3 lý giải cho việc trẻ nói tục

Khi bất ngờ nghe bé nói lời tục tĩu, bạn sẽ làm gì: Bỏ ngoài tai, lập tức trừng phạt hay thử tìm hiểu lý do?

3 lý giải cho việc trẻ nói tục

Nhiều đứa trẻ vài ba tuổi đã đôi lúc sử dụng những “từ ngữ gây sốc”. Nhìn chung không có động cơ xấu mà thích thú khám phá phản ứng của người lớn.

Phát ngôn từ ngữ tục tĩu có thể là “màn diễn thú vị” để trẻ quan sát, xem những nhân vật gần như thống trị thế giới (theo suy nghĩ của trẻ) bỗng chốc mất tự chủ thế nào?

Khi ấy, trẻ có cảm giác bản thân sở hữu sức mạnh ma quái bí ẩn, có khả năng tác động đến phản ứng của cha mẹ.Để uốn nắn và khắc phục tình trạng trẻ nói tục, các bậc phụ huynh cần biết nguyên nhân và mẹo nhỏ

3 ly giai cho viec tre noi tuc
Cha mẹ hãy cùng con trò chuyện và từ từ uốn nắn khi con nói tục, chửi thề (Ảnh minh họa)

Thích bắt chước

Phần nhiều trẻ nói tục bởi chúng học cực nhanh, nhất là học từ người lớn. Vậy nên cha mẹ dứt khoát phải bình tĩnh xem lại ngôn từ của mình, nếu bất chợt một ngày chúng ta bàng hoàng nhận ra con văng tục trong trò chơi độc thoại với thú bông thì rất có thể là vì bé bắt chước câu nói bực tức của bố/mẹ lúc mở cửa buổi sáng, thấy ai đó vô ý quăng túi rác ngay trước nhà.

Cách thu hút sự chú ý

Trẻ có thể nói tục vì cảm thấy trong người khó chịu hoặc đang buồn rầu. Bé thu hút sự quan tâm của người lớn bằng cách ấy, bởi những cách trẻ biết không mang lại kết quả. Thay vì nghĩ cách trừng phạt, cha mẹ hãy trò chuyện vài phút với con.

Chuẩn mực gia đình

Nếu đã thỏa thuận: “Trong nhà ta không được nói tục như vậy” thì mọi người đều phải tôn trọng quy định, bố mẹ, anh chị… cần gương mẫu để bé noi theo.

Phản ứng hiệu quả

Khi trẻ lần đầu phát ngôn “lạ tai”, tốt nhất cha mẹ nên đóng kịch “bỏ qua”, không nghe thấy. Có thể bé cố ý “đặt bom” nhằm “lật đổ sự thống trị” của người lớn. Sau vài lần nói tục không nhận được hiệu ứng như mong đợi, trẻ sẽ chán. Việc coi thường những hành vi ngỗ ngược sẽ mang lại hiệu quả tức thì.

Trường hợp những lời tục tĩu bị lặp lại nhiều lần, cha mẹ cần trò chuyện nghiêm túc với con. Quan trọng là chọn thời điểm thích hợp, khi chúng ta thật sự thoải mái, không bực bội.

Nhẹ nhàng và chậm rãi giải thích cho con: Nói thế nào là dễ nghe, thế nào là xấu? Cần giảng giải cho con một cách từ tốn nhưng nghiêm túc: “Trong nhà ta không ai nói những từ khó nghe, xấu xí như vậy, vì nói thế sẽ khiến người thân cảm thấy xấu hổ”.

Nếu bé có hứng trò chuyện lâu hơn, cha mẹ có thể hỏi con về những từ ngữ mà con cho là lạ tai và thú vị, ví dụ bạn trong lớp mẫu giáo thường dùng.

Cha mẹ cũng có thể cùng con thống nhất danh mục “những từ ngữ tục tằn được phép sử dụng”, tức những thán từ chúng ta phát ngôn trong lúc bực bội với bản thân mà không ảnh hưởng đến ai.

Qua đó để con biết rằng, việc trải nghiệm tức giận là hiện tượng tâm lý hoàn toàn bình thường, để trẻ bày tỏ những tình cảm này theo cách không làm tổn thương người khác.

Theo PNO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ