Làm thế nào hạn chế giới trẻ nói tục, chửi thề?

GD&TĐ - Theo kết quả khảo sát tháng 12/2017 của Bộ GD&ĐT cho thấy có 8,6% học sinh và 20,3% sinh viên tự báo cáo rằng mình thường xuyên nói tục chửi bậy. Tuy nhiên, có lẽ tỉ lệ này chỉ là phần nổi của tảng băng.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Tại sao giới trẻ nói tục chửi thề tăng trong cuộc sống thực và trên mạng xã hội? Ngôn ngữ tục, bậy trở nên quá phổ biến trong các bài viết, bình luận, các video clip phát trực tiếp. Tại sao có những người lập hẳn kênh, tạo cho bản thân thương hiệu nói tục chửi bậy để thu hút người xem?

Chúng ta thấy, bố mẹ và thầy cô luôn giáo dục và ngăn con trẻ không nói tục chửi thề. Tuy nhiên chính họ khi bực tức cũng thường không kiềm chế được mà văng tục, đó là những mẫu hình xấu đầu đời cho con.

Chúng ta cũng thấy, nếu như trước đây trong gia đình bố mẹ nói bậy thì con cái cũng thường nói bậy theo. Tuy nhiên việc này không còn đúng với hiện nay.

Hiện tại, nhiều gia đình bố mẹ không nói bậy nhưng con cũng vẫn nói bậy vì học từ bạn bè, từ những mối quan hệ trên mạng xã hội. Có thể nói, việc tiếp cận với ngôn ngữ, cách nói tục tĩu không thể kiểm soát hiện nay là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này

Có nghiên cứu ở giác độ tâm lý chỉ ra rằng, nói tục chửi bậy có thể làm cá nhân ức chế cảm giác đau. Có nghĩa là người buột miệng nói tục có khả năng chịu đựng đau đớn cao hơn những người không văng tục.

Minh chứng đã cho thấy sản phụ trong phòng chờ đẻ có tỉ lệ chửi bậy cao hơn gấp nhiều lần so với việc gặp những hoàn cảnh khó chịu bức xúc khác.

Việc chửi bậy cũng là cách thức để ứng phó giải tỏa một cảm xúc to lớn (bất kể nó là cảm xúc tích cực và tiêu cực). Trong sân vận động, khi một tiền đạo bỏ lỡ một bàn ngon ăn chúng ta có thể nghe tiếng văng tục, nhưng khoảnh khắc một bàn đẹp mắt được ghi nhiều người cũng có thể không kiềm chế được mà văng tục.

Tâm lý học cũng chỉ ra, khi văng tục nhiều người cảm thấy mình có quyền lực hơn trong chốc lát, cảm thấy mình có vẻ kiểm soát được tình huống tiêu cực.

Tuy nhiên, tất cả chỉ làm cảm giác. Nhiều người chửi bậy cũng giống như một cách nhấn mạnh một thông điệp hoặc một biểu cảm nào đó cho người khác thấy giống như việc chúng ta bôi đậm, in nghiêng hoặc cho vào trong ngoặc kép một cụm từ khi gõ bằng văn bản vậy.

Đối với giới trẻ, nhiều khi văng tục là một cách thức thể hiện cho người khác biết tôi đang khó chịu, đừng có động vào tôi (một dạng phòng vệ và yếu thế), nhưng nhiều lúc cũng là cách thức để tạo quan hệ gần gũi với bạn bè.

Nói tục nhiều lúc được quan niệm như một cách giao tiếp xuồng xã giữa những người bạn thân chứ không phải kiểu trịnh thượng như những người xã giao.

Trong nhóm thường có những “mật ngữ” riêng và nói tục cũng giống như một cách thể hiện tôi thuộc về thế giới nào, nhóm nào đó vậy.

Vậy làm thế nào để giáo dục giới trẻ hạn chế việc sử dụng ngôn ngữ tục tĩu trong đời thực và trên mạng xã hội.

Có lẽ trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về gia đình. Cha mẹ phải ý thức về vấn đề này, gương mẫu trong lời ăn tiếng nói của chính mình.Chính mình làm gương không nói tục chửi bậy trước mặt con cái. Đồng thời tìm các cách thức để hạn chế con cái tiếp xúc với những lời chửi thề càng lâu càng tốt.

Bố mẹ cũng cần tự học những cách thức giải tỏa cảm xúc tiêu cực như tức giận để sau đó dạy con dùng ngôn ngữ thân thiện thay vì chửi bậy trong những tình huống khó chịu.

Cha mẹ phải chỉ rõ cho trẻ biết việc chửi thề cũng là một dạng bắt nạt bằng ngôn ngữ, và có thể phạm luật nếu lăng nhục người khác. Giúp con phân tích lợi hại của việc dùng ngôn ngữ không phù hợp trên mạng xã hội.

Những gì con viết ra sẽ tồn tại mãi và sẽ bị đánh giá sau này do người khác hiểu lời nói của con phản ánh nhân cách của con. Giúp con biết cân nhắc về hoàn cảnh, địa điểm tuyệt đối không được dùng ngôn ngữ bất lịch sự bằng cách tự hỏi nếu một người thân mà mình yêu quý và kính trọng đọc được những dòng này thì họ sẽ nghĩ gì.

Để góp phần tạo nên văn hóa ngôn ngữ của học sinh, nhà trường và xã hội cũng cần vào cuộc. Với vấn đề nói tục chửi bậy trên mạng xã hội, chúng ta có thể tận dụng sức mạnh công nghệ để đánh giá hạnh kiểm công dân số.

Tất cả các hành vi không đúng mực của một cá nhân thể hiện trên mạng xã hội (như nói tục chửi bậy, tung tin giả, tin thù địch và gây hấn) cũng như được ghi lại qua các hệ thống giám sát tự động (như vi phạm luật giao thông, vượt đèn đỏ) sẽ được sử dụng để xếp hạng hạnh kiểm công dân từ đó những người không có hành vi đúng mực sẽ bị mất một số quyền lợi do chính phủ mang lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.