Chúng không chỉ đến từ các tỉnh phía Bắc mà còn ở tận miền Trung xa xôi được chuyên chở bởi người bán hàng rong, có khi nằm thư thái trong thúng, trên mẹt đung đưa theo bước chân kẽo kẹt gánh gồng; cũng có khi rung rung cùng nhịp xe máy bon bon.
Áo vàng của thị sáp (tròn dẹt) và thị muộn (tròn cầu) nằm trong đám lá xanh như được nhuộm thêm sắc vàng bởi nắng Thu…
Buổi sớm, chị mua dăm quả thị muộn đang vào độ bừng hương, muốn kiếm dây đay tết rọ để treo mới sực nhớ hôm nay đâu phải khi xưa… Ấy là, cái thuở cùng đám bạn hí hoáy xé dây đay thành mảnh nhỏ rồi thắt nút từng quãng để chiều về rủ nhau sang nhà bà Siêng xin quả thị vừa khoác áo vàng đặt vào đó.
Quá quen với trò này của đám trẻ, chỉ cần thấy bóng dáng là bà Siêng đã vẫy tay rồi quay ra mủm mỉm nhai trầu, mặc chúng lao xao trong vườn so đo quả nhỏ, quả to; cười nắc nẻ vì có đứa đoảng tết rọ mắt cáo to đùng bỏ quả nào rơi tõm quả đó…
Tối về, hương thị thoang thoảng khắp gian nhà nhỏ, mẹ thầm thì kể chuyện cô Tấm bước ra từ quả thị để trở về với hoàng tử và ngân nga: “Thị ơi, thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn…”.
Truyện cổ tích là vậy chứ với đám trẻ tinh nghịch, háu ăn thuở ấy thì sau đôi ba ngày ngửi hương thấy quả thị dần mềm mại, sẫm vàng liền vo tròn trong lòng bàn tay và “xé áo” vàng để mà nhẩn nha thưởng thức từng tép thơm thơm, ngòn ngọt, chan chát.
Mỗi lần “phá cỗ thị” như thế là chúng lại được dịp mơ màng tưởng tượng ra cô Tấm của riêng mình và cất tiếng gọi: “Thị ơi…”.