Và, nói đến hòn đảo vẫn mang trong mình những dấu tích một thời là địa ngục trần gian thì không thể không nhắc đến những “cụ bàng” đã tồn tại theo chiều dài cùng các phòng biệt giam tăm tối kia.
Câu chuyện để có thể làm ra hạt bàng bán cho du khách cũng là một quá trình. Vào mùa bàng chín rụng, sáng sớm người dân đi thu gom, về bán lại cho các cơ sở chế biến.
Trong tuổi thơ ít nhiều cũng có người nhặt trái bàng chín rụng, rồi tìm cách đập vỡ ra để lấy hạt ăn, thì thấy đặc sản hạt bàng ở đây vô cùng độc đáo. Giá cả khi chúng tôi đến vô cùng khác nhau: Từ 300 đến 400 nghìn/1 kg hạt bàng tẩm đường với gừng và dứa, từ 350.000 đến 450.000 hạt bàng rang nguyên chất.
Giờ đây, để đến Côn Đảo du khách có thể lựa chọn nhiều chuyến bay khác nhau từ Hà Nội, TPHCM và TP Vũng Tàu. Sân bay Côn Sơn cách trung tâm huyện hơn 10 km, đi ven núi và biển.
Nếu những cây bàng ở những nơi khác trồng chủ yếu che bóng mát, và ngại nhất là vào mùa lá rụng, thì cây bàng ở Côn Đảo gắn liền với những người tù năm xưa như những chiếc lá bàng thành giấy để viết thư. Trong cơ man cây bàng ở đây, có 53 cây bàng di sản mà tuổi cây từ 100 - 150 tuổi.
Có thể vào thời điểm người Pháp xây dựng Nhà tù Côn Đảo vào năm 1862, họ đã trồng cây bàng trong các nhà tù, như nhà tù Phú Hải, Phú Sơn có 15 cây bàng vòng ôm lớn, cây sần sùi và tỏa bóng mát một vùng.
Ngay nhà Chúa đảo, phía trước có một hàng bàng, điểm xuyết cho con đường chạy ra biển, giáp không xa là bãi biển nghìn năm vỗ sóng với cầu tàu 914, nơi có 914 tù nhân xây dựng và bỏ mạng nơi này. Tại cầu tàu 914, dọc theo con đường Tôn Đức Thắng, con đường biển rất nhiều cây bàng cổ thụ, rất đẹp với 19 cây.
Côn Đảo nhỏ, thuê chiếc xe máy đi vòng vòng chừng một tiếng đồng hồ là hết, đặc biệt là đường nào rồi cũng ra con đường biển và con đường này cũng gặp những cây bàng. Những cây bàng hai người ôm, gốc cây nổi lên những đốt sần sùi được chăm sóc tốt, những cành vươn cao già lắm rồi, đang bắt đầu thay lá mới…