Văn kiện Ðại hội XIII trong định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người, đã đặt lên hàng đầu việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.
Ngày 29/11, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” diễn ra tại Hà Nội, kết nối trực tuyến tới Huế và TPHCM. Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ VH-TT&DL, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức.
Định hình hệ giá trị mới
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn Hội thảo sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam; góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, cùng với Hội thảo Văn hóa 2022 (sẽ diễn ra đầu tháng 12) là sự kiện quan trọng nhằm triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú - Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Ðảng Trung ương: Văn kiện Ðại hội XIII trong định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người, đã đặt lên hàng đầu việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.
“Trong khi giá trị cũ chưa mất hẳn, giá trị mới chưa định hình - làm nảy sinh tình trạng “hẫng hụt về mặt giá trị”, thậm chí là khủng hoảng. Việc phải sớm đẩy nhanh việc định hình một hệ giá trị mới để định hướng và dẫn dắt xã hội là rất quan trọng”, GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết.
Cuối năm 2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hệ thống lại, khái quát và định hướng khá rõ về những nội dung cơ bản của các hệ giá trị.
Về hệ giá trị quốc gia, đó là hệ giá trị phản ánh khát vọng cốt lõi, là đích đến để phấn đấu đối với dân tộc. Có thể xác định hệ giá trị quốc gia là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Về giá trị văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng thấm đẫm tính dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học - những giá trị cốt lõi của nền văn hóa Việt Nam.
Về hệ giá trị gia đình với bốn giá trị cơ bản: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh - những giá trị cốt lõi của gia đình Việt Nam hiện đại.
Về giá trị con người Việt Nam thời kỳ mới có sự kết hợp những giá trị truyền thống với những giá trị mới hình thành trong đổi mới và hội nhập.
Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. |
Gia đình phải thực sự là tổ ấm
Trong phiên tọa đàm bàn tròn về tầm quan trọng của việc xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới - các đại biểu chia sẻ quan điểm chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam; việc phát triển giá trị mới dựa trên các giá trị truyền thống; cách đưa hệ giá trị gia đình đi vào thực tiễn đời sống…
Phát biểu khai mạc Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã khẳng định đây là hội thảo rất quan trọng.
Vì thế, hội thảo cần phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị.
PGS.TS Lương Đình Hải - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh hệ giá trị con người là nội dung cấu thành quan trọng nhất, quyết định nhất đối với chất lượng nhân lực và nguồn lực con người trong mọi thời đại.
Về khủng hoảng hệ giá trị trong xã hội, ông Hải đã dẫn ra các ví dụ đau lòng về đạo đức gây rúng động dư luận thời gian qua, như vụ con đổ xăng đốt mẹ vì tranh chấp đất đai, hay vụ bạo hành đóng đinh vào đầu trẻ em.
TS Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH,TT&DL) nêu rõ, hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Cảnh báo tình trạng đứt gãy giáo dục hệ giá trị trong gia đình bởi trẻ em hiện nay có rất ít thời gian tiếp xúc với các thành viên để được nhận sự giáo dục các giá trị từ gia đình.
“Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc, xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người” - TS Trần Tuyết Ánh cho biết.
PGS.TS Đặng Thị Hoa - Viện trưởng Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, những giá trị gia đình cốt lõi cần được chú trọng giữ gìn, phát triển trong thời kỳ mới, gồm giá trị ấm no, giá trị hạnh phúc, giá trị tiến bộ, giá trị văn minh.
Bởi vậy, cần có nghiên cứu đánh giá về hệ giá trị gia đình Việt Nam; tuyên truyền và giáo dục coi trọng giáo dục trong gia đình; xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách phát triển hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới.
Bình luận