Lý Sơn đã tạo cho mình một “đặc sản” lưu niệm riêng ngoài hai thứ: Tỏi và hành tím cực kỳ nổi tiếng.
Ngày tôi ra Lý Sơn, con tàu trống khách. Mọi người bảo là trước khi có dịch Covid-19, vào những ngày trời đẹp, khách đi tàu gần như kín chỗ, đôi khi đặt vé không có. Cái thênh thang hiếm có này khiến tôi có khoảng thời gian trên đảo rất tuyệt vời.
Đó là lần đầu tôi ra hòn đảo này, nghe nói ở Lý Sơn có nhiều cây bàng vuông, nhưng khi chạm chân đến vùng đất này, tôi không ngờ Lý Sơn đã trở thành hòn đảo của cây bàng vuông, giống như Côn Đảo nổi danh bởi cây bàng.
Nhưng cây bàng ở Côn Đảo vào mùa trái chín rụng, được thu gom, và hạt bàng trở thành đặc sản của nơi này. Trái bàng vuông chắc không thể lấy hạt làm thực phẩm, cho nên người dân nghĩ ra việc trồng giống cây bàng vuông, quả thật là một ý tưởng thông minh.
Nói đến cây bàng vuông, người ta nghĩ đến các đảo Trường Sa, rồi giống bàng vuông Trường Sa đã được trồng ở nhiều nơi trên đất liền. Nhưng nếu gọi ở nơi nào của đất nước nhiều cây bàng vuông thì chắc chắn là Lý Sơn. Đơn giản bởi diện tích Trường Sa Lớn cũng chỉ 0,15 km2, trong khi Lý Sơn rộng đến 10 km2 và tại đây có rất nhiều cây bàng vuông cổ thụ.
Thật ra thì tên “bàng vuông” trở thành quen thuộc bởi trái của cây có cạnh vuông, lá giống lá bàng. Đặt tính cây bàng vuông là độ chịu mặn cao, do đó, chúng có thể mọc ở bên triền đá, bãi sỏi rồi tự thân lớn lên. Có khi cây bàng vuông lớn lên ở nơi này là gốc của một cây bàng vuông cách đó cả nghìn cây số.
Chuyện kể rằng, cây bàng vuông có nguồn gốc rất xa, và để tìm vùng đất mới, những trái bàng vuông rụng xuống biển và làm cuộc hành trình đi tìm đất sống. Những trái bàng khô cứ dập dìu theo sóng, trôi theo hải lưu, và với góc cạnh vuông và trên đầu trái có mấy cánh khô, trái bàng giống như được “lái” theo con nước.
Có khi ròng rã hai năm trời trái bàng vuông ở trên biển, trái nào may mắn tấp vào một hòn đảo nào đó hay một ghềnh đá - thế là mầm xanh mọc lên, cây bàng vuông âm thầm phát triển. Từ đó, mới có câu chuyện là nguồn gốc những cây bàng vuông ở Lý Sơn là trôi dạt từ Philippines đến. Và vì thế, ngày đảo Bé cũng là đảo nhỏ của Lý Sơn cũng có cây bàng vuông ước tính 200 tuổi, tỏa bóng một vùng, đến mùa lại ra trái, trái khô rụng trôi dạt trên đại dương.
Tại Lý Sơn, khách đi thăm chùa Hang, sau khi leo xuống các bậc cấp, say mê chụp ảnh những bãi đá rất huyền ảo, có một bãi đá giống như Hang Rái ở Ninh Thuận là vào thăm chùa. Và nếu không chú ý, sẽ không ngờ rằng phía trước chùa có hai cây bàng vuông cổ thụ, tán che phủ một vùng, gốc cây sần sùi rất đẹp.
Có người nói, hai cây bàng vuông này nguyên là từ những trái bàng vuông trôi lênh đênh trên biển tấp vào và đâm chồi. Tất nhiên là không ai chứng kiến câu chuyện hai cây bàng này lớn lên như thế nào, chuyện kể thì phải có chút hương vị mới tạo cảm giác cho người nghe.
Nhưng cây bàng vuông tôi gặp đầu tiên trên đảo Lý Sơn lại là cây bàng vuông ngay cổng vào khu tưởng niệm Đội dân quân Hoàng Sa. Khi bước xuống xe, tôi chạm ngay cây bàng vuông trĩu trái, đang ra hoa (tất nhiên là tôi không thể chụp hình được những bông hoa, vì hoa bàng vuông chỉ nở vào lúc 4 giờ sáng và khi Mặt trời mọc thì đã tàn).
Trong bao nhiêu năm, những cây bàng vuông ở Lý Sơn rụng trái, nhiều người lấy đem ươm, nhưng ươm mãi không ra lá non nên nản, nản là đúng vì cả năm sau từ trái bàng khô mới nảy mầm thành cây con. Mãi đến năm 2015, việc gây giống để biến những con đường trên đảo tỏa bóng những cây bàng vuông mới được tiến hành và đến nay, sau 15 năm, những con đường trồng cây bàng vuông đã tạo nên cảnh quan, mỗi mùa cây ra hoa, kết trái…
Lý Sơn, hòn đảo ngày xưa được gọi là đảo Ré (vì có nhiều cây ré), trong tương lai xa, chắc chắn sẽ thêm cái tên mới: Đảo cây bàng vuông. Và đặc sản đem về từ đảo ngoài tỏi, hành, rong biển, rau câu... sẽ thêm những cây bàng vuông con.