Về nhà, nghe mẹ tấm tắc khen món ăn ngon, rẻ và các cô phục vụ chu đáo anh cứ cười thầm. Sợ mẹ xót tiền hộ con trai, anh nói dối mình có voucher giảm giá. Nhìn mẹ phấn khởi và háo hức y hệt mấy đứa nhỏ, anh cảm thấy ân hận.
Thỉnh thoảng cuối tuần, vợ chồng anh vẫn hay đi ăn nhà hàng để thay đổi không khí nhưng mẹ anh không đi vì bà không ăn mặn. Anh quyết định từ giờ sẽ đưa thêm một số địa chỉ nhà hàng chay vào những dịp đổi gió cuối tuần của gia đình.
Quà Vu Lan của anh Lê Vân (quận 7, TP HCM) lại là những chén thuốc bắc để bồi bổ sức khỏe. Năm nay mẹ anh bước sang tuổi 70, anh cảm thấy mẹ già và yếu hơn hẳn. Cụ cũng thường xuyên kêu đau lưng và huyết áp cao. Đưa mẹ đi bốc thuốc, anh dự tính, hết đợt thuốc này mà mẹ khỏe hơn thì lại lấy tiếp về cho mẹ uống.
“Thực ra, mình không nghĩ đó là quà biếu mẹ mùa Vu Lan, đó là việc cần phải làm của mình thôi”, anh Vân tâm sự. Những ngày này, nghe mọi người nhắc đến chuyện báo hiếu anh cảm thấy rất xúc động, tự hứa sẽ quan tâm tới mẹ nhiều hơn.
Phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội tâm lý học xã hội Việt Nam, Trưởng bộ môn Tâm lý học ĐH Sư phạm TP HCM, khi trò chuyện về “Chữ Hiếu trong xã hội hiện đại” cũng đồng tình "để sống hiếu thảo với cha mẹ, chúng ta không cần phải làm những gì quá cao xa, vĩ đại, cũng không cần đợi đến lễ Vu Lan mới báo hiếu".
Ông cho rằng hãy làm từ những việc rất nhỏ, như nói chuyện với cha mẹ nhiều hơn, đưa đón cha mẹ nhiều hơn, nấu cơm cho cha mẹ ăn, tặng quà cho cha mẹ và tự hỏi xem cha mẹ muốn gì nhất ở mình...
Theo ông, hành động hiếu thảo thể hiện qua hai phương diện vật chất và tinh thần. Lòng hiếu thảo chẳng những có ý nghĩa về mặt văn hóa, đạo đức mà còn có tác dụng giáo dục (là tấm gương sáng cho con cháu trong nhà noi theo). Với cha mẹ, hiếu quan trọng nhất chính là con nên người.
Chia sẻ trong một buổi hội thảo tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai cho rằng, với người già, vật chất không phải là nhu cầu chính mà tinh thần mới là điều quan trọng. Sự chăm sóc của con cháu về đời sống tinh thần sẽ giúp người già sống vui, sống khỏe. Nếu con cháu luôn quan tâm đến sức khỏe người cao tuổi, đến chơi với họ thường xuyên thì không có gì vui bằng.
Bà cũng cho biết nói chuyện với người già không khó như nhiều người vẫn tưởng. Nhu cầu được tâm sự của người già là rất cao, chỉ cần được hỏi một câu là người già có thể dốc hết bầu tâm sự. Mỗi lần gọi điện về cho mẹ, bà chỉ cần hỏi: “Hôm nay mợ có đi chợ không” là có thể biết được ngay sức khỏe của mẹ mình hôm đó như thế nào.
Những người ở gần cha mẹ có thể dễ dàng gặp gỡ và thăm nom cha mẹ, ngày lễ Vu Lan dường như không gây nhiều ấn tượng đặc biệt. Với những đứa con xa nhà, Vu Lan thường khiến họ có nhiều cảm giác như mắc lỗi với đấng sinh thành.
Đi chùa dự lễ Vu Lan, Thùy Dương không thể cầm nổi nước mắt vì thấy nhớ nhà và cảm giác mình chưa làm tròn trách nhiệm với bố mẹ. Tốt nghiệp đại học, ở lại TP HCM làm việc rồi lấy chồng, mỗi năm Dương chỉ về quê nhà ở Thanh Hóa khoảng một, hai lần. Mối liên hệ duy nhất của Dương với bố mẹ chỉ là gọi điện và nhắn tin.
Bố mẹ nếu có ốm đau nhẹ không bao giờ cho nói cho con, cô thường chỉ biết được khi việc đã qua, hoặc có người quen ở quê kể. Không thể chăm sóc bố mẹ, Dương vẫn gửi tiền về quê, nhưng tháng 7 này cô gửi về nhiều hơn bình thường. “Mình chỉ bảo tháng này con được thưởng, biếu thêm bố mẹ tiêu cho các cụ vui", Dương chia sẻ.
Mùa Vu Lan, đọc những bài viết về cha mẹ, Ngọc Linh, một du học sinh đang sống tại Sydney, Australia, cũng có những cảm giác rất khó tả. "Em chỉ muốn có cánh để bay về nhà, rồi lại tự hứa quyết tâm sẽ học thật tốt để không phụ công cha mẹ".
Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân, Phó văn phòng Trung ương hội Phật giáo Việt Nam, nhận xét tâm hiếu hạnh được thể hiện ở rất nhiều hình thức, phương diện. Không phải ở bên cha mẹ mới là báo đáp. Nếu không có điều kiện ở bên cha mẹ để chăm sóc thường xuyên thì việc gửi tiền cũng là thể hiện tấm lòng của mình với cha mẹ.
Trong cuộc sống, nhiều người phải sống xa cha mẹ, thậm chí phải ra nước ngoài sinh sống, không có điều kiện về quê hương, đất nước để gặp gỡ người thân. Đó chỉ là khoảng cách về không gian, ông cho rằng cái tâm hiếu ở mỗi con người không bị giới hạn bởi không gian, thời gian.
"Nếu bạn ở xa, hoặc cha mẹ đã khuất không còn cơ hội để gần gũi, chăm sóc thì bạn vẫn có thể nuôi dưỡng được tâm hiếu của mình trong cuộc sống hàng ngày".
Ông cũng cho rằng chúng ta nên hiểu chữ hiếu một cách rộng, nó không chỉ là mối liên hệ giữa bạn với cha mẹ lúc ở gần, hay lúc còn tại thế mà là với gia đình, người thân, dòng họ, những người lớn tuổi xung quanh.
Bạn sống tốt và biết chăm lo cho thế hệ con cháu cũng là thể hiện cái hiếu với ông bà tổ tiên. Bạn hãy vun đắp truyền thống đạo nghĩa tốt đẹp của tổ tiên, của dân tộc, xây dựng hình ảnh người Việt Nam tốt đẹp cũng là một cách thể hiện chữ Hiếu.