Học nghề để làm thợ giỏi

GD&TĐ - Chỉ còn 2 tháng nữa là Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ diễn ra, và đã đến hạn cuối cùng thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó có mục xét tuyển ĐH, CĐ của thí sinh. 

Học nghề để làm thợ giỏi

Nhiều bạn vẫn còn những lo lắng, học trường nào, nghề nào có tương lai sau này. Lời khuyên tốt nhất với các bạn là nếu có sức học tốt, thì chọn giảng đường đại học là mơ ước phù hợp, nhưng nếu lực học vừa phải thì nên tìm hướng đi khác, nghề nào cũng cao quý, không cứ phải là cử nhân hay kỹ sư.

Lời khuyên của thầy cô

Nhiều thầy cô giáo luôn tham khảo ý kiến của các nhà tuyển dụng lao động và chuyên gia tuyển sinh, đã có tư vấn cho học sinh của mình là thường thì doanh nghiệp tìm người phụ thuộc vào chuyên môn, năng lực làm việc nhiều hơn là bằng cấp. Thế nên, việc có bằng cấp theo đúng chuyên môn là điều kiện đủ, nhưng cần thiết hơn cả là lao động đó phải đáp ứng được yêu cầu công việc. Thực tế cho thấy, không phải cứ tốt nghiệp đại học là thuận việc làm, nhiều người thành đạt trong sự nghiệp, làm giàu đâu có học đại học, hoặc có học nhưng không phải những ngành mình ưa thích.

Cô giáo Lê Bình Minh, giáo viên Toán, Trường THPT Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh, chia sẻ: “Tôi luôn khuyên học trò của mình là thực tế có rất nhiều người đã sau một thời gian đi học, tìm việc làm, sau đó mới nhận ra rằng, bằng đại học chỉ là điều kiện đủ để họ có một nền tảng căn bản tiếp thu tri thức mới. Bằng cấp không phải là yếu tố quá quan trọng để có được việc làm và thu nhập tốt. Nếu sức học vừa phải nên chọn lựa học cao đẳng, kể cả đi học nghề. Sau đó nếu thích học lên đại học cũng không thiếu cơ hội, Chịu đi đường vòng, sau này học liên thông lên cao đẳng và đại học – sẽ tốt hơn nhiều là cứ cố vào trường ĐH, CĐ nào đó mà mình chưa có thời gian chuẩn bị kỹ”.

TS Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, bổ sung thêm: “Trong xã hội hiện đại, nhu cầu học tập được đáp ứng liên tục và suốt đời, hơn nữa đại học không phải là con đường duy nhất để các bạn trẻ vào đời. Nếu điều kiện chưa đủ, hãy tạm gác ước mơ đó lại mà theo học nghề để đi làm. Thực tế đào tạo ở Viện Đại học Mở Hà Nội, cho thấy có nhiều người đang làm việc ở nơi này, nơi kia do hoàn cảnh và điều kiện trước đây chưa đi học được. Nay các bạn đó có điều kiện tốt hơn nên tìm đến giảng đường đại học.

Cần sáng suốt lựa chọn

Theo nhiều thầy cô giáo ở Trường THPT Vũ Văn Hiếu, TP Hạ Long: “Do học sinh ở trường sức học vừa phải nên lời khuyên của chúng tôi với các em là: Hãy tìm đến các địa chỉ của ngành than, các khu công nghiệp quanh TP Hạ Long. Việc học trường nghề hay trung cấp để sau này làm việc ở những nơi này là lựa chọn đúng, phù hợp với các em”.

“Chúng tôi cũng khuyên: Đã có nhiều bạn chọn học đại học, sau đó rất vất vả với việc học, có bạn phải dừng giữa đường. Thế nên, xác định năng lực học tập của mình mà chọn nghề là sáng suốt” – Thầy Đoàn Văn Thanh (GV Trường THPT Vũ Văn Hiếu – Hạ Long), bổ sung thêm.

Có một thực tế mà nhiều doanh nghiệp vướng phải và không muốn lặp lại chút nào: Đó là tuyển dụng lao động mà không gắn với yêu cầu sản xuất. Doanh nghiệp tuyển về thì lại phải đào tạo lại tốn kém nhiều hơn. Lao động thì tốn kém do phải đi học, đào tạo lại. Thế nên điều cần thiết là hai bên cùng phải sáng suốt trong đào tạo và tuyển dụng.

Đây cũng là cảnh tỉnh của các chuyên gia tuyển sinh với thí sinh vào mỗi mùa thi. Nếu là một kỹ sư hay cử nhân có năng lực tốt, thì có việc làm không phải là điều khó khăn, nhưng ngược lại nếu chuyên môn không đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp thì việc làm khó kiếm là điều dễ hiểu.

Ông Nguyễn Tuấn Nghĩa – Phó phòng GDCN&TX, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh, dịp này bên cạnh việc ôn tập, phụ đạo kiến thức cho học sinh, các thầy cô giáo cũng luôn gắn với việc tư vấn, phân luồng cho các em. Quan điểm của các thầy cô là cần phải để các em hiểu rằng: Việc học xong ra trường có việc làm hay không không phải là việc học trường nào, ngành nào mà phụ thuộc nhiều vào chính năng lực của bản thân mỗi người. Đừng nên đưa ra chọn lựa quá sức mình, khi thất bại sẽ dẫn đến tâm lý chán nản là điều không nên chút nào – ông Nghĩa khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ