Mỹ “xù” nợ của Trung Quốc?

Mỹ “xù” nợ  của Trung Quốc?

Chỉ số USD, phản ánh tỷ giá hối đoái với 6 loại tiền tệ chính của thế giới, bị sụt giảm, số người xin trợ cấp thất nghiệp tăng kỷ lục…

Bên bờ vực suy thoái

Theo thống kê vào tháng 2/2020, kinh tế Mỹ đang đứng trước bờ vực suy thoái nghiêm trọng. Trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ số giảm xuống 50,8 điểm, trong lĩnh vực dịch vụ đã giảm 4 điểm trong một tháng (từ 53,4 xuống 49,4) và bước vào vùng suy thoái. Chỉ số PMI kết hợp trong kinh tế cũng dưới 50 - nghĩa là cuộc khủng hoảng đang bắt đầu ở nước này.

“Lần đầu tiên kể từ năm 2008, hoạt động kinh tế giảm sút” - Cơ quan phân tích IHS Markit (Anh) nhấn mạnh. Lần đầu tiên kể từ tháng 10/2009, số lượng đơn đặt hàng cho các sản phẩm công nghiệp giảm sút nghiêm trọng. Nhu cầu của người tiêu dùng nước ngoài cũng đang giảm dần.

Ngay sau khi những dữ liệu này được công bố vào ngày 21/2, chỉ số USD, có tính đến tỷ giá hối đoái so với đồng euro, yên, bảng Anh, đồng franc Thụy Sĩ, đồng krona Thụy Điển và đô la Canada, đã giảm từ 99,79 xuống 99,14 điểm.

Các chỉ số kinh tế khác cũng sụt giảm trông thấy. Theo báo Financial Times, các công ty năng lượng báo cáo về tình trạng khủng hoảng “chưa từng xảy ra kể từ vụ tấn công Trân Châu Cảng năm 1941”.

Do khí đốt rẻ hơn nhiều (báo giá khí đốt tự nhiên rẻ chưa từng thấy trên sàn giao dịch Henry Hub kể từ năm 1999), chỉ số ngành công nghiệp năng lượng S & P 500 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 78 năm qua.

Các nhà phân tích cảnh báo: Thị trường chứng khoán Mỹ từ lâu đã biến thành bong bóng và sẽ vỡ nếu các nhà đầu tư hoảng loạn vì những dữ liệu thất vọng về hoạt động kinh doanh.

Khả năng xảy ra kịch bản như vậy được biểu thị bằng chỉ số biến động VIX, thường được gọi là “chỉ số sợ hãi”, vì nó tăng mạnh trong thời gian lo lắng và đầy biến động của thị trường. Trong tháng 2, VIX đã tăng 40%, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái, đỉnh điểm của cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung.

Một dấu hiệu khác của cuộc khủng hoảng sắp xảy ra là sự đảo chiều lãi suất giữa trái phiếu chính phủ ngắn hạn và dài hạn. Lãi suất sau thường cao hơn lãi suất trước do dự báo rủi ro về sự phát triển của tình hình kinh tế.

“Điều này cho thấy, các nhà đầu tư khá bi quan về triển vọng của nền kinh tế và lãi suất” - David Cantesaria, Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư Valley Forge Capital Management nói với Markets Insider.

“Một đường cong lãi suất đảo ngược đã xuất hiện trước tất cả các cuộc khủng hoảng của Mỹ kể từ năm 1950. Trong tương lai gần, thị trường có thể khá đáng sợ”, ông Cantesaria thừa nhận.

“Bùng” nợ Trung Quốc?

Mỹ “xù” nợ  của Trung Quốc? ảnh 1

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, các cáo buộc liên tiếp của Nhà Trắng đối với Bắc Kinh về đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc với yêu cầu không trả nợ? Trên thực tế, Trung Quốc vẫn là chủ sở hữu lớn nhất của trái phiếu chính phủ Mỹ.

Thượng nghị sĩ Tennessee Marsha Blackburn cho rằng: “Bắc Kinh sẽ bị trừng phạt vì che giấu sự bùng nổ Coronavirus ở Vũ Hán gây ra một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Cần phải xóa một phần nợ của Mỹ do ngân hàng trung ương Trung Quốc nắm giữ”.

Ý tưởng của Tennessee Marsha Blackburn được Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, tác giả của một số dự luật về các lệnh trừng phạt chống lại Nga và Nord Stream 2 ủng hộ.

“Đây là đại dịch thứ ba từ Trung Quốc. Chúng đến từ những khu chợ bẩn thỉu, nơi có chuột và khỉ bị nhiễm virus, sau đó lây sang người qua thực phẩm”, ông Graham nói với Fox News hôm 14/4.

Theo ông Graham, cả thế giới nên tính toán những tổn thất vì đại dịch và bắt Bắc Kinh phải đền bù.

“Và tôi muốn bắt đầu xóa một phần nợ của chúng tôi với Trung Quốc, bởi vì chính họ là người phải trả cho chúng tôi chứ không phải chúng tôi trả cho họ!”, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nhấn mạnh.

Blackburn và Graham không đơn độc trong việc cố gắng kiếm tiền từ nguồn gốc Coronavirus từ Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Josh Hawley, phối hợp với ba đồng nghiệp khác, đã đệ trình một dự luật lên Nghị viện. Dự luật khẳng định sự cần thiết phải điều tra quốc tế về hành vi của Bắc Kinh trong việc Coronavirus bùng phát và xây dựng một cơ chế bồi thường.

Những động thái trên gắn liền với một chiến dịch tuyên truyền có quy mô lớn liên quan đến các quan chức chính phủ cao cấp. Theo dòng chảy ấy, trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 16/4, ông chủ Lầu Năm Góc Mark Esper khẳng định: “Trung Quốc tiếp tục che giấu rất nhiều về Covid-19, cũng như trong giai đoạn đầu của dịch bệnh”.

“Trung Quốc có thể trung thực hơn và cung cấp thêm thông tin để giúp chúng ta dễ dàng đối phó với sự lây nhiễm hơn”, ông Esper nói; đồng thời kêu gọi gia tăng “áp lực” đối với Bắc Kinh và vạch trần toàn bộ sự thật về nguồn gốc của Coronavirus.

Tháng 3 vừa qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã cản trở việc ký kết thông cáo chung của các Bộ trưởng Ngoại giao G7, vì hầu hết đều yêu cầu loại bỏ cụm từ “virus Vũ Hán” khỏi tài liệu.

Không chỉ ở các quan chức cấp cao, vào tuần trước, một vụ kiện chống lại Trung Quốc đã được đệ trình lên tòa án bang Texas và Nevada. Hơn 5.000 người Mỹ cho rằng, họ phải chịu tổn thất lớn vì người Trung Quốc cho phép lây lan Coronavirus trên toàn thế giới.

Người Mỹ yêu cầu bồi thường 1,2 nghìn tỷ USD. Con số này tương ứng với lượng trái phiếu Mỹ trên bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, Washington sẽ sử dụng yêu cầu bồi thường khổng lồ này như một đòn bẩy áp lực để ngăn chặn Bắc Kinh lợi dụng tình hình. Do đó, việc tòa án Mỹ sẽ đáp ứng tất cả các yêu sách chống lại chính phủ Trung Quốc là hoàn toàn có thể.

Tuy nhiên, dấu hiệu “xù” nợ của Washington rất có thể biến nước Mỹ trở thành nạn nhân. Nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ thì thị trường nợ của Mỹ có thể bị phá hủy. Trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay, các nhà đầu tư không mấy mặn mà với trái phiếu chính phủ Mỹ và như vậy, kho bạc không lấy đâu ra tiền để bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách kỷ lục. In thêm tiền ư? Động thái này còn nguy hiểm hơn, rất có thể nó sẽ là đòn quyết định đẩy USD ra khỏi danh sách ngoại tệ dự trữ của thế giới. Chính vì vậy, theo không ít các nhà phân tích, ý định “xù” nợ của Mỹ khó có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.