễn cử nhiều đoàn sứ thần đến các nước trên thế giới để thiết lập và phát triển quan hệ ngoại giao.
Năm Giáp Dần 1854, Cao Bá Quát nổi dậy chống lại sự áp bức của triều đình nhà Nguyễn. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng và được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ. Sau đó, bị nhà Nguyễn đánh bại.
Năm Bính Dần 1866, nghĩa quân Trương Quyền liên kết với nghĩa quân Pokum Pao chống Pháp xâm lược, làm nên nhiều chiến thắng vang dội ở Việt Nam và Campuchia.
Năm Canh Dần 1950, chiến dịch Biên giới thắng lợi, quân ta giải phóng dải biên cương Việt - Trung dài 750 km, phá tan hành lang chiến lược và thế bao vây của thực dân Pháp.
Năm Bính Dần 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI diễn ra và khởi đầu đề ra công cuộc đổi mới và phát triển toàn diện đất nước.
Năm Mậu Dần 1998, cả nước kỷ niệm 300 năm thành lập Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, 30 năm chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968, 25 năm ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam.
Năm Canh Dần 2010, nước ta kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XI của Đảng.
Theo VOV