'Mộng bình thường' sáng tạo từ mạch nguồn văn hóa Việt

GD&TĐ - “Mộng bình thường” của nhà thiết kế Thủy Nguyễn ra đời nhằm tôn vinh mạch nguồn văn hóa truyền thống.

Các tác phẩm thời trang được sắp đặt trong khung cảnh tre trúc Bắc Bộ và cầu Long Biên. Ảnh: Nghệ sĩ Thủy Nguyễn cung cấp.
Các tác phẩm thời trang được sắp đặt trong khung cảnh tre trúc Bắc Bộ và cầu Long Biên. Ảnh: Nghệ sĩ Thủy Nguyễn cung cấp.

Lấy cảm hứng từ ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy, “Mộng bình thường” của nhà thiết kế Thủy Nguyễn ra đời nhằm tôn vinh mạch nguồn văn hóa truyền thống.

Năm 2021 tại TPHCM, Thủy Nguyễn, một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam đã ra mắt “Mộng bình thường” để tổng kết 10 năm sáng tạo với lụa là gấm vóc.

Và mới đây, tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - triển lãm ấy được tái hiện, để công chúng Thủ đô có thể tận mắt thấy những bộ trang phục ẩn chứa mật mã văn hóa vốn đã bị quên lãng.

“Kéo” triển lãm ra Hà Nội

Nghệ sĩ Thủy Nguyễn trong buổi khai mạc triển lãm 'Mộng bình thường' tại Hà Nội ngày 16/2.

Nghệ sĩ Thủy Nguyễn trong buổi khai mạc triển lãm 'Mộng bình thường' tại Hà Nội ngày 16/2.

Nghệ sĩ Thủy Nguyễn sinh năm 1981 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2006) và nhận học bổng tại Học viện Nghệ thuật Kiến trúc Quốc gia Kiev (Ukraine). Đây cũng là nơi Thủy Nguyễn tiếp tục theo học thạc sĩ và lấy bằng tiến sĩ về nghệ thuật năm 2014.

Trở về Việt Nam, Thủy Nguyễn được biết đến trên cương vị nhà thiết kế thời trang và là người thành lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory. Năm 2019, Thủy Nguyễn được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là 1 trong 50 phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất.

60 bộ trang phục thời trang được trưng bày trong những gian phòng được thiết kế theo nghệ thuật sắp đặt phong cách Đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội.

Dưới những mái đình hay bên cầu Long Biên, những lụa là nổi bật sắc màu với những đường nét tinh tế mang đầy tính ẩn dụ của truyền thống và sáng tạo, của nét cũ xưa và những chấm phá lạ lùng.

60 bộ trang phục đang trưng bày ở Hà Nội, thực ra là 60 tác phẩm đã từng được ra mắt công chúng TPHCM trong năm 2021. Thế nhưng, chỉ cần thay đổi không gian, thêm vào đó sự sắp đặt tinh tế với một chút đặc trưng Bắc Bộ đã khiến chính những ai từng ngắm các tác phẩm ấy trở nên bỡ ngỡ như lạc vào một vườn tiên.

“Mộng bình thường” được coi như một cuốn phim tài liệu, tổng kết lại hành trình 10 năm sáng tạo của Thủy Nguyễn. Bởi vậy, trong lần ra mắt triển lãm tại TPHCM, nghệ sĩ nói rằng: 10 năm gom lại một ngày. Nhưng có thể, vì khoảng cách xa xôi và bởi điều kiện giãn cách giữa đại dịch Covid-19 nên đến giờ “Mộng bình thường” mới được “kéo” ra Hà Nội.

60 tác phẩm thời trang bao gồm các thiết kế áo dài mang dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp thời trang của Thủy Nguyễn. Đó là những thiết kế độc đáo về thêu, ren, họa tiết gấm hay thổ cẩm. Kèm theo đó là những hiện vật, phụ kiện thời trang trong bộ sưu tập cá nhân nhằm tôn vinh vẻ đẹp xưa cũ.

Lấy mạch nguồn văn hóa dân tộc làm cảm hứng sáng tạo nhưng Thủy Nguyễn khẳng định rằng, bản thân cô không bàn về lịch sử, cũng không chuyên về văn hóa truyền thống.

Cô muốn sáng tạo dựa trên nền tảng con người và văn hóa Việt Nam. Hội nhập - trong nghệ thuật là quan trọng, nhưng việc trộn lẫn vào nhau, không còn nhận ra bản sắc Việt là điều khó có thể lan tỏa.

Xuất thân là họa sĩ, Thủy Nguyễn đã đưa màu sắc, hình khối theo lối tư duy hội họa (fine arts) vào thời trang và ngược lại. Chiếc áo dài cô ba mà Thủy Nguyễn sáng tạo đã trở thành trang phục lan rộng khắp nơi, với những điểm nét ấn tượng.

Chọn tông màu chủ đạo ấm nóng, sặc sỡ - hành trình thiết kế của Thủy Nguyễn luôn vui tươi, tích cực. Chính vì vậy, các trang phục luôn có sức sống, tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh.

Hai trong số những thiết kế được công chúng nhận ra nhiều nhất là trang phục Hoàng Thùy Linh diện trong MV “Để Mị nói cho mà nghe” và trang phục của Thái hậu Dương Vân Nga (Thanh Hằng thủ vai) trong phim “Quỳnh Hoa nhất dạ”.

Tôn vinh nét đẹp truyền thống

Các tác phẩm thời trang của Thủy Nguyễn gắn với sự tích hoặc một câu chuyện văn hóa vùng miền. (Ảnh: Nghệ sĩ Thủy Nguyễn cung cấp).

Các tác phẩm thời trang của Thủy Nguyễn gắn với sự tích hoặc một câu chuyện văn hóa vùng miền. (Ảnh: Nghệ sĩ Thủy Nguyễn cung cấp).

Một sự thú vị nữa trong “Mộng bình thường” chính là sự góp mặt của giám tuyển nghệ thuật Dolla S. Merrillees - nguyên Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng và Khoa học tại Sydney (Australia).

Vị giám tuyển ngoại quốc này rất am hiểu các nét văn hóa đặc trưng Bắc Bộ. Vì thế, triển lãm mở ra các khía cạnh khác nhau, được tái hiện thông qua các diễn cảnh thiết kế công phu và đầy kịch tính, thể hiện rõ nét sự đa dạng của các bộ sưu tập cũng như nguồn cảm hứng giúp hình thành nên tác phẩm.

Từ tình mẫu tử, dáng dấp quê hương tới đời sống tâm linh và thiên nhiên cây cỏ, triển lãm lần này công chúng còn bắt gặp các câu thành ngữ, tục ngữ, đồng dao, truyện cổ tích, truyền thuyết dân gian hay hình ảnh các tác phẩm mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Điều này phản ánh tình cảm và sự gắn kết của nghệ sĩ đối với văn hóa truyền thống.

Thủy Nguyễn cho rằng, “Mộng bình thường” đề cao nét đẹp trong phông văn hóa bản địa, nhưng cũng muốn giới thiệu thêm vào đó những giá trị mới. Đồng thời, ghi nhận vị trí người nghệ sĩ hôm nay như là những học giả với phong thái tư duy và phương pháp sáng tác liên ngành.

Không chỉ để người trong nước biết về văn hóa cha ông, Thủy Nguyễn cũng thường xuyên đưa nghệ thuật Việt quảng bá tới bạn bè thế giới. Mới đây nhất vào tháng 9/2022, cô đưa triển lãm “Bồng bềnh chốn hư không” sang Pháp. 30 tác phẩm trong triển lãm ấy được cô lấy cảm hứng từ chính người cha của mình - một phi công MIG-21.

Cũng một điều dễ thấy trong cách đặt tên cho các bộ sưu tập của mình - Thủy Nguyễn đều rất tinh tế chọn lựa những từ ngữ đầy tính tượng hình và văng vẳng âm thanh: Lúng liếng (2015), Mộng mị (2017), Tình tang (2019), Bồng bềnh, Cọc cạch… nhằm đem đến những mường tượng mơ hồ, và cũng như để thử thách trí tưởng tượng của người thưởng lãm.

Được đánh giá có phong thái “rất Tây” và có cách sáng tạo quá mới, nhưng mỗi triển lãm của Thủy Nguyễn luôn vương vấn hình hài “rất Ta” từ những thứ rất cũ.

Trong “Mộng bình thường”, nghề thủ công thêu thùa được gợi ra giữa những chất liệu thuần Việt. Để rồi ngay cả hình hài đường nét cũng man mác đâu đó ý tranh Đông Hồ, hoa văn người Thái Tây Bắc, những chộn rộn của cải lương và hình hài từ những bộ trang phục tín ngưỡng thờ Mẫu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.