Ngoài các cường quốc phe Trục trước đây, các lá phiếu chống đáng chú ý khác bao gồm Canada, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan, Séc, Ba Lan, Hungary và 3 quốc gia vùng Baltic. Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số những quốc gia bỏ phiếu trắng đáng chú ý.
Moscow đề xuất nghị quyết trên hàng năm, kêu gọi LHQ chống lại “sự tôn vinh chủ nghĩa Quốc xã, chủ nghĩa tân Quốc xã và các hành vi khác góp phần làm leo thang các hình thức phân biệt chủng tộc đương đại, phân biệt đối xử về chủng tộc, bài ngoại và bất khoan dung liên quan”.
Nghị quyết kêu gọi các thành viên LHQ có hành động thích hợp để chống lại chủ nghĩa xét lại lịch sử và phủ nhận tội ác chống lại loài người trong Thế chiến thứ 2.
Mỹ và Ukraine đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết do Nga đề xuất trong nhiều năm. Họ là những nước bỏ phiếu chống duy nhất vào năm 2021, trong khi 49 nước khác bỏ phiếu trắng, chủ yếu là các đồng minh của Washington. Nhân dịp đó, đặc phái viên Mỹ cho biết nghị quyết này không phù hợp với các đảm bảo về quyền tự do ngôn luận trong Bản sửa đổi thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ. Đặc phái viên này cũng cáo buộc Moscow về “những câu chuyện đưa thông tin sai lệch” về chủ nghĩa tân phát xít ở các quốc gia vùng Baltic và Ukraine.
Giải thích về sự phản đối của mình sau cuộc tranh luận của ủy ban vào tháng trước, Hoa Kỳ gọi nghị quyết này “không phải là một nỗ lực nghiêm túc để chống lại chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa bài Do Thái, phân biệt chủng tộc hoặc tư tưởng bài ngoại – vốn đều ghê tởm và không thể chấp nhận được”. Họ cho đây là một “mưu đồ chính trị đáng xấu hổ” để biện minh cho xung đột ở Ukraine.