Cần thành lập doanh nghiệp trước khi thành lập trường

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Còn nhiều bất cập dẫn đến tranh chấp kéo dài

- Dưới góc nhìn của luật sư và đang công tác trong cơ sở giáo dục ĐH, bà nhận định thế nào về mô hình trường tư thục mà nhà đầu tư là các cá nhân, không thành lập tổ chức kinh tế?

Hoạt động của trường tư thục không chịu sự điều chỉnh của luật doanh nghiệp vì nhà đầu tư là cá nhân hoặc nhóm cá nhân, không phải là doanh nghiêp. Đối với trường mà các thành viên góp vốn không thành lập công ty, mọi hoạt động của thành viên góp vốn không thể áp dụng luật doanh nghiệp. Nên khi các thành viên đồng thuận thì họ tự nguyện thống nhất áp dụng Luật Doanh nghiệp, nhưng khi có tranh chấp thì sẽ không thể áp dụng các phương thức của Luật Doanh nghiệp để giải quyết vì các cá nhân không nằm trong phạm vi bắt buộc áp dụng các quy định này.

Trong Điều lệ trường cũng có quy định nhưng không đầy đủ các góc cạnh như luật doanh nghiệp nên không thể giải quyết được nếu có tranh chấp giữa các thành viên góp vốn. Do đó, tranh chấp bị nảy sinh và bị kéo dài không giải quyết được. Có thể thấy, hoạt động đào tạo không được quan tâm, người học, giáo viên, các đối tượng liên quan bị ảnh hưởng nặng nề khi tranh chấp giữa các cá nhân nhà đầu tư nảy sinh.

Ngoài ra, bất cập của mô hình trường tư thục mà nhà đầu tư là các cá nhân, không thành lập tổ chức kinh tế là không phân định được đâu là tài sản của cá nhân nhà đầu tư, đâu là tài sản của nhà trường vì chỉ có biên bản góp vốn. Không phân định rõ được quản trị hoạt động đầu tư và quản trị hoạt động đào tạo của nhà trường.

Hội đồng trường (HĐT) sẽ thực hiện cả nhiệm vụ quản trị hoạt động đầu tư và quản trị hoạt động đào tạo. Bản thân các nhà đầu tư trường tư thục không nắm vững các quy định pháp lý về đầu tư kinh doanh khi đầu tư thành lập trường (hầu hết là các nhà giáo). Đầu tư bằng sở hữu trí tuệ không được các nhà đầu tư định giá ngay từ thời điểm đầu tư. Việc phân chia lợi nhuận theo mức góp vốn bằng tài sản trí tuệ không có quy định cụ thể.

Về hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan còn một số bất cập, như hệ thống pháp luật quy định chưa đầy đủ, thiếu thực tế đối với mô hình giáo dục tư thục. Hệ thống pháp lý hiện hành điều chỉnh hoạt động của trường tư thục không ghi nhận vốn góp đầu tư ban đầu bằng bất kỳ hình thức giấy tờ pháp lý nào, mà chỉ yêu cầu nhà đầu tư thể hiện bằng biên bản góp vốn. Trong khi biên bản góp vốn được soạn thảo không theo bất cứ quy định pháp lý nào mà chỉ thể hiện ý chí và mong muốn của nhà đầu tư.

Luật sư Nguyễn Kim Dung
 Luật sư Nguyễn Kim Dung

Không nên né tránh thuật ngữ “dịch vụ giáo dục”

- Vậy theo bà, đâu là giải pháp tháo gỡ những “nút thắt” như trên?

Tôi cho rằng không nên né tránh thuật ngữ “dịch vụ giáo dục”. Với giáo dục tư thục, bản chất là đầu tư góp vốn thực hiện dịch vụ giáo dục là loại dịch vụ nằm trong danh mục đầu tư có điều kiện theo Luật Đầu tư 2014. Thuật ngữ “dịch vụ giáo dục” cũng được sử dụng trong cam kết WTO.

Nhà nước cần có giải pháp quản lý đối với phần vốn đầu tư cho giáo dục tư thục để đảm bảo phần vốn này được đầu tư đủ, đúng, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, điều kiện học tập, đặc biệt khi giáo dục tư thục được ưu tiên phát triển để giảm gánh nặng cho cơ sở công lập. Nếu phần vốn đầu tư đó vẫn thuộc sở hữu của nhà đầu tư là tư nhân thì vẫn thuộc sở hữu cá nhân, do đó, phần vốn góp phải được xác định bằng một thủ tục pháp lý để phần vốn dự định đầu tư đó được định danh là vốn đầu tư cho cơ sở giáo dục.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2015, loại hình tổ chức kinh tế hay còn gọi là doanh nghiệp sẽ đáp ứng được các điều kiện về đảm bảo vốn đầu tư nêu trên. Bên cạnh đó, việc góp vốn, định giá tài sản góp vốn, biểu quyết theo phần vốn góp để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh bao gồm cả hoạt động đầu tư dịch vụ giáo dục sẽ được giải quyết theo các quy định của luật doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ phải tuân thủ các quy định này để đảm bảo các hoạt động đầu tư vốn theo đúng các quy định của luât hiện hành.

Như vậy, nhà đầu tư dịch vụ giáo dục, cần phải thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện hoạt động đầu tư vào cơ sở giáo dục. Mô hình thành lập doanh nghiệp trước khi thành lập trường chỉ áp dụng cho mô hình trường tư thục vì lợi nhuận. Không áp dụng cho mô hình trường công và trường tư thục không vì lợi nhuận. Bởi, loại hình trường công, trường tư vì lợi nhuận và trường tư không vì lợi nhuận hoạt động đào tạo giống nhau nhưng cơ chế hoạt động quản trị vốn đầu tư khác nhau.

Về giải pháp, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH cần định hướng sự phát triển giáo dục tư thục bằng các quy định pháp lý rõ ràng, cụ thể như quy định mô hình chủ sở hữu Trường tư thục là tổ chức kinh tế (loại hình tổ chức theo luật doanh nghiêp)nhằm đảm bảo quản lý nhà nước. Vốn đầu tư của trường tư thục phải được xác định bằng 1 văn bản pháp lý cụ thể (giấy đăng ký đầu tư và giấy đăng ký doanh nghiêp). Nghiên cứu để đưa ra chế định hình thức được phép đầu tư trong giáo dục, ví dụ trong chứng khoán, chỉ được lựa chọn mô hình tổ chức nhà nước cho phép.

- Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH quy định: Đối với các cơ sở giáo dục ĐH tư thục đã thành lập trước khi Luật có hiệu lực, nhà đầu tư có quyền thành lập hoặc không thành lập tổ chức kinh tế. Bà nghĩ sao về quy định này?

Theo quy định tại điều 152 của luật ban hành văn bản pháp luật thì “Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý”. Do đó không quy định hồi tố với điều kiện phải thành lập doanh nghiệp đối với các trường đã được thành lập trước đó.

Các nhà đầu tư của các trường đang hoạt động sẽ tự quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc không. Tuy nhiên, hiện tại có rất nhiều trường tư thục đã và đang hoạt động theo mô hình nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp rồi, ví dụ, Trường ĐH FPT, Trường ĐH quốc tế Miền Đông, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng,...

Với nhà đầu tư của trường tư thục là doanh nghiệp mà vẫn quy định nhà trường có tư cách pháp nhân: Theo quy định của bộ Luật Dân sự 2015 thì 4 yếu tố để có tư cách pháp nhân là: thành lập hợp pháp/có cơ cấu tổ chức/có tài sản độc lập và chịu trách nhiệm bằng tài sản độc lập đó/tham gia quan hệ pháp luật độc lập.

Từ quy định này cho thấy, nếu quy định trường tư thục có tư cách pháp nhân thì nhà đầu tư không cần thành lập doanh nghiệp nữa vì lúc này nhà trường và doanh nghiệp là 1 pháp nhân độc lập. Nhà đầu tư sẽ không phải chịu trách nhiệm cho hoạt động của nhà trường.

Hội đồng trường sẽ phải thực hiện cả việc quản trị vốn đầu tư và quản trị hoạt động đào tạo, mục đích phát triển giáo dục tư thục để giảm gách nặng cho công lập không đạt được, tiêu chí tập trung vào đào tạo của nhà trường cũng không đạt được. Khi tạo pháp nhân trong pháp nhân sẽ vô tình khiến cho doanh nghiệp phải lách luật và không tuân thủ, không chịu trách nhiệm với dự án nhà trường mà họ lập nên.

Giải quyết quan hệ giữa nhà đầu tư, Hội đồng trường, Hiệu trưởng

- Với mô hình trường như trên, mối quan hệ giữa nhà đầu tư, Hội đồng trường, Hiệu trưởng sẽ như thế nào, thưa bà?

Mối quan hệ giữa nhà đầu tư là doanh nghiệp và HĐT được phân định thành 2 cơ quan quyền lực: doanh nghiệp là cơ quan quản lý phần vốn, HĐT là cơ quan quản lý các hoạt động đào tạo. Nhà đầu tư thông qua tổ chức kinh tế để điều hành hoạt động đầu tư cơ sở giáo dục là cơ quan quản lý cao nhất, có trách nhiệm xây dựng các quy định về tài chính, hệ thống kế toán, thực hiện các hoạt động về quảng cáo, tuyển sinh, báo cáo tài chính, phê duyệt các kế hoạch đào tạo, kế hoạch phát triển nhà trường, kế hoạch nhân sự do HĐT đề xuất.

HĐT là cơ quan quản lý cao nhất quyết định các vấn đề đào tạo, học thuật, mở ngành, nghiên cứu khoa học và các chế độ chính sách cho giảng viên, người học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

- Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.