Tờ Washington Post dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Mỹ đưa tin, chính quyền Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp vũ khí cho tiểu đoàn Azov của Ukraine, tổ chức mà phía Nga liệt vào tổ chức khủng bố và hoạt động theo chủ nghĩa tân phát-xít.
Báo cáo cho biết thêm, tổ chức này đã vượt qua cuộc kiểm tra của Bộ Ngoại giao về việc tuân thủ Luật Leahy, trong đó cấm cung cấp hỗ trợ quân sự của Mỹ cho các đơn vị nước ngoài bị kết án vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Tiểu đoàn Azov là một trong những đơn vị quân sự khét tiếng nhất của quân đội Ukraine. Kể từ khi thành lập, tổ chức này bị phát hiện có liên quan đến tra tấn, lạm dụng dân thường, chủ nghĩa tân phát-xít và sự tàn bạo quá mức.
Trước đó, đã có lo ngại rằng lệnh cấm viện trợ quân sự cho Azov trên thực tế đang làm mất đi sức mạnh, đặc biệt vì các chiến binh Azov đã trở thành một phần của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine hoặc đã thành lập các đội hình bán quân sự riêng biệt mới.
Trước động thái từ phía Washington, phía Nga đã có phản ứng gay gắt.
Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, Konstantin Kosachev, đã chia sẻ trên Telegram rằng việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm hỗ trợ tiểu đoàn dân tộc chủ nghĩa Ukraine Azov đồng nghĩa với việc tự đồng hóa mình và các chiến binh của Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Theo ông Kosachev, vào năm thứ ba của cuộc xung đột Ukraine, những người Mỹ ủng hộ Kiev đã chứng kiến nhiều thất bại của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Trong bối cảnh đó, họ đã phân phối vũ khí cho các chiến binh Azov - nhóm mà họ từng công nhận là phát-xít vào năm 2017.
Vì thế, Mỹ đang tự đồng hóa mình với những phần tử ở Azov, các chiến binh của Lực lượng Vũ trang Ukraine và chính quyền Kiev vốn đã mất tính hợp pháp.
Phó Chủ tịch Duma Quốc gia vùng Crimea và thành viên Ủy ban An ninh Nga, Mikhail Sheremet, cũng đã chỉ trích quyết định của Mỹ.
Ông Sheremet cho rằng, quyết định này là sự ủng hộ các ý tưởng phát-xít, đe dọa đến sự sống của toàn nhân loại và là hành động tôn vinh chủ nghĩa quốc xã. Ông nhấn mạnh rằng điều này đi ngược lại mọi nguyên tắc đạo đức và quy chuẩn quốc tế.