Theo giới thiệu, ở Côn Đảo có 53 cây bàng được Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Ngược dòng lịch sử, ngày 28/11/1861, Thực dân Pháp chiếm Côn Đảo. Ngày 1/02/1862, Thủy sư đô đốc Pháp Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, đến nay là trên 150 năm. Và, cũng như thế, những cây bàng ở Côn Đảo cũng chừng đó năm tuổi và chủ yếu được trồng trong sân các trại giam, nhất là trại Phú Hải, trại Phú Sơn và mấy con đường xung quanh trại giam như đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Cừ, Lê Đức Thọ.
Bàng (tên khoa học là Terminalia catappa), là một loài cây thân gỗ lớn sinh sống ở vùng nhiệt đới, thuộc họ Trâm bầu (Combretaceae). Bàng ở Côn có những cây gốc to 3-4 người ôm không xuể. Bất kể nắng mưa, bão tố, thời tiết khắc nghiệt, bàng Côn Đảo lúc nào cũng xanh tốt, uy nghi. Vì thế, bàng được xem là loại cây là biểu tượng của đảo, là hình ảnh phản ánh một thời đau thương của người Việt Nam đã từng bị giam giữ tại “địa ngục trần gian”.
Theo lời kể của người dân đại phương, bàng là loài cây rất gần gũi, gắn bó với người dân Côn Đảo, đặc biệt là với những người tù bị lưu đày ra Côn Đảo. Lá bàng được những người tù nhặt về cất giấu, lót trên nền đá của trại giam để nằm, mong chống chọi với thời tiết khắc nghiệt; quả bàng và cả những chiếc lá bàng non còn là thức ăn bổ sung dưỡng chất cho người tù chống lại bệnh tật do những ngày trong tù phải ăn uống thiếu thốn, khổ cực….
Trải qua hàng trăm năm, dù chống chọi với bao thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng những cây bàng Côn Đảo vẫn phát triển, vẫn xanh tốt, vẫn tỏa bóng che mát những khoảng không, những con đường. Nhìn bàng Côn Đảo sừng sững, uy nghi, ta lại nhớ đến những người tù dù phải trả qua bao thử thách nghiệt của chốn lao tù những vẫn kiên trung, bất khuất, đã vượt lên trên tất cả, bền bỉ đấu tranh, giữ trọn khí tiết của người chiến sĩ Cộng sản...