Mường Phăng - 'Trái tim' Chiến dịch Điện Biên Phủ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Mường Phăng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch.

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Thảo Trang)
Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Thảo Trang)

Tại đây, Bộ Chỉ huy đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định để làm nên trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 Châu, chấn động địa cầu”.

“Rừng Đại tướng”

Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, ngoài các địa danh nổi tiếng như Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1... không thể không nhắc đến Mường Phăng - nơi đặt cơ quan đầu não của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong 105 ngày (từ 31/1 - 15/5/1954).

Chúng tôi đến rừng Mường Phăng - nơi mà người dân thường gọi một cách trìu mến và gần gũi là “rừng Đại tướng”. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng với Bộ Chỉ huy chiến dịch đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 7/5/1954.

Khu di tích cách TP Điện Biên Phủ khoảng 30km, được bố trí dọc theo con suối nhỏ chạy quanh chân núi Pú Đồn, trên diện tích rừng tự nhiên khoảng 90km2. Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là một hệ thống chỉ huy và phòng thủ dã chiến gồm các hầm hào, lán trại liên hoàn được làm bằng những vật liệu đơn sơ như tre, luồng, lá móc, lá gồi... có sẵn tại Mường Phăng, phù hợp điều kiện tác chiến và bảo đảm bí mật, an toàn.

Nằm ở trung tâm Sở Chỉ huy là hệ thống lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất đơn sơ, giản dị như bao ngôi lán khác trong khu rừng Mường Phăng.

“…Vật liệu gồm tre, luồng, lá móc, lá gồi kiếm được tại chỗ. Giữa nhà có một chiếc bàn đủ rộng để trải bản đồ. Hai bên là hai ghế dài, mặt ghế ghép bằng những đoạn vầu bổ đôi. Hai đầu có hai chiếc giường lát nứa, một của tôi, một của đồng chí vệ sĩ. Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra kiểu nhà này. Nó đã ổn định tới mức không cần có sự cải tiến nào” - trích hồi ức của Đại tướng trong “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” về lán ở và làm việc của mình.

Ở đó còn lưu lại, hành trang của Đại tướng gói gọn trong chiếc ba lô con cóc đã sờn bạc cùng thời gian. Trên bàn tre, hàng ngày Đại tướng trải rộng tấm bản đồ nghiên cứu tình hình chiến sự. Đại tướng đã có những đêm thao thức trăn trở tìm cách đánh mưu trí, linh hoạt cho mỗi trận đánh để giành thắng lợi.

Từ căn hầm chỉ huy đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh Pú Huốt, cao nhất trong quần thể núi rừng ở Mường Phăng là đài quan sát. Từ đây có thể nhìn thấy toàn bộ thung lũng Mường Thanh với các cứ điểm đồi Him Lam, Độc Lập, D1, C1, A1, cầu Mường Thanh và hầm de Castries.

Và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, với tư cách là Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch, Đại tướng đã đưa ra một quyết định lịch sử. Đó là thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chia sẻ đó là “Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi”. Với quyết định sáng suốt này, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 Châu, chấn động địa cầu”.

Các điểm di tích thành phần thuộc di tích chiến trường Điện Biên Phủ trong đó có Sở Chỉ huy từng bước được đầu tư, tôn tạo, phục vụ tham quan du lịch.

Theo ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, 70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngôi lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng di tích Sở Chỉ huy chiến dịch không thay đổi nhiều. Đồng bào các dân tộc nơi đây luôn gìn giữ, bảo vệ Mường Phăng như khu rừng thiêng.

Món quà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho ông Lò Văn Bóng. (Ảnh tư liệu)

Món quà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho ông Lò Văn Bóng. (Ảnh tư liệu)

Tất cả cho Điện Biên Phủ

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ có sự đóng góp không nhỏ của Nhân dân Mường Phăng. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, mọi người đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, quyên góp, vận chuyển lương thực thực phẩm phục vụ chiến dịch nói chung và Bộ Chỉ huy chiến dịch tại xã Mường Phăng nói riêng, góp phần quan trọng vào chiến công vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Trong Chiến dịch, quân Pháp bố trí lực lượng, lập đồn bốt ở khắp mọi ngả đường. Máy bay địch quần thảo khắp lòng chảo Mường Thanh và khu vực lân cận để ngăn chặn mọi hoạt động tiếp viện từ hậu phương của ta.

Thời điểm đó, đời sống người dân Mường Phăng rất khó khăn, thiếu thốn, song với tinh thần “Tất cả cho Điện Biên Phủ”, mọi người đã ra sức tăng gia sản xuất, tiết kiệm, ăn độn khoai sắn dành phần lúa gạo tốt để chi viện cho tiền tuyến.

Như trường hợp cụ Lò Thị Đôi, nữ dân quân tham gia đội tự vệ xã Mường Phăng, mặc dù đã đi xa nhưng những đóng góp của cụ trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch luôn được khắc ghi.

Ngày đó, cụ Đôi vận động chị em phụ nữ và bà con dân bản ủng hộ, tiếp tế gạo, rau, thịt cho Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Để có lương thực, thực phẩm, cụ Đôi lặn lội vào từng nhà, vận động đồng bào ủng hộ cho bộ đội.

Lúc đầu gặp nhiều khó khăn, bởi người dân Mường Phăng và một số xã lân cận đều nghèo, thế nhưng sau khi nghe giải thích, mọi người đều ủng hộ. Người có gạo giúp gạo, hộ có thịt ủng hộ thịt... Không những thế, nhiều người còn tình nguyện xin đi vận chuyển quân lương.

Nhờ đó, phong trào “dốc bồ, đổ thúng” lan tỏa tới từng nhà dân, để “tất cả cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng”.

Sau thời gian ngắn vận động (khoảng 5 tháng), Nhân dân Mường Phăng ủng hộ Bộ Chỉ huy chiến dịch được 9 tấn thóc và 5 con trâu. Trong đó, gia đình cụ Đôi ủng hộ thêm nhiều trâu, bò, rau xanh.

Ông Lò Văn Biên thường xuyên lau chùi đài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cụ Lò Văn Bóng. (Ảnh: Thảo Trang)

Ông Lò Văn Biên thường xuyên lau chùi đài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cụ Lò Văn Bóng. (Ảnh: Thảo Trang)

Không chỉ đóng góp lương thực, thực phẩm, người dân Mường Phăng còn một lòng thủy chung với cách mạng. Để đảm bảo bí mật, an toàn cho Sở Chỉ huy, hàng nghìn người tình nguyện tham gia thiết lập các hành lang bảo vệ nhiều vòng, nhiều lớp liên hoàn vừa chủ động ngăn chặn sự xâm nhập của địch, vừa thuận tiện trong tiếp tế cho lực lượng đóng quân.

Khu Sở Chỉ huy cách trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hơn chục cây số (đường chim bay), quân Pháp thường xuyên cho máy bay tìm kiếm và xua quân càn quét, tìm diệt cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta. Nhưng suốt từ khi di chuyển và tập kết tại đây cho đến ngày quân ta giải phóng Điện Biên Phủ, nơi này đã được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Chúng tôi đến thăm ông Lò Văn Biên, con trai cụ Lò Văn Bóng - nguyên liên lạc và là cán bộ bảo vệ vòng ngoài Sở Chỉ huy. Năm nay đã gần 70 tuổi, ông Biên lần giở cho chúng tôi xem tập ảnh tư liệu mà nhiều năm qua gia đình gìn giữ như báu vật. Đó là những bức ảnh của cụ Lò Văn Bóng được gặp “ải pú tạp xấc” (ông nội đánh giặc - cách gọi trìu mến của người dân Mường Phăng dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Ông Biên dẫn lời các cụ kể lại, năm 1954, cụ Bóng khi ấy mới là chàng trai 24 tuổi, được lựa chọn tham gia lực lượng bảo vệ vòng ngoài Sở Chỉ huy. Cụ được phát một khẩu súng trường, ngày đêm lăn lộn dưới địa bàn vận động dân bản phòng gian bảo mật, tham gia bảo đảm an toàn tuyệt đối Sở Chỉ huy.

Bức ảnh cụ Lò Thị Đôi và nhân dân Mường Phăng chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được anh Lò Văn Ánh treo ở vị trí trang trọng trong nhà. (Ảnh tư liệu)

Bức ảnh cụ Lò Thị Đôi và nhân dân Mường Phăng chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được anh Lò Văn Ánh treo ở vị trí trang trọng trong nhà. (Ảnh tư liệu)

Nghĩa tình Mường Phăng

Ngày chiến thắng đã trôi qua 70 năm nhưng tình cảm, tấm lòng người dân Điện Biên nói chung và Mường Phăng nói riêng hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn vẹn nguyên, sâu đậm. Hình ảnh về Đại tướng vẫn luôn khắc sâu trong tâm thức người dân nơi đây. Tình cảm mà Đại tướng dành cho người dân Mường Phăng đã trở thành động lực để bà con đoàn kết, chung tay xây dựng bản làng phát triển, ấm no.

Bên hiên nhà sàn ở cuối bản Bua, ông Lò Văn Biên thường xuyên dành thời gian lau chiếc đài mà Đại tướng đã tặng cho bố ông trong chuyến thăm của Đại tướng lên Điện Biên vào năm 2004.

Ông Biên kể: “Có chiếc đài, bố tôi rất vui sướng, tự hào. Năm 2013, bố tôi mất. Lúc lâm chung, tâm nguyện của ông là được ngắm, sờ chiếc đài lần cuối và căn dặn con cháu phải gìn giữ kỷ vật này thật cẩn thận”.

Sau 20 năm, chiếc đài ấy đã trở thành kỷ vật vô giá của gia đình ông Biên. Với gia đình ông Biên, nếu ngày nào không được lau chùi, ngắm kỷ vật này, ngày đó như thiếu vắng một điều gì đó gần gũi, thân thuộc.

Rời bản Bua, chúng tôi đến bản Phăng 2 tìm gặp anh Lò Văn Ánh - người còn lưu giữ được bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp chung với bà con Mường Phăng.

Anh Ánh chia sẻ, bức ảnh là khoảnh khắc cụ Lò Thị Đôi (bà nội anh) và nhiều người Thái trong xã được chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần Đại tướng lên thăm lại Điện Biên năm 2004.

“Lúc còn sống, cụ Đôi quý bức ảnh này lắm. Cụ hay mang ra xem rồi kể cho con cháu nghe về Đại tướng, về chiến dịch. Cụ dặn dò con cháu trong gia đình, dòng họ phải nỗ lực xây dựng quê hương Mường Phăng và gìn giữ Khu di tích Sở Chỉ huy. Ngày biết tin Đại tướng mất, cụ Đôi buồn lắm. Cả ngày hôm đó cụ ngồi tựa cửa, ôm bức ảnh bà con Mường Phăng chụp chung với Đại tướng, mắt hướng về phía Sở Chỉ huy mà khóc”, anh Ánh nhớ lại.

Với người dân Mường Phăng, Đại tướng như người cha, người ông và luôn khắc ghi lời Đại tướng căn dặn khi về thăm Mường Phăng lần cuối, đó là phải giữ rừng khu vực hầm Đại tướng thật tốt, phải tập trung xóa đói giảm nghèo, phải cho con em mình học hành đến nơi đến chốn và giữ gìn đoàn kết các dân tộc!

Địa danh Mường Phăng đã đi vào thơ ca, nhạc họa, trở thành niềm tự hào không chỉ của người Việt Nam mà với cả nhân loại tiến bộ yêu chuộng hòa bình, độc lập.

Mường Phăng hôm nay không chỉ có “Rừng Đại tướng” mà còn có “hồ Đại tướng” và những trường học mang tên Đại tướng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.

Thêm Patriot cũng không ích gì

GD&TĐ - Theo Mikael Valtersson, cựu sĩ quan quân đội Thụy Điển và chuyên gia phòng không, việc nhận thêm Patriot không giúp Ukraine thoát thua.