Nhưng học nghề gì, ngành nào thì cũng nên nỗ lực đạt kết quả tốt nhất, cho dù sau này có được làm đúng nghề hay không thì những kiến thức trên giảng đường đại học cũng là nền tảng, bổ trợ rất nhiều cho công việc sau này.
Nghề tốt là cơ hội + kỹ năng
Người xưa có câu: “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, điều này nói lên sự am tường, chuyên sâu vào một nghề nào đó. Câu nói này thời nào cũng đúng nhưng với nhiều chuyên gia, trong một xã hội hiện đại khi nền tảng kiến thức mở, người học có thể đa dạng trong sự lựa chọn cũng như thay đổi, tuy nhiên kiến thức nền tảng để có thể mở rộng trong phạm vi nghề nghiệp đó là rất cần thiết.
Ông Chu Tuấn Anh - Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên quốc tế Aptech diễn giải về việc này từ công việc của một lập trình viên: Đừng nghĩ rằng chỉ cần biết lập trình là lập trình máy tính là xong, học vẽ chỉ có đi vẽ dạo hay may vá sẽ đi làm thuê cho công ty may. Nếu yêu thích lập trình, bạn có thể tạo web, lập trình game, tạo ra muôn vàn những ứng dụng tuyệt vời ví dụ như Grab, Foody, Facebook, Instagram… Nếu yêu thích vẽ, bạn có thể làm nhà thiết kế thời trang…
Nói như vậy, học tinh một nghề là lập trình viên bạn sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó thì nghiễm nhiên cơ hội nghề nghiệp của bạn sẽ trở nên đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. Bạn sẽ không thiếu gì cơ hội để lựa chọn nghề phù hợp với sở thích của mình cùng nền tảng kiến thức, kỹ năng là chuyên gia lập trình.
Đưa ra nhận định về cơ hội tốt cho lao động liên quan đến công nghệ thông tin ở thị trường Việt Nam, ông Phan Viết Hoàn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị My Work, cho rằng: Việt Nam đang ở thời điểm dân số vàng, đây là cơ hội mở rộng cho tất cả mọi người. Nếu nắm bắt được cơ hội này, bạn có thể làm giàu rất nhanh.
Theo thống kê theo thu nhập bình quân và nhu cầu thì có 7 nhóm ngành chính hiện nay là: Tài chính, Công nghệ thông tin (CNTT), Sản xuất, Nhà hàng – khách sạn - bán lẻ, Y tế, Giáo dục và Dịch vụ, nhưng duy nhất có nhóm ngành CNTT là có mức thu nhập cao nhất cho sinh viên khi mới ra trường. CNTT là ngành có tính ứng dụng cao, mọi ngành nghề đều phải sử dụng CNTT… Thực tế đã chứng minh nhiều tên tuổi thành danh nhờ có sự năng động khi biết tận dụng kiến thức nền tảng CNTT để kinh doanh.
Đòi hỏi kiến thức nền tảng tốt
TS Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội đưa ra một lộ trình từ học nghề cho đến thạo việc. Đầu tiên là những bước đi chập chững khi còn ngồi trên giảng đường. Thứ đến là quen và bước đầu phát huy tính tự lập từ những kiến thức học được trong nhà trường.
Và cuối cùng sau 4 năm, khi sinh viên đã học xong và tốt nghiệp, lúc này những kiến thức nền cùng những hiểu biết xã hội đã thay đổi rất nhiều so với ngày đầu tiên được các bạn cập nhật, được hiện thực hóa bằng chiến lược kinh doanh hay làm một việc gì đó. Nếu ai có kiến thức nền tảng tốt, cùng với những kỹ năng cập nhật mang tính thời cuộc, những nhu cầu nóng trong xã hội thì người đó sẽ rất nhanh đưa ra được chiến lược đi đến thành công.
Theo số liệu thống kê của các chuyên gia, nhóm ngành về Lập trình về CNTT có mức thu nhập từ 7 - 10 triệu khi mới ra trường và có kinh nghiệm 3 năm có lương 15 - 20 triệu là bình thường. Dự báo đưa ra là nhu cầu tuyển dụng cao, ứng viên tìm việc dễ dàng. Đặc biệt là nhà tuyển dụng không cần biết người lao động đó học ở đâu, bằng cấp như thế nào, mà quan trọng là khi tuyển dụng với các bài test, ứng viên cho thấy mình là chuyên gia xuất sắc, đảm nhận được công việc tốt.
Lý giải điều này, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, nhóm ngành CNTT có nhu cầu và thu nhập cao vì Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang khiến CNTT đến mọi ngõ ngách của cuộc sống. Thế nên, lời khuyên của các chuyên gia và doanh nghiệp với các bạn trẻ là: Trước khi có được tấm bằng giỏi hay xuất sắc thì hãy kiểm tra xem mình có phải là lao động lành nghề, người thạo việc không đã!