Một cái ôm xoa dịu “cơn” nói bậy ở trẻ

GD&TĐ - Nhiều trẻ nhỏ nói tục, nói bậy… ở thời điểm các con bực tức. Vì vậy, giúp con kiềm chế cảm xúc, cùng con đi dạo, chơi một trò vui, hay là một cái ôm, một câu nói xoa dịu.

Giúp trẻ tìm hiểu ngôn ngữ qua việc đọc sách. Ảnh minh họa: Internet.
Giúp trẻ tìm hiểu ngôn ngữ qua việc đọc sách. Ảnh minh họa: Internet.

Con nói bậy, bố mẹ “đứng hình”

Con chị Thanh Huyền (ngụ tại Quận 7, TPHCM) đang học lớp 7. Thời gian gần đây cháu có những phát ngôn “không giống ai”. Điều này được chị vô tình phát hiện ra thông qua tin nhắn điện thoại của con với một người bạn cũ ở tiểu học.

Chưa kể, trong một lần cả nhà đi chơi, cùng đứng ở sảnh chờ xe taxi khá lâu do trời mưa, con đã tỏ thái độ và buột miệng chửi tục.

Chị Huyền kể, sau khi phát hiện ra con có những ngôn từ thiếu lành mạnh, chị thường quan sát con hơn. Để tìm hiểu nguyên nhân, chị có trao đổi với cô giáo chủ nhiệm, cũng như một vài người bạn để xem ở trường, ở lớp con mình ra sao, có nói tục không. Chị Huyền chia sẻ, không chỉ con chị, mà cả mấy bạn cùng một nhóm chat cũng có những ngôn từ rất teen, có lúc thiếu trong sáng… khi chị “lén” kiểm tra iPad của con.

Anh Hải Phong (quận Thủ Đức) kể, khi đang đá banh với con, sau lần sút chưa được, con văng tục… khiến anh “đứng hình”. Bé mới học tiểu học, nhiều từ tự nói ra chưa chắc đã hiểu được, thế nhưng lại nói rất hồn nhiên, nếu cứ để vậy dần dà sẽ thành quen miệng.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia tâm lý Cao Cang, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục miền Nam cho rằng, nhiều trẻ không hiểu hết ý nghĩa của những câu nói tục, nói bậy, hay tiếng lóng, ngôn ngữ teen, nói giảm nói tránh… bởi đây là hành vi bắt chước, tò mò. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một đứa trẻ bắt bước những ngôn từ không lành mạnh từ bạn bè, người thân trong gia đình, người xung quanh hay trên mạng xã hội hoặc giả trẻ muốn gây sự chú ý…

Với những trẻ lớn hơn, khi các con bắt đầu được sử dụng mạng xã hội, giao tiếp rộng hơn, nhiều hơn, lại rất tò mò để xem những từ ngữ ấy có nghĩa gì. Do vậy, các bậc cha mẹ cần có những biện pháp uốn nắn và lời khuyên phù hợp để xử trí trước tình huống trẻ nói tục, chửi bậy.

Đừng để nghiện mới cai

Ông Lý Đức Thanh, Phó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Kỹ năng sống Tinh Anh Việt (TPHCM) cho rằng, theo xu thế phát triển ngày nay, nhất là thời đại 4.0 cần phải hội nhập và tinh giản hoá.

Các ký hiệu có thể giúp cho việc trao đổi giao tiếp nhanh hơn, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cũng vì sự tinh giản này mà xuất hiện thêm những ngôn từ lệch chuẩn, có phần không lành mạnh… Vì vậy, các bậc phụ huynh cần hiểu rõ về nó và định hướng cho con mình cách phân biệt, những ngôn từ nào có thể sử dụng, khi nào thì không nên.

Đặc biệt là trong văn bản viết, hành chính, giao dịch, kinh doanh, học thuật… tránh và không được làm mất văn phong, vẻ đẹp của tiếng Việt. Ở mức cao hơn, các con cần phân biệt giữa tốc ký và ký hiệu ngôn ngữ teen (ngôn ngữ mạng) nên cần phải chia sẻ, thảo luận với trẻ. Phụ huynh cũng có thể chơi cùng trẻ qua các hoạt động giúp phát triển ngôn ngữ, và đặt biệt cần cho trẻ thấy giá trị đích thực khi sử dụng ngôn ngữ đúng.

Ông Thanh cũng chia sẻ thêm, việc nói tục, nói bậy cũng vậy, đôi khi do trẻ bắt chước, không hiểu nghĩa nên học theo. Cần giải thích ngữ nghĩa cho trẻ, cũng như giáo dục ngôn từ chuẩn mực giúp trẻ hình thành nhân cách.

Còn nếu trẻ hiểu nghĩa mà vẫn nói tục, nói bậy là do trẻ đã hình thành thói quen, cần điều chỉnh hành vi cho trẻ từ từ. Các bậc phụ huynh có thể dùng nhiều phương pháp như nêu gương, giao tiếp với môi trường tích cực, hay phương pháp làm cho trẻ mắc cỡ để điều chỉnh hành vi trên tinh thần tôn trọng trẻ.

Để giúp con “miễn dịch” với những ngôn ngữ thiếu lành mạnh, Thạc sĩ tâm lý Cao Cang chia sẻ, phụ huynh cần chú ý trong lời ăn tiếng nói, sử dụng ngôn từ đúng ngữ cảnh trong giao tiếp để làm gương cho con. Giúp trẻ nhận biết được ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, hiểu được sự trong sáng của tiếng Việt qua đọc sách, qua các chương trình bổ ích… Và tạo cơ hội cho trẻ thể hiện tình cảm, suy nghĩ, cảm xúc… qua sự ân cần, yêu thương.

Ngày nay, trẻ được làm quen sớm với các thiết bị công nghệ, trang mạng… vì vậy phụ huynh cần quan tâm, tìm hiểu xem trẻ theo dõi những chương trình, nội dung gì, ngôn từ có phù hợp với lứa tuổi hay không. Từ đó, phụ huynh sẽ định hướng, tư vấn, giúp con lựa chọn chương trình phù hợp. Ngoài ra có thể trao đổi với thầy cô, bạn bè, tìm hiểu xem con tương tác trên mạng xã hội ra sao, để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh.

Khi phát hiện ra con có những ngôn từ chưa đúng, cần phải giải thích cho con hiểu về việc tại sao lại không sử dụng ngôn ngữ đó trong giao tiếp, văn phong. Phụ huynh cũng khéo léo đưa ra những điều kiện, quy ước, thậm chí phải thật nghiêm khắc để xử lý. Bởi nếu không uốn nắn, nó sẽ tạo thành thói quen, khi đấy, việc giúp trẻ “cai” sẽ khó khăn hơn.

Theo Thạc sĩ Cao Cang, nhiều trẻ nhỏ nói tục, nói bậy… ở thời điểm các con bực tức. Vì vậy, giúp con kiềm chế cảm xúc, cùng con đi dạo, chơi một trò chơi, hay là một cái ôm, một câu nói xoa dịu. Đồng thời cần tìm ra những từ ngữ phù hợp để bày tỏ sự bực bội của mình, chứ không phải để con thốt ra những từ khiếm nhã, không lành mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.